Công dụng của thuốc Ganlotus

Công dụng của thuốc Ganlotus

Thuốc Ganlotus có tác dụng gì? Ganlotus chứa L-Arginine-L-Aspartate, giúp tăng cường chức năng gan. Ngoài ra nó còn tham gia các chu trình chuyển hóa quan trọng tại gan. Thuốc Ganlotus điều trị tình trạng khó tiêu, trướng bụng, vàng da do gan suy yếu và chứng tăng Amoniac máu.

1. Thành phần thuốc

Thành phần chính của thuốc Ganlotus bao gồm:

  • L-Arginine-L-Aspartate 2000mg.
  • Tá dược (Sucrose, Natri Methylparaben, Sucralose, Nước tinh khiết….) vừa đủ.

Thuốc Ganlotus được sản xuất từ Công ty Cổ phần Dược phẩm CPC1 – Hà Nội. Thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch uống Quy cách đóng gói: Hộp 8 vỉ x 5 ống x 10 ml.

2. Công dụng của thuốc Ganlotus

Công dụng của các thành phần tạo nên thuốc Ganlotus:

L-Arginine-L-Aspartate, đây là phức hợp của hai acid amin. Nó tham gia vào nhiều con đường chuyển hóa và trao đổi chất trong cơ thể. Đặc biệt là chu trình đường phân diễn ra tại gan. Theo một số nghiên cứu, việc bổ sung L-Arginine-L-Aspartate cho các vận động viên trong vòng 3 tuần sẽ giúp giảm nồng độ Glucose và Lactate trong máu, đồng thời tăng oxy hóa chất béo và giảm tiêu thụ oxy. Ngoài ra, giúp giảm nhịp tim, tăng thông khí, từ đó cải thiện hiệu suất làm việc.

Mặt khác, hai acid amin còn tham gia xúc tác cho các phản ứng trong chu trình Ure, sẽ giúp chuyển Amoniac thành sản phẩm trung gian ít độc. Từ đó dễ đào thải qua nước tiểu. Cũng có thể coi L-Arginine-L-Aspartate hỗ trợ chức năng giải độc của gan.

Trong trường hợp tăng thoái hóa Protein do thiếu hụt men gan. Việc bổ sung L-Arginine-L-Aspartate sẽ giúp kích thích tuyến yên, tuyến tụy sinh Hormon từ đó giúp khôi phục hàm lượng Arginine huyết và giảm tình trạng thoái hóa.

Có thể nói, L-Arginine-L-Aspartate tham gia tích cực vào rất nhiều hoạt động tại gan, giảm mỡ máu và đường huyết, tăng cường chức năng gan.

Chỉ định:

Thuốc Ganlotus được sử dụng trong những trường hợp sau:

  • Những người bị suy giảm chức năng gan dẫn đến vàng da, khó tiêu, đầy bụng.
  • Những bệnh nhân tăng nồng độ Amoniac trong máu. Nguyên nhân do chức năng giải độc của gan kém và rối loạn chu trình ure.

Chống chỉ định:

Không sử dụng thuốc Ganlotus cho những trường hợp:

  • Những người quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào trong công thức.
  • Những bệnh nhân rối loạn hấp thu Glucose-Galactose.
  • Những trẻ em dưới 30 tháng tuổi.
  • Những người bị rối loạn chu trình Ure. Đồng thời thiếu men Arginase.
  • Những bệnh nhân nhồi máu cơ tim.
  • Những người mắc các hội chứng kém dung nạp Fructose, thiếu hụt men Sucrose-Isomaltase.

3. Cách dùng thuốc Ganlotus

Cách sử dụng

Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, chú ý một số điều sau:

  • Nên bẻ đầu ống nhựa và uống trực tiếp dung dịch.
  • Có thể dùng pha loãng với nước. Nhưng không dùng chung với bất kỳ chất lỏng nào khác, hoặc chỉ tráng miệng với nước sau khi uống thuốc.
  • Để giảm triệu chứng khó tiêu, đầy bụng, nên sử dụng trước khi ăn hoặc ngay khi xuất hiện các dấu hiệu này.

Liều dùng

  • Trẻ em từ 30 tháng tuổi – 12 tuổi: Dùng 500mg – 2000mg/ngày hoặc theo chỉ định riêng của bác sĩ.
  • Trẻ em từ 12 – 18 tuổi: Dùng 1000 – 2000mg/ngày (tương ứng 5 – 10ml dung dịch), chia 1 – 2 lần.
  • Người lớn: Dùng mỗi ngày 2000 – 3000mg (tương ứng 10 – 15ml dung dịch), chia đều trước mỗi bữa ăn.
  • Thời gian sử dụng thuốc: dưới 15 ngày. Sau thời gian này các triệu chứng không thuyên giảm, hãy thông báo với bác sĩ để điều chỉnh liều thuốc hợp lý.

Một số cách xử trí khi quên liều và quá liều

Khi quên liều, cần làm những điều sau:

+ Dùng lại liều ngay sau khi nhớ ra.

+ Tuyệt đối không uống gấp đôi liều cùng một lúc. Hãy đảm bảo 2 lần dùng cách nhau 1,2 – 2 giờ.

Khi quá liều, cần làm những điều sau:

+ Khi sử dụng thuốc quá liều, có thể dẫn đến tiêu chảy, nhiễm toan chuyển hóa kèm thở nhanh. Nghiêm trọng hơn khi trẻ em khi dùng quá liều, sẽ gây tăng hàm lượng Ion Cl huyết, phù não và tử vong.

Xử trí: Ngay lập tức, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Bác sĩ sẽ tiến hành kiềm hóa máu, hạn chế tình trạng nhiễm Acid chuyển hóa. Đồng thời, điều trị triệu chứng và hỗ trợ hồi phục sức khỏe cho người bệnh.

4. Tác dụng không mong muốn

Trong quá trình sử dụng, một số tác dụng phụ sau có thể xảy ra:

Tác dụng phụ thường gặp

+ Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mặt đỏ bừng.

+ Đau đầu, tăng thân nhiệt.

+ Kích thích tĩnh mạch cục bộ.

Tác dụng phụ hiếm gặp

+ Phản ứng phản vệ, nhịp tim nhanh, thở gấp.

+ Phù nề gây đau.

+ Giảm số lượng tiểu cầu.

+ Ban đỏ, phát ngứa.

Chưa xác định được tần suất xuất hiện

+ Hơi thở chứa Oxit Nitric.

+ Giảm thông khí ở bệnh nhân hen suyễn.

+ Co cứng cơ bụng, tăng co thắt gây đau.

+ Hạ huyết áp.

+ Viêm tĩnh mạch.

+ Trướng bụng đối với bệnh nhân xơ gan.

+ Tăng Creatinin và Nitro Ure huyết tương.

+ Tăng giải phóng Hormon tuyến tụy, tuyến yên ở bệnh nhân suy thận, đái tháo đường.

Thông báo với bác sĩ, dược sĩ nếu trong quá trình sử dụng thuốc xảy ra các tác dụng không mong muốn khác.

5. Tương tác thuốc

Một số tương tác thuốc có thể xảy ra như:

  • Arginin khi dùng cùng với Progestogen và Estrogensẽ làm giảm đáp ứng với Glucagon và Insulin và tăng đáp ứng với GH.
  • Khi dùng chung với thuốc lợi tiểu Thiazid, Xylitol và Aminophylin, Sulfonylurea sẽ làm ảnh hưởng đến đáp ứng của các hoạt chất với Arginin.
  • Khi dùng chung với thuốc lợi tiểu giảm Kali, Spironolacton có thể gây ra tình trạng tăng Kali huyết nặng.

6. Điều kiện bảo quản thuốc

  • Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
  • Nhiệt độ dưới 30 độ C.
  • Tránh xa tầm tay trẻ em.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-cua-thuoc-ganlotus/