Công dụng thuốc Aginolol

Công dụng thuốc Aginolol

Aginolol 50 là thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm chẹn beta giao cảm, vừa có tác dụng làm chậm nhịp tim ở những bệnh nhân có cơn đau thắt ngực. Những thông tin về liều dùng, cách sử dụng và những lưu ý quan trọng cho bệnh nhân về thuốc Aginolol 50 sẽ có trong bài viết sau.

1. Công dụng thuốc Aginolol

Hoạt chất chính Atenolol hàm lượng 50mg có trong thuốc Aginolol là một thuốc ức chế thụ thể beta-adrenergic với tác động chủ yếu lên beta-1. Thuốc đối kháng với tăng nhịp tim do gắng sức, làm tăng thể tích tâm thất và kéo dài thời kỳ tâm thu. Tuy nhiên, tác dụng chính của Atenolol vẫn là tiết kiệm sử dụng oxy cho cơ tim, giảm triệu chứng trong cơn đau thắt ngực.

Hoạt tính hạ áp của Atenolol hiện chưa được biết rõ, tuy nhiên có một số cơ chế có liên quan như: ức chế thận giải phóng renin, ức chế trung tâm vận mạch hoặc cạnh tranh đối kháng với nhịp tim nhanh nên làm giảm lưu lượng tim.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Aginolol

Aginolol 50 được chỉ định điều trị các trường hợp:

Chống chỉ định của thuốc Aginolol

Thuốc Aginolol 50 không được sử dụng trong những trường hợp:

  • Bệnh nhân suy tim
  • Người có suy thất trái
  • Block nhĩ- thất độ 2, 3
  • Hen phế quản
  • Sốc tim
  • Nhịp chậm xoang
  • Người quá mẫn với Atenolol hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc;

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Aginolol

Cách sử dụng: Thuốc Aginolol được sử dụng bằng đường uống. Bệnh nhân nên uống toàn bộ viên thuốc Aginolol 50mg, không nên nhai, bẻ, nghiền nát vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Thuốc có thể được sử dụng vào thời gian bất kỳ trong ngày, nhưng thường uống vào cùng một giờ mỗi ngày để hạn chế quên thuốc.

Liều dùng:

Người tăng huyết áp vô căn:

  • Liều khởi đầu: 25-50 mg x 1 lần/ngày
  • Sau đó có thể tăng 100 mg x 1 lần/ngày nếu cần sau 1- 2 tuần điều trị mà vẫn chưa đạt đáp ứng tối đa
  • Có thể kết hợp thêm với thuốc giãn mạch ngoại biên

Cơn đau thắt ngực: liều thường dùng từ 50-100mg/ lần x 1 lần/ngày

Loạn nhịp nhanh trên thất: liều thường dùng từ 50-100mg/ lần x 1 lần/ngày

Nhồi máu cơ tim:

  • Tiêm trong 10 phút đầu tiên
  • Sau 12 giờ uống thêm 50mg
  • Trong 6 – 9 ngày tiếp theo, uống với liều 100 mg/ngày, uống 1 lần hoặc chia 2 lần
  • Nếu bệnh nhân có biểu hiện chậm nhịp tim, hạ huyết áp thì cân nhắc ngưng thuốc

4. Tác dụng phụ của thuốc Aginolol

Người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn trong thời gian sử dụng thuốc Aginolol 50 như:

  • Huyết học: giảm tiểu cầu
  • Chuyển hóa: hạ đường huyết, tăng triglyceride máu
  • Rối loạn hệ thần kinh: mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ
  • Rối loạn tim mạch: chậm nhịp tim, hạ huyết áp tư thế, ngất, suy tim, block nhĩ-thất, suy tim, hội chứng Raynaud, tím lạnh đầu chi, đi khập khiễng
  • Rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy, buồn nôn, nôn
  • Hội chứng mắt – da – tai: viêm giác mạc, viêm củng mạc, sẩn ngứa lòng bàn tay, viêm tai nặng

Nếu gặp các triệu chứng bất thường khi điều trị bằng thuốc Aginolol 50 người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để được hướng dẫn xử trí.

5. Tương tác của thuốc Aginolol

Aginolol 50 có thể tương tác nếu dùng đồng thời với những thuốc và chất sau:

  • Các thuốc gây cảm ứng các enzyme chuyển hóa ở gan như: Phenytoin, Rifampin, Phenobarbital, hút thuốc lá: làm tăng chuyển hóa, giảm tác dụng của Atenolol.
  • Các muối nhôm, Cholestyramin: làm giảm hấp thu, giảm tác dụng của thuốc Aginolol.
  • Thuốc chẹn kênh Calci, các thuốc hạ áp khác: có tác dụng hiệp đồng với các thuốc chẹn beta
  • Indomethacin, thuốc chống viêm không steroid: giảm tác dụng hạ huyết áp của Atenolol.
  • Verapamil: phối hợp với Atenolol gây chậm nhịp tim, block nhĩ- thất
  • Diltiazem: gây chậm nhịp tim nặng

6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Aginolol 50 có các đối tượng

  • Bệnh nhân suy tim
  • Người bị đái tháo đường, trong quá trình dùng thuốc Aginolol cần làm xét nghiệm Glucose máu thường xuyên
  • Người bị hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
  • Người đang dùng với thuốc gây mê theo đường hô hấp như Ether
  • Người đang điều trị với Digitalis hoặc các thuốc chống loạn nhịp nhóm I vì có thể gây chậm nhịp tim.
  • Bệnh nhân suy thận nặng
  • Người dùng Aginolol 50 cần thận trọng khi lái xe và vận hành máy móc vì các triệu chứng chóng mặt, mệt mỏi có thể xảy ra sau khi sử dụng thuốc.
  • Thuốc Aginolol 50 không sử dụng cho phụ nữ có thai vì đã ghi nhận một số trẻ mới sinh bị chậm nhịp tim, hạ đường huyết, suy hô hấp.
  • Không nên sử dụng thuốc cho người đang cho con bú vì nguy cơ ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.

7. Xử trí khi quá liều thuốc Aginolol

Triệu chứng khi quá liều: chậm nhịp tim, hạ huyết áp, co thắt phế quản, suy tim cấp tính.

Xử trí:

Khi dùng Aginolol 50 quá liều người bệnh cần dừng thuốc ngay và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Người bệnh được điều trị tổng quát và điều trị triệu chứng.

Điều trị tổng quát bao gồm: khi mới quá liều cần giảm lượng hấp thu khi thuốc còn trong đường tiêu hóa bằng cách tiến hành rửa dạ dày; dùng than hoạt hoặc thuốc nhuận tràng; điều trị tụt huyết áp và sốc bằng cách sử dụng huyết tương hoặc chất thay thế huyết tương.

Điều trị triệu chứng:

  • Chậm nhịp tim chậm quá mức: Atropin 1 – 2 mg tiêm tĩnh mạch và/hoặc dùng máy tạo nhịp tim. Có thể tiêm tĩnh mạch thêm 10mg glucagon nếu cần. Truyền tĩnh mạch một thuốc kích thích thụ thể beta như Dobutamin có thể được sử dụng nếu không đáp ứng với glucagon hoặc không có sẵn glucagon.
  • Hạ huyết áp, suy tim cấp: Dobutamin cũng được sử dụng do có tác dụng co bóp cơ tim. Liều Dobutamin sử dụng tùy theo tình trạng lâm sàng của bệnh nhân và để đạt được đáp ứng mong muốn.
  • Co thắt phế quản: sử dụng thuốc giãn phế quản.

Trên đây là toàn bộ thông tin về công dụng thuốc Aginolol 50, liều dùng và lưu ý quan trọng khi sử dụng. Aginolol 50 là thuốc kê đơn, để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tuân thủ đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-aginolol/