Công dụng thuốc Agidolgen

Công dụng thuốc Agidolgen

Thuốc Agidolgen được chỉ định để giảm đau trong viêm xoang, giảm triệu chứng cảm cúm và cảm lạnh bao gồm cả buồn ngủ hoặc mệt mỏi… Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Agidolgen qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Agidolgen công dụng thế nào?

Thuốc Agidolgen bào chế dưới dạng viên nén bao phim, chứa 500mg Paracetamol, 25mg Cafein khan và 5mg Phenylephrin Hydrochlorid.

Thuốc Agidolgen được chỉ định để điều trị giảm đau trong viêm xoang hoặc giảm triệu chứng cảm cúmcảm lạnh, bao gồm cả mệt mỏi, buồn ngủ.

2. Liều dùng của thuốc Agidolgen

Thuốc Agidolgen công dụng điều trị cảm cúm, cảm lạnh thuộc nhóm thuốc không kê đơn. Liều Agigolgen sử dụng phụ thuộc vào độ tuổi và đáp ứng của người bệnh. Agidolgen có thể dùng cùng hoặc không cùng với bữa ăn, người bệnh không được sử dụng thuốc liên tục quá 7 ngày khi chưa được chỉ định của bác sĩ điều trị.

Một số khuyến cáo về liều thuốc Agidolgen như sau:

  • Người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi: Uống 1 – 2 viên/ lần x 3 – 4 lần/ngày và không quá 8 viên/ngày. Liều thuốc lặp lại sau ít nhất 4 giờ;
  • Trẻ em dưới 12 tuổi: Chưa có nghiên cứu cụ thể về độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng Agidolgen ở trẻ em dưới 12 tuổi. Vì vậy khuyến cáo không sử dụng Agidolgen ở đối tượng này.

Một số khuyến cáo về quá liều thuốc Agidolgen như sau:

  • Liên quan đến Paracetamol: Gây triệu chứng nôn, buồn nôn, đau bụng xảy ra trong 2 – 3 giờ sau khi uống một liều độc thuốc. Methemoglobin máu gây xanh tím niêm mạc, da, móng tay là dấu hiệu đặc trưng do nhiễm độc cấp tính dẫn chất P – aminophenol. Hoại tử gan phụ thuộc liều là độc tính cấp tính nghiêm trọng nhất do quá liều Paracetamol và có thể dẫn đến tử vong;
  • Liên quan đến Phenylephrin Hydrochlorid: Gây triệu chứng nhức đầu, tăng huyết áp, xuất huyết não, cơn co giật, ngoại tâm thu, đánh trống ngực, dị cảm và nhịp tim chậm;
  • Liên quan đến Cafein: Gây triệu chứng mất ngủ, bồn chồn, tiểu nhiều, kích thích, tim đập nhanh, mặt đỏ và loạn nhịp tim.

Người bệnh sử dụng quá liều thuốc Agidolgen cần ngưng sử dụng thuốc và đưa đến cơ sở y tế sớm nhất có thể.

3. Tác dụng phụ của thuốc Agidolgen

Thuốc Agidolgen có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

Tác dụng phụ gây ra bởi thành phần Paracetamol:

  • Rối loạn hệ bạch huyết, hệ tạo máu: Mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu;
  • Rối loạn hệ miễn dịch: Phản ứng mẫn cảm bao gồm phù mạch, ban da, hội chứng Stevens – Johnson, hoại tử nhiễm độc biểu bì và phản ứng phản vệ;
  • Rối loạn hô hấp, trung thất và lồng ngực: Co thắt phế quản;
  • Rối loạn gan mật: Rối loạn chức năng gan.

Tác dụng phụ gây ra bởi thành phần Cafein: Căng thẳng, kích động, lo âu, hưng phấn, bồn chồn và choáng váng.

Tác dụng phụ gây ra bởi thành phần Phenylephrin: Căng thẳng thần kinh, choáng váng, đau đầu, mất ngủ, buồn nôn, tăng huyết áp và nôn.

Người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng không mong muốn trong thời gian điều trị bằng Agidolgen.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Agidolgen

4.1. Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng thuốc Agidolgen trong những trường hợp sau:

  • Sử dụng đồng thời với thuốc chống sung huyết mũi giống giao cảm khác;
  • Người bệnh bị u tế bào ưa crom;
  • Người bệnh bị Glaucom góc đóng;
  • Người bệnh quá mẫn với Paracetamol, Cafein, Phenylephrin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc;
  • Người bệnh suy thận, suy gan, cường giáp, tăng huyết áp và đái tháo đường;
  • Người bệnh đang điều trị bằng thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế men Monoamin Oxidase trong vòng hai tuần trước đó.

4.2. Thận trọng khi sử dụng

  • Người bệnh cần được cảnh báo các dấu hiệu phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng hoại tử da nhiễm độc, hội chứng Stevens – Johnson, hội chứng Lyell, hội chứng ngoại bao mụn mủ toàn thân cấp tính.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Agidolgen ở người bệnh suy gan, suy thận.
  • Người bệnh cần được tư vấn bởi bác sĩ trước khi dùng thuốc nếu gặp các tình trạng sau: Bệnh tắc nghẽn mạch máu, bệnh tim mạch, phì đại tuyến tiền liệt, người bệnh đang điều trị bằng thuốc giống giao cảm.
  • Tránh dùng quá mức các loại nước uống có chứa Cafein như trà, cà phê, đồ uống đóng hộp.
  • Không uống rượu trong thời gian điều trị bằng Agidolgen.
  • Đối với phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú: Chống chỉ định sử dụng thuốc Agildogen.
  • Đối với người lái xe, vận hành máy móc: Thuốc không gây ảnh hưởng đến khả năng lái xe, vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc

Agidolgen có thể gây ra một số tương tác thuốc sau:

  • Paracetamol làm tăng tác dụng chống đông của dẫn chất Indandion, Coumarin;
  • Sử dụng đồng thời với Phenothiazin dẫn đến khả năng hạ sốt nghiêm trọng;
  • Uống nhiều rượu trong thời gian dài làm tăng nguy cơ gây độc cho gan của Paracetamol;
  • Thuốc cảm ứng enzym gan có thể làm tăng độc tính của Paracetamol như Barbiturat, Phenytoin, Carbamazepin…;
  • Sử dụng đồng thời Paracetamol và Isoniazid có thể dẫn đến tăng độc tính với gan;
  • Không sử dụng đồng thười với Bromomcriptin do nguy cơ gây cơn tăng huyết áp hoặc gây co mạch;
  • Không phối hợp với Guanethidin do nguy cơ làm tăng tác dụng cao huyết áp của thành phần Phenylephrin, giãn đồng tử kéo dài và đáng kể.

Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của thuốc Agidolgen. Vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng Agidolgen.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Agidolgen, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Agidolgen là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-agidolgen/