Liệu pháp Aspirin hàng ngày: Lợi ích và rủi ro

Liệu pháp Aspirin hàng ngày: Lợi ích và rủi ro

Dùng aspirin hàng ngày là biện pháp ngăn ngừa hiệu quả cho những người đã có tiền sử đau tim. Đây cũng được xem là một lựa chọn cứu cánh trong nhiều trường hợp, nhưng không phải dành cho tất cả mọi người. Hãy tìm hiểu về lợi ích và rủi ro của thuốc aspirin trước khi sử dụng liên tục.

1. Tổng quan

Nếu bệnh nhân bị đau tim hoặc đột quỵ, bác sĩ có thể sẽ khuyên dùng aspirin hàng ngày trừ khi bệnh nhân có tiền sử dị ứng thuốc nghiêm trọng hoặc có tiền sử chảy máu. Nếu bệnh nhân có nguy cơ cao bị đau tim bất cứ lúc nào, bác sĩ có thể sẽ khuyên dùng aspirin sau khi cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích.

Việc sử dụng 1 hoặc 2 viên aspirin không thường xuyên là an toàn cho hầu hết trường hợp, có tác dụng điều trị đau đầu, đau nhức cơ thể hoặc sốt. Nhưng việc dùng aspirin hàng ngày có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm cả chảy máu trong.

Thuốc Aspirin sẽ cản trở hoạt động đông máu của bạn. Khi bạn chảy máu, các tế bào hỗ trợ quá trình đông máu của máu, gọi là tiểu cầu, sẽ tích tụ tại vị trí vết thương của bạn tạo thành một nút bịt kín lỗ thông trong mạch máu giúp cầm máu.

Nhưng quá trình đông máu này cũng có thể xảy ra ở các mạch cung cấp máu cho tim. Nếu mạch máu của bạn bị thu hẹp do xơ vữa động mạch (do chất béo tích tụ trong động mạch), chất béo lắng đọng trong niêm mạc mạch máu có thể vỡ ra hình thành cục máu đông. Các cục máu đông sẽ gây tắc nghẽn động mạch, cản trở lưu lượng máu đến tim gây nhồi máu cơ tim. Dùng aspirin hàng ngày có thể giảm hoạt động tích tụ của tiểu cầu và ngăn ngừa những cơn đau tim.


aspirin
Aspirin là thuốc đem lại nhiều lợi ích cho việc điều trị bệnh về tim

2. Trường hợp chỉ định sử dụng thuốc Aspirin

Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân uống thuốc aspirin hàng ngày nếu:

  • Người đã có tiền sử đau tim hoặc đột quỵ.
  • Người không bị nhồi máu cơ tim, nhưng đã đặt stent động mạch vành, đã phẫu thuật bắc cầu mạch vành, hoặc bị đau ngực do bệnh mạch vành (đau thắt ngực).
  • Người chưa bao giờ bị đau tim nhưng có nguy cơ cao mắc phải.
  • Người bị tiểu đường có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim khác như hút thuốc lá hoặc huyết áp cao và là đàn ông trên 50 tuổi hoặc phụ nữ trên 60 tuổi.

Bác sĩ khuyến nghị dùng aspirin hàng ngày đối với bệnh nhân từ 50-59 tuổi, không có nguy cơ chảy máu và với bệnh nhân có nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ cao trong 10 năm tới. Nếu bệnh nhân từ 60-69 tuổi, không có nguy cơ chảy máu và có nguy cơ đau tim, đột quỵ cao từ 10% trở lên trong 10 năm tới, hãy nói chuyện với bác sĩ về liệu pháp dùng aspirin hàng ngày.

Bác sĩ không khuyến nghị dùng liệu pháp Aspirin để ngăn ngừa các cơn đau tim ở những người chưa từng bị đau tim, đột quỵ hoặc các bệnh lý tim mạch khác. Nguy cơ đau tim càng cao thì lợi ích của liệu pháp aspirin hàng ngày càng cao hơn nguy cơ chảy máu.

XEM THÊM: Chỉ định và tác dụng phụ có thể gặp của thuốc Aspirin


Đặt stent động mạch vành
Người đã đặt stent động mạch vành được chỉ định sử dụng thuốc Aspirin

3. Tác dụng phụ khi uống aspirin hàng ngày

Uống thuốc aspirin hàng ngày có thể dẫn đến một số tác dụng phụ và biến chứng như:

  • Đột quỵ do vỡ mạch máu: Mặc dù dùng aspirin hàng ngày có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ liên quan đến cục máu đông, nhưng ngược lại có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do chảy máu (đột quỵ xuất huyết).
  • Xuất huyết dạ dày: Dùng aspirin hàng ngày làm tăng nguy cơ bị loét dạ dày. Và nếu người bệnh bị loét dạ dày hoặc chảy máu ở bất kỳ vị trí nào trong đường tiêu hóa, dùng thuốc aspirin sẽ khiến tình trạng nặng hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
  • Dị ứng: Nếu bạn bị dị ứng với thuốc aspirin thì dùng bất kỳ lượng aspirin nào cũng có thể gây ra những phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng
Xuất huyết dạ dày là một triêu chứng nguy hiểm của thuốc aspirin

4. Lưu ý khi sử dụng aspirin hàng ngày

Trước khi bắt đầu dùng aspirin hàng ngày, nếu bạn đang bị những tình trạng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc các biến chứng khác, hãy cho bác sĩ biết. Các tình trạng bao gồm:

  • Rối loạn đông máu hoặc chảy máu;
  • Dị ứng thuốc aspirin, có thể bao gồm hen suyễn do aspirin;
  • Chảy máu do viêm loét dạ dày.

Nếu bạn đang uống thuốc aspirin hàng ngày và muốn thực hiện thủ thuật, phẫu thuật hoặc làm răng, hãy báo cho bác sĩ biết về việc dùng aspirin và liều lượng. Nếu không bạn có nguy cơ bị chảy máu quá nhiều trong lúc phẫu thuật. Tuy nhiên, bạn cũng không nên tự ý ngưng dùng aspirin mà không trao đổi với bác sĩ.

Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp cho từng bệnh nhân. Liều thấp nhất của aspirin là từ 71-150 miligam (mg), liều phổ biến nhất hay được dùng và có hiệu quả là 81mg. Bác sĩ có thể kê một liều hàng ngày từ 75mg (liều thấp nhất) cho đến 325mg (viên thuốc với cường độ cao). Đối với bệnh nhân bị đau tim hoặc đặt stent tim, việc dùng aspirin với bất kỳ loại thuốc làm loãng máu nào khác đều được khuyến nghị.

Những người thường xuyên dùng thuốc aspirin và uống rượu có thể càng gia tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày. Hãy cân nhắc uống có chừng mực hoặc hạn chế nếu có thể. Với phụ nữ ở mọi lứa tuổi và nam giới trên 5 tuổi, chỉ nên giới hạn tối đa 1 ly mỗi ngày. Với nam giới từ 65 tuổi trở xuống nên giới hạn tối đa 2 ly mỗi ngày.

Việc ngưng điều trị bằng Aspirin hàng ngày có thể gây ra tác dụng phụ là tăng nguy cơ đau tim. Nếu bạn đã từng bị đau tim hoặc đặt stent ở một hoặc nhiều động mạch tim, việc ngừng dùng Aspirin hàng ngày có thể dẫn đến những cơn đau tim đe dọa tính mạng.

Nếu bạn đang uống thuốc Aspirin hàng ngày và muốn dừng lại, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào. Việc đột ngột ngừng điều trị bằng aspirin hàng ngày có thể có tác dụng phụ, hình thành những cục máu đông.

Mặc dù là một loại thuốc giảm đau kháng viêm khá phổ biến trên thị trường như thuốc Aspirin vẫn có rất nhiều tác dụng phụ cần lưu ý khi sử dụng. Những khuyến cáo hay cảnh báo dùng thuốc Aspirin vẫn đang ngày càng được nghiên cứu và bổ sung, hoàn thiện để người sử dụng có thể an toàn hơn khi dùng thuốc.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, healthline.com

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/lieu-phap-aspirin-hang-ngay-loi-ich-va-rui-ro/