Dấu hiệu hoại tử khớp gối

Hoại tử khớp gối là tình trạng bệnh nguy hiểm, có để dẫn tới nguy cơ tàn tật. Vì vậy, mỗi người cần nắm được các dấu hiệu của bệnh để kịp thời phát hiện, điều trị bệnh hiệu quả.

1. Hoại tử khớp gối là gì?

Theo các bác sĩ, bệnh lý hoại tử xương khớp gối rất hiếm gặp, ít được phát hiện. Hoại tử vô mạch (hoại tử vô khuẩn) vùng xương thường gặp ở vùng khớp háng hơn là vùng lồi cầu đùi. Bệnh lý này không giống với thoái hóa khớp. Cơ chế của bệnh hoại tử khớp gối là tình trạng tiêu xương dưới bề mặt lớp sụn. Nếu để lâu không phát hiện và điều trị, bề mặt sụn bị lún xuống thì người bệnh sẽ bị đau đớn, khó chịu, khó đi lại.

Nguyên nhân của tình trạng tiêu xương kể trên là do vùng xương ở khu vực khớp gối bị thiếu máu nuôi dưỡng, dẫn đến tiêu đi. Cơ chế của bệnh là tổn thương mạch máu cung cấp cho xương, dẫn tới xương bị tắc mạch, cuối cùng là hoại tử. Từ đó, bệnh gây phù, làm các tế bào xương xung quanh bị tăng áp lực.

Hoại tử vô mạch ở khớp gối thường xuất hiện sau khi người bệnh gặp một chấn thương. Tuy nhiên, những người mắc các bệnh xương khớp khác hoặc bệnh nhân loãng xương cũng có thể gặp phải tình trạng này mà chưa từng trải qua chấn thương nào.

2. Dấu hiệu hoại tử khớp gối

Khi bị hoại tử khớp gối, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như:

  • Đau khớp gối, đau cả lúc không vận động;
  • Khớp gối đau nhức khi thực hiện động tác duỗi thẳng, uốn cong đầu gối;
  • Đi lại khó khăn.

Các triệu chứng của bệnh không điển hình, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở vùng khớp gối nên thường bị bỏ sót. Hơn nữa, bệnh hoại tử khớp gối không thể phát hiện với phim chụp X-quang thông thường mà cần chẩn đoán thông qua phương pháp chụp cộng hưởng từ.

3. Hoại tử khớp gối có nguy hiểm không?

Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, khi người bệnh bị phù thì bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật khoan giảm áp để dịch xung quanh khớp gối thoát ra, giúp các tế bào xương chưa bị chết không tiếp tục bị hoại tử nữa. Do đó, với căn bệnh này thì việc phát hiện và điều trị bệnh sớm là rất quan trọng.

Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, 2 hoặc 3 thì người bệnh sẽ được điều trị bảo tồn, không cần phải thay khớp gối, vẫn giữ được khớp gối. Trường hợp người bệnh đã bước sang giai đoạn 4 – giai đoạn rất nặng của tiêu xương dưới sụn, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh nhân có thể bị tàn phế. Ở giai đoạn này, do vùng hoại tử nhiều, vỡ cấu trúc khớp nên bệnh nhân buộc phải thay thế khớp gối toàn phần. Sau đó, người bệnh cần một thời gian nữa để phục hồi chức năng vận động.

Theo các nghiên cứu trên thế giới, bệnh hoại tử vô khuẩn vùng xương thường gặp ở nam giới nhiều hơn so với phụ nữ, tỷ lệ ở người trên 50 tuổi là khoảng 4%, người trên 60 tuổi là khoảng 9%. Tuy nhiên, đây là căn bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khớp gối khác như: Thoái hóa khớp, rách sụn chêm khớp gối ở người cao tuổi, người chơi thể thao,… nên thường bị bỏ sót. Mặc khác, nếu người bệnh không được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa thì cũng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý về khớp khác, khiến bệnh tiến triển nặng hơn.

Do đó, những người trên 40 tuổi nếu xuất hiện triệu chứng đau khớp gối về đêm và sáng, đau tăng lên khi đứng hoặc đi lại thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả. Với những người trung niên từ 40 – 50 tuổi trở lên, mức độ mất khoáng chất trong xương tăng lên, nguy cơ mắc bệnh xương khớp và hoại tử xương cũng tăng. Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu này, người bệnh nên đi thăm khám ở các bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán, điều trị bệnh hiệu quả.

Hoại tử khớp gối là tình trạng hiếm gặp nhưng có thể gây đau đớn, tổn thương khớp vĩnh viễn hoặc tàn tật nếu không được phát hiện, chữa trị kịp thời. Do đó, người trung tuổi nên đi thăm khám định kỳ để kịp thời phát hiện các vấn đề xương khớp của mình và điều trị can thiệp ngay từ sớm.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/co-xuong-khop/suc-khoe-thuong-thuc/dau-hieu-hoai-tu-khop-goi/