Công dụng hạ sốt của Brufen

Công dụng hạ sốt của Brufen

Thuốc Brufen có thành phần chính là dược chất Ibuprofen thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm không steroid. Brufen được chỉ định hạ sốt ở trẻ em, giảm đau trong các trường hợp như đau răng hoặc đau sau khi nhổ răng, đau đầu, đau xương khớp do thấp, bong gân, đau bụng kinh.

1. Các loại thuốc Brufen

Thuốc Brufen hạ sốt có thành phần chính là hoạt chất Ibuprofen- thuộc nhóm thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID). Bên cạnh đó, Brufen thuốc còn có tác dụng trong ức chế kết tập tiểu cầu có phục hồi. Nguyên nhân là do khả năng ức chế enzyme cần thiết trong quá trình gây viêm, đau và sốt của cơ thể.

Các dạng bào chế của thuốc có thể gặp như:

  • Siro Brufen 100mg/5ml chai 60ml;
  • Viên nén Ibuprofen 400mg.

2. Tác dụng của thuốc Brufen

Thuốc Brufen được chỉ định sử dụng trong các trường hợp như sau:

Dược lực học của thuốc Brufen:

  • Dược chất chính là Ibuprofen là thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Đây là dẫn chất của axit propionic có tác dụng giảm đau, chống viêm và hạ sốt. Hơn nữa, hoạt chất Ibuprofen có nguy cơ ức chế kết tụ tiểu cầu có thể phục hồi. Tác dụng điều trị của thuốc này được cho là do khả năng ức chế enzym cyclooxygenase và do đó dẫn đến giảm đáng kể tổng hợp prostaglandin. Các đặc tính này giúp giảm các triệu chứng của viêm như sưng, nóng, đỏ, đau và sốt.

Dược động học của thuốc Brufen:

  • Khả năng hấp thu: Nồng độ của thuốc đạt đỉnh trong huyết thanh sau khoảng 1-2 giờ sau khi uống thuốc đối với dạng bào chế giải phóng nhanh. Các nghiên cứu bao gồm bữa ăn chuẩn cho thấy thức ăn không gây ra ảnh hưởng đáng kể đến sinh khả dụng toàn phần;
  • Khả năng phân bố: Khả năng phân bố của Ibuprofen gắn kết mạnh với protein huyết tương (99%). Ibuprofen có thể tích phân bố nhỏ, khoảng 0,12 – 0,2 L/kg ở người trưởng thành;
  • Khả năng chuyển hóa: Sau khi uống thuốc Brufen, gần 90% liều uống ibuprofen có thể thấy trong nước tiểu dưới dạng chất chuyển hóa oxy hóa và liên hợp glucuronic. Rất ít, hoạt chất Ibuprofen được đào thải ra ngoài qua nước tiểu dưới dạng không đổi;
  • Khả năng thải trừ: Sự đào thải qua thận vừa nhanh vừa hoàn toàn. Thời gian bán thải của dạng bào chế thuốc Brufen giải phóng nhanh là khoảng 2 giờ. Việc đào thải dược chất Ibuprofen thực tế hoàn tất 24 giờ sau khi dùng liều cuối cùng.

3. Cách dùng và liều điều trị của thuốc Brufen

3.1. Cách dùng thuốc Brufen

Thuốc Brufen sẽ có tác dụng nhanh hơn khi bạn dùng thuốc lúc đói. Tuy nhiên đối với những người có tiền sử hoặc đang có vấn đề về dạ dày thì nên uống thuốc Brufen sau khi ăn.

Đối với dạng bào chế là siro Brufen 60ml cần lắc kỹ chai thuốc trước khi sử dụng. Đong theo đúng liều lượng cần dùng. Khi uống thuốc có thể có cảm giác nóng rát thoáng qua ở vùng miệng và cổ họng.

3.2. Liều dùng thuốc đối với trẻ em

Dùng thuốc Brufen 20 – 30mg/kg/ngày, chia thành nhiều lần uống hoặc dùng thuốc Brufen dạng hỗn dịch 20mg/ml như sau:

  • Trẻ em từ 3 – 6 tháng (khoảng 5 – 7kg): Dùng siro 2,5ml/lần, sử dụng từ 2 – 3 lần/ngày;
  • Trẻ em từ 6 – 12 tháng (khoảng 7 – 10kg): Dùng siro 2,5ml/lần, sử dụng 3 lần/ngày;
  • Trẻ em từ 1 – 2 tuổi (khoảng 10 – 14,5kg): Dùng siro 2,5ml/lần, sử dụng từ 3 – 4 lần/ngày;
  • Trẻ em từ 3 – 7 tuổi (khoảng 14.5 – 25kg): Dùng siro 5ml/lần, sử dụng từ 3 – 4 lần/ngày;
  • Trẻ em từ 8 – 12 tuổi (khoảng 25 – 40kg): Dùng siro 10ml/lần, sử dụng từ 3 – 4 lần/ngày.

Lưu ý:

  • Không dùng thuốc Brufen 60ml cho trẻ em dưới 3 tháng tuổi và trẻ em có cân nặng dưới 5kg;
  • Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu dấu hiệu bệnh của trẻ không thuyên giảm hoặc trở nặng thêm sau 24 giờ dùng thuốc. Đặc biệt là sử dụng thuốc đối với trẻ em từ 3 đến 5 tháng tuổi;
  • Hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa Nhi khoa nếu triệu chứng không thuyên giảm hoặc dấu hiệu bệnh trở nặng thêm sau 3 ngày dùng thuốc Brufen 60ml những trẻ nhi từ 6 tháng đến 18 tuổi.

3.3. Liều dùng thuốc đối với người lớn

Liều dùng thuốc Brufen đối với người lớn và trẻ từ 12 tuổi trở lên là 200 – 400 mg tương đương 10 – 20ml một lần, ngày từ 3 – 4 lần.

Thời gian giữa những lần uống cách nhau tối thiểu là 4 giờ. Tổng liều điều trị vượt quá 1200mg trong thời gian 24 giờ.

Khi đã sử dụng thuốc Brufen mà các triệu chứng của bệnh còn trầm trọng hơn hoặc không thuyên giảm thì cần xin ý kiến bác sĩ điều trị bệnh.

3.4. Trường hợp quá/ quên liều

Trong trường hợp quên sử dụng một liều thuốc Brufen, bạn cần uống liều đã quên ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu liều thuốc đã quên quá gần với thời gian sử dụng liều kế tiếp, bạn cần bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp đúng với kế hoạch. Bạn cần lưu ý rằng tuyệt đối không nên uống thuốc bù hoặc uống với lượng gấp đôi số liều đã được chỉ định và không nên dùng thuốc trong một thời gian dài.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Brufen

Thuốc Brufen có thể gây ra những tác dụng không mong muốn như sau:

  • Viêm loét đường tiêu hóa (đặc biệt đối với những người có tiền sử bệnh hoặc có các yếu tố nguy cơ);
  • Phản ứng quá mẫn như dị ứng trên da, nổi mày đay, hen, phù bạch huyết, ban đỏ…;
  • Nguy cơ về tim mạch (đối với những người lớn tuổi, có tiền sử bệnh tim mạch).

Khi sử dụng thuốc quá liều có thể gây ra tình trạng sốc thuốc khiến cơ thể gia tăng xuất hiện những tác dụng phụ và các phản ứng nguy hiểm đối với sức khỏe như:

Bạn cần ngưng sử dụng thuốc Brufen nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường hoặc những tác dụng phụ nghiêm trọng. Đồng thời, đối với trường hợp những tác dụng ngoại ý hiếm gặp xuất hiện và đe dọa trực tiếp đến tính mạng người dùng, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được cấp cứu và xử trí kịp thời. Ngoài ra, nếu bạn nhận thấy quá trình điều trị bệnh với thuốc Brufen 60ml không mang lại hiệu quả, bệnh tình ngày càng trầm trọng hơn, bạn cần ngưng hoàn toàn việc sử dụng thuốc và báo ngay với bác sĩ chuyên khoa.

5. Tương tác của thuốc Brufen

Thuốc Brufen có khả năng tương tác với nhiều loại thuốc điều trị khác làm giảm hiệu quả trong điều trị bệnh của nhau. Đồng thời, thuốc cũng làm tăng tỷ lệ xuất hiện những tác dụng phụ nghiêm trọng. Bạn nên lưu ý khi sử dụng những thuốc sau dùng chung với thuốc Brufen:

  • Digoxin: Đây là một thuốc điều trị bệnh lý suy tim. Khi dùng kết hợp 2 loại thuốc này với nhau có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy tim, giảm tốc độ lọc cầu thận và tăng nồng độ trong huyết tương của Digoxin dẫn đến ngộ độc cho cơ thể;
  • Methotrexat: Khi sử dụng cùng thuốc Brufen có thể gây ra tình trạng ức chế bài tiết Methotrexate ở ống thận và làm giảm độ thanh thải của hoạt chất Methotrexate;
  • Ciclosporin: Khi sử dụng kết hợp với thuốc Brufen gây gia tăng nguy cơ ngộ độc thận;
  • Warfarin: Thuốc Brufen có thể làm tăng tác dụng chống đông của thuốc gây ra tình trạng xuất huyết;
  • Các thuốc thuộc nhóm NSAIDs khác: Dùng chung các thuốc thuộc nhóm NSAIDs với nhau làm tăng nguy cơ bị viêm loét dạ dày tá tràng;
  • Tacrolimus: Sử dụng đồng thời hai thuốc có thể làm tăng nguy cơ gây độc tính lên thận;
  • Kháng sinh thuộc nhóm Quinolon: Khi sử dụng đồng thời thuốc Brufen và kháng sinh thuộc nhóm Quinolon có thể tăng nguy cơ co giật;
  • Thuốc tim mạch, huyết áp (bao gồm những thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế ACE, thuốc chẹn kênh beta và thuốc đối kháng angiotensin-II): Việc dùng chung những loại thuốc này với thuốc Brufen có thể làm giảm tác dụng của những thuốc này.

6. Một số lưu ý khi sử dụng của thuốc Brufen

6.1. Chống chỉ định dùng thuốc Brufen

Không sử dụng thuốc Brufen đối với các trường hợp sau:

  • Người quá mẫn hay cơ địa nhạy cảm với hoạt chất chính Ibuprofen hay các thành phần tá dược khác có trong thuốc;
  • Người có tiền sử phản ứng quá mẫn (như bệnh hen suyễn, viêm mũi, sưng hạch bạch huyết hoặc mề đay) khi sử dụng Aspirin GT hoặc những thuốc thuộc nhóm NSAID khác;
  • Người bị bệnh suy tim, suy gan;
  • Người bị bệnh suy thận nặng (tốc độ lọc cầu thận dưới 30 mL/phút);
  • Phụ nữ có thai trong 3 tháng cuối thai kỳ;
  • Người tiền sử chảy máu hoặc thủng dạ dày ruột liên quan đến việc sử dụng thuốc thuộc nhóm NSAID trước đó;
  • Người đang trong tình trạng hoặc có tiền sử viêm loét đường tiêu hóa hay chảy máu dạ dày ruột tái diễn (có ít nhất 2 lần riêng biệt có bằng chứng liên quan đến loét hoặc chảy máu);
  • Người bị mất nước nặng (do nôn, tiêu chảy hay bù nước không đủ).

6.2. Cách bảo quản thuốc Brufen

  • Bạn nên bảo quản thuốc Brufen tại những nơi khô ráo, thoáng mát, có nhiệt độ trong phòng từ 25 – 30 độ C;
  • Đối với thuốc Brufen 60ml hỗn dịch uống người dùng cần đậy kín nắp vào bảo quản trong hộp thuốc;
  • Đối với thuốc Brufen dạng viên nén người dùng cần bảo quản thuốc trong bao bì hoặc hộp thuốc. Đồng thời, bạn không nên tự ý tách thuốc ra khỏi vỉ khi chưa cần thiết;
  • Bạn không nên bảo quản thuốc ở những nơi ẩm ướt như ngăn mát hoặc ngăn đá tủ lạnh, nhà vệ sinh;
  • Tránh để thuốc Brufen tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, thú nuôi trong gia đình và tầm tay trẻ em;
  • Trong trường hợp thuốc Brufen đã hết hạn sử dụng, bạn không nên tiếp tục sử dụng thuốc. Nếu trên vỏ bao bì có cách xử lý thuốc, bạn vui lòng xử lý theo hướng dẫn. Bạn không nên tự ý xử lý thuốc qua ống dẫn nước, không xử lý thuốc trong toilet hoặc vứt thuốc ra ngoài môi trường tự nhiên.

Trên đây là những thông tin cần thiết về cách sử dụng, liều dùng và công dụng hạ sốt của thuốc Brufen. Tuy nhiên, đau mỏi và sốt là những dấu hiệu lâm sàng thường gặp của rất nhiều bệnh lý khác nhau. Khi bạn bị sốt kèm theo đau mỏi, bạn cần đi khám để bác sĩ điều trị tìm hiểu nguyên nhân và chẩn đoán đúng bệnh.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-ha-sot-cua-brufen/