Bệnh viêm gân duỗi ngón cái

Bệnh viêm gân duỗi ngón cái

Bệnh viêm gân duỗi ngón cái là tình trạng đau nhức ảnh hưởng đến các gân ở ngón cái. Mặc dù nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm bao gân duỗi ngón cái không được biết đến, nhưng bất kỳ cử động cổ tay lặp đi lặp lại nào – chẳng hạn như đánh cầu lông hay bồng em bé – đều khiến bệnh trầm trọng hơn. Hội chứng được đặt theo tên của bác sĩ phẫu thuật Thụy Sĩ Fritz de Quervain, người đã xác định bệnh lý này vào năm 1895.

1. Bệnh viêm gân duỗi ngón cái là gì?

Gân là những dải mô, cấu trúc giống như sợi dây nối giữa cơ và xương. Khi thực hiện các động tác như cầm nắm hay vặn đồ vật, gân dạng dài ngón cái và duỗi ngắn ngón cái thường di chuyển nhẹ nhàng qua đường hầm nhỏ là vỏ bọc chung xung quanh hai gân – còn được gọi là bao hoạt dịch. Lặp đi lặp lại một hành động thường xuyên có thể gây kích ứng lớp bao gân này, gây dày và sưng lên làm hạn chế chuyển động của hai gân này.

Bất cứ ai cũng có thể bị viêm gân duỗi ngón tay cái, nhưng một số người sau có khả năng mắc bệnh cao hơn:

  • Người lớn từ 30 đến 50 tuổi có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn các nhóm tuổi khác
  • Phụ nữ nguy cơ mắc cao hơn nam giới từ 8 đến 10 lần
  • Chăm sóc trẻ: động tác bồng trẻ nhỏ liên quan đến việc sử dụng ngón cái làm điểm tựa làm tăng nguy cơ mắc bệnh này
  • Cử động cổ tay nhiều. Dù cử động tay và cổ tay lặp đi lặp lại do chơi thể thao hay công việc, hành động này làm tăng nguy cơ bị viêm gân duỗi ngón cái
  • Chấn thương trực tiếp vào cổ tay hay gân, mô sẹo làm hạn chế chuyển động của gân
  • Người mắc bệnh viêm khớp, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp.

2. Triệu chứng viêm gân duỗi ngón tay cái

Các triệu chứng của viêm gân duỗi ngón tay cái có thể xuất hiện từ từ hoặc đột ngột, bao gồm:

  • Đau kèm sưng dọc mặt sau của ngón tay cái.
  • Đau, tê bì quanh phần gốc ngón tay cái, phía ngoài của mu bàn tay và cổ tay. Nếu tình trạng này diễn ra quá lâu mà không được điều trị, cơn đau có thể lan lên mặt ngoài cẳng tay.
  • Khó cử động ngón tay cái và cổ tay, hạn chế động tác dạng và duỗi ngón cái. Cầm nắm đồ vật và các cử động khác của ngón tay cái và cổ tay làm trầm trọng thêm cơn đau.

Trong giai đoạn muộn hơn của bệnh, gân duỗi ngón cái có thể xơ cứng gần như toàn bộ, có thể cảm nhận được tiếng lục cục hay lạo xạo khi vận động, cảm giác bị dính lại hay giật cục khi thực hiện động tác của ngón cái.


viêm gân duỗi ngón cái
Đau tê bì quanh gốc ngón cái là triệu chứng của viêm gân duỗi ngón cái

3. Chẩn đoán bệnh viêm gân duỗi ngón cái

Để chẩn đoán bệnh viêm gân duỗi ngón tay cái, bác sĩ lâm sàng có thể dùng phương pháp ấn vào điểm gốc ngón cái. Nếu thử nghiệm này dương tính, bệnh nhân thường có cảm giác đau chói.

Bên cạnh đó, một nghiệm pháp giúp chẩn đoán chính xác hơn là nghiệm pháp Finkelstein: được thực hiện bằng cách bệnh nhân gập ngón tay cái ngang trong lòng bàn tay, bốn ngón tay còn lại nắm chặt ngón tay cái tương tự như nắm đấm. Sau đó, bệnh nhân gấp cổ tay hết sức về phía trong hay phía ngón út. Nếu động tác này gây đau dữ dội cho bệnh nhân ở vị trí bao gân dạng dài và duỗi ngắn ngón cái, nghiệm pháp này có kết quả dương tính.

Chụp X-quang: thường không cần thiết trong chẩn đoán bệnh viêm gân duỗi dài ngón cái.

Siêu âm là cận lâm sàng thường được chỉ định giúp chẩn đoán, bên cạnh đó nó còn hỗ trợ trong việc hướng dẫn tiêm thuốc vào bao gân và theo dõi quá trình điều trị bệnh viêm gân duỗi ngón cái.

4. Điều trị bệnh viêm gân duỗi ngón cái

Điều trị viêm gân duỗi ngón cái nhằm mục đích giảm viêm, duy trì cử động ngón tay cái, ngăn ngừa tái phát bệnh. Nếu bạn bắt đầu điều trị sớm, các triệu chứng của bạn sẽ nhanh chóng cải thiện. Bác sĩ sẽ lựa chọn kế hoạch và quyết định xem các phương pháp điều trị phù hợp.

4.1 Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc giảm đau, chẳng hạn như ibuprofenacetaminophen giúp giảm đau và sưng phù.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) dùng đường uống hoặc bôi tại chỗ

Tiêm corticosteroid: Tiêm vào bao gân có thể giúp giảm sưng và đau. Để tăng tính an toàn và độ chính xác hơn, nên tiêm corticoid dưới hướng dẫn của siêu âm. Nếu điều trị sớm trong vòng sáu tháng đầu khi bắt đầu có triệu chứng, hầu hết sẽ hồi phục hoàn toàn sau khi tiêm corticosteroid, thường sau một lần tiêm.

4.2 Biện pháp không dùng thuốc

Một số biện pháp khắc phục tại nhà và thay đổi lối sống như:

  • Cố định ngón tay cái và cổ tay, giữ thẳng bằng nẹp để giúp gân của bạn được nghỉ ngơi.
  • Tránh các cử động ngón tay cái lặp đi lặp lại càng nhiều càng tốt giúp thuyên giảm triệu chứng.
  • Chườm lạnh ở cổ tay và ngón cái
  • Sử dụng siêu âm, laser màu, xung điện kích thích thần kinh qua da.

Tìm gặp các bác sĩ vật lý trị liệu: Bác sĩ có thể xem xét nguyên nhân hay hoạt động gây đau và đưa ra gợi ý cách điều chỉnh để giảm đau cho cổ tay. Bác sĩ trị liệu cũng hướng dẫn các bài tập cho cổ tay, bàn tay để tăng cường sức mạnh cho ngón cái và cổ tay, giảm đau và hạn chế kích ứng gân. Bạn nên sử dụng các bài tập để phục hồi chức năng và chỉ khi cơn đau ban đầu đã dịu đi.

Các triệu chứng thường thuyên giảm trong vòng 4 đến 6 tuần nếu được điều trị sớm và chăm sóc đúng cách. Nếu các bài tập làm cho cơn đau tăng, hoặc cơn đau không giảm sau khoảng thời gian trên, mọi người nên hỏi ý kiến bác sĩ.


viêm gân duỗi ngón cái
Bạn có thể chườm lạnh khi bị viêm gân duỗi ngón cái

4.3 Điều trị ngoại khoa

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn hoặc mặc dù đã áp dụng các phương pháp điều trị trên nhưng không đỡ, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Đây là một phẫu thuật ngoại trú, bạn có thể về nhà ngay sau khi thực hiện phẫu thuật.

Điều trị ngoại khoa giải phóng bao gân để gân có thể di chuyển trơn tru. Quy trình phẫu thuật trong đó bác sĩ sẽ kiểm tra bao gân và các gân liên quan, sau đó rạch vỏ bọc, giải phóng áp lực để gân di chuyển tự do mà không bị đau.

Bác sĩ sẽ tư vấn về cách nghỉ ngơi và phục hồi cơ thể sau phẫu thuật. Các phương pháp điều trị không phẫu thuật vẫn áp dụng trong giai đoạn này.

Quá trình hồi phục sau phẫu thuật thường mất một thời gian. Triệu chứng đau sẽ sớm biến mất, nhưng khu vực này có thể sưng nhẹ trong vài tháng.

4.4 Phòng bệnh viêm gân duỗi dài ngón cái

  • Tránh hoạt động bàn tay, cổ tay lặp đi lặp lại thường xuyên trong thời gian dài. Kết hợp với thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tăng cường sức mạnh gân cơ thông qua các bài tập cho gân khớp vùng cổ tay.
  • Trong quá trình điều trị không nên xoa thuốc rượu, dầu nóng vì làm tình trạng viêm nặng thêm.
  • Không nên nắn bẻ khớp làm tổn thương thêm gân cơ.
  • Bên cạnh đó, tăng cường sức khỏe bằng chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung thêm canxi, sử dụng các sản phẩm từ sữa.

Nếu tình trạng của bạn không thuyên giảm, hãy đến thăm khám tại các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ ra biện pháp điều trị hữu ích nhất dành cho bạn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/co-xuong-khop/suc-khoe-thuong-thuc/benh-viem-gan-duoi-ngon-cai/