Công dụng thuốc Adiovir

Công dụng thuốc Adiovir

Adiovir thuộc nhóm thuốc long đờm, tiêu nhầy được bào chế dưới dạng siro. Thuốc có chứa hoạt chất chính là Ambroxol hydrochloride. Thuốc adiovir được chỉ định trong điều trị các bệnh cấp và mạn tính ở đường hô hấp.

1. Adiovir là thuốc gì?

Adiovir thuộc nhóm thuốc long đờm, tiêu nhầy được bào chế dưới dạng siro. Mỗi 5ml có chứa hoạt chất chính là Ambroxol hydrochloride BP 15 mg. Tá dược: Glycerin, sorbitol, citric acid, natri citrat, natri benzoat, dinatri edetate, natri saccharin, tá dược màu đỏ (Red 2G), lá được hương cam (flavour orange) và nước tinh khiết.

Ambroxol là 1 chất chuyển hóa của bromhexin, có tác dụng và công dụng như bromhexin làm long đờm và tiêu chất nhầy. Về mặt tiền lâm sàng, Ambroxol điều hòa sự tiết dịch đường hô hấp, gia tăng sản xuất chất diện hoạt ở phổi và kích thích hoạt động của hệ lông chuyển. Những hoạt động này làm giảm tính nhầy và làm tăng sự thanh thải chất nhầy giúp họ và khạc đờm dễ.

2. Chỉ định của thuốc Adiovir

Thuốc Adiovir được chỉ định trong điều trị: Các bệnh cấp và mạn tính ở đường hô hấp có kèm tăng tiết dịch phế quản không bình thường, đặc biệt trong đợt cấp của viêm phế quản mạn tính, viêm phế quản dạng hen và hen phế quản.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Adiovir

Dung dịch siro dùng đường uống, người bệnh nên dùng thuốc sau khi ăn.

Liều dùng khuyến cáo:

  • Người lớn và trẻ em trên 11 tuổi: 30mg (10ml)/ lần, 3 lần/ ngày.
  • Trẻ em 6 – 11 tuổi: 15mg (5ml)/ lần, ngày 3 lần.
  • Trẻ dưới 2 tuổi: 7,5mg (2.5 ml)/ lần, ngày 2 lần.
  • Trẻ em 2 – 5 tuổi: 7,5mg (2,5ml/ lần, ngày 3 lần.

Cần thận trọng và phải giảm liều đối với bệnh nhân suy thận.

Lưu ý về xử lý thuốc: Không có yêu cầu đặc biệt về xử lý thuốc sau khi sử dụng.

4. Chống chỉ định của thuốc Adiovir

Adiovir chống chỉ định với những trường hợp quá mẫn với ambroxol hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc và người bị loét dạ dày tá tràng tiến triển.

Không dùng thuốc Adiovir trong 3 tháng đầu thai kỳ.

5. Thận trọng khi dùng thuốc Adiovir

Cần chú ý với người bị loét đường tiêu hóa và các trường hợp ho ra máu, vì ambroxol có thể dam an các cục đông fibrin và làm xuất huyết trở lại.

Thận trọng khi dùng thuốc Adiovir với người bệnh suy gan hoặc suy thận.

Thời kỳ mang thai: Ambroxol hydroclorid qua được hàng rào nhau thai. Không có bằng chứng ambroxol có tác động xấu đến thai nhi. Tuy nhiên nên thận trọng quan sát khi dùng ambroxol ở phụ nữ mang thai. Đặc biệt không khuyến cáo dùng thuốc này trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Thời kỳ cho con bú: Chưa có thông tin về nồng độ của Bromhexin cũng như Ambroxol trong sữa, do đó cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ nuôi con bú.

Ảnh hưởng của thuốc Adiovir lên khả năng lái xe và vận hành máy móc: Chưa có bằng chứng về ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe và vận hành máy móc.

6. Tương tác thuốc

  • Dùng ambroxol đồng thời với các kháng sinh (amoxicillin, erythromycin, cefuroxim, doxycyclin) làm tăng nồng độ kháng sinh trong nhu mô phổi.
  • Dùng đồng thời Ambroxol với các thuốc trị ho như codein có thể gây ức chế phản xạ ho
  • Chưa có báo cáo về tương tác bất lợi với các thuốc khác trên lâm sàng.
  • Tương kỵ: Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với thuốc khác.

7. Tác dụng không mong muốn của thuốc Adiovir

  • Thường gặp: Ợ nóng, khó tiêu, đôi khi buồn nôn và nôn.
  • Ít gặp: Dị ứng, chủ yếu phát ban. Có nguy cơ xảy ra phản ứng trên da nghiêm trọng như hồng ban đa dạng, hội chứng Steven Johnson. Nên ngừng sử dụng khi xảy ra các phản ứng trên.
  • Hiếm gặp: Phản ứng kiểu phản vệ cấp tính, miệng khô và tăng các transaminase.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Adiovir, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi sử dụng. Lưu ý, Adiovir là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-adiovir/