Công dụng thuốc Alertin

Công dụng thuốc Alertin

Thuốc Alertin được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Loratadin 10mg. Thuốc thuộc nhóm thuốc chống dị ứng và sử dụng trong các trường hợp quá mẫn.

1. Công dụng của thuốc Alertin

Thuốc Alertin có tác dụng gì? Thuốc có thành phần chính là Loratadin 10mg. Loratadin là thuốc kháng histamin 3 vòng, thuộc nhóm đối kháng thụ thể H1 thế hệ 2 (không an thần). Thành phần này có tác dụng làm giảm nhẹ các triệu chứng của viêm mũi và viêm kết mạc dị ứng do giải phóng histamin. Ngoài ra, Loratadin còn có tác dụng chống ngứa, chống nổi mày đay liên quan đến histamin. Dùng Loratadin 1 lần/ngày tác dụng nhanh, không có tác dụng an thần nên đây là lựa chọn đầu tiên để điều trị viêm mũi dị ứng hoặc mày đay dị ứng. Ngoài ra, có thể kết hợp sử dụng Loratadin và pseudoephedrin hydroclorid để làm giảm nhẹ triệu chứng ngạt mũi trong điều trị viêm mũi dị ứng kèm ngạt mũi.

Thuốc Alertin được chỉ định sử dụng để:

  • Điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng như hắt hơi, ngứa mũi, sổ mũi;
  • Điều trị triệu chứng viêm kết mạc dị ứng như ngứa mắt, nóng mắt;
  • Điều trị triệu chứng của mề đay và các rối loạn dị ứng trên da.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Alertin: Người quá mẫn cảm với thành phần của thuốc và trẻ em dưới 6 tuổi.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Alertin

Cách dùng: Đường uống. Người bệnh có thể uống thuốc vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày (có kèm hoặc không kèm bữa ăn).

Liều dùng:

  • Với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Dùng liều 1 viên/ngày;
  • Với trẻ em từ 6 – 12 tuổi: Nếu trẻ từ 30kg trở lên thì dùng 1 viên/lần/ngày; nếu trẻ dưới 30kg thì dùng 1⁄2 viên/lần/ngày;
  • Bệnh nhân suy gan hoặc suy thận: Dùng liều 1⁄2 viên/ngày hoặc 1 viên/lần mỗi 2 ngày.

Quá liều: Người lớn dùng thuốc Alertin quá liều có biểu hiện buồn nôn, nhức đầu, tim đập nhanh. Trẻ em dùng thuốc Alertin quá liều có biểu hiện ngoại tháp và đánh trống ngực. Việc xử trí chủ yếu là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ. Bệnh nhân dùng thuốc quá liều Loratadin cấp sẽ được gây nôn bằng siro ipeca để tháo sạch dạ dày ngay và dùng than hoạt sau khi gây nôn để ngăn ngừa hấp thu Loratadin. Nếu gây nôn không có hiệu quả hoặc chống chỉ định thì có thể thực hiện rửa dạ dày với dung dịch natri clorid 0,9% và đặt ống nội khí quản nhằm phòng ngừa nguy cơ hít phải dịch dạ dày.

Quên liều: Tốt nhất là nên sử dụng thuốc Alertin đúng thời gian bác sĩ kê đơn để đảm bảo tác dụng của thuốc. Tuy nhiên, nếu không may quên 1 liều thuốc, người bệnh nên uống ngay khi phát hiện ra. Trường hợp gần với liều tiếp theo thì bệnh nhân có thể bỏ qua liều đã quên, dùng liều tiếp sau đó đúng theo kế hoạch.

3. Tác dụng phụ của thuốc Alertin

Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Alertin gồm:

  • Thường gặp: Đau đầu, bồn chồn, mất ngủ, buồn ngủ, khô miệng, tăng cảm giác thèm ăn;
  • Ít gặp: Chóng mặt, khô mũi, hắt hơi, viêm kết mạc, mệt mỏi;
  • Hiếm gặp: Trầm cảm, tim đập nhanh, đánh trống ngực, loạn nhịp nhanh trên thất, buồn nôn, bất thường chức năng gan, kinh nguyệt không đều, nổi mày đay, ngoại ban, sốc phản vệ;
  • Rất hiếm gặp: Phản ứng dị ứng (phù ngoại biên và sốc phản vệ), co giật, viêm ruột, phát ban, rụng tóc.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Alertin

Một số lưu ý người dùng cần nhớ khi sử dụng thuốc Alertin gồm:

  • Thận trọng khi dùng Loratadin (thành phần chính của thuốc Alertin) ở bệnh nhân suy gan vì độ thanh thải của Loratadin có thể bị giảm xuống ở nhóm đối tượng này;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Alertin ở bệnh nhân suy thận;
  • Thuốc Alertin có chứa lactose nên không dùng cho người bị không dung nạp galactose, hấp thu kém glucose – galactose hoặc thiếu hụt Lapp lactase;
  • Ngưng sử dụng Loratadin ít nhất 48 giờ trước khi thực hiện các xét nghiệm về da do các thuốc kháng histamin có thể ngăn cản, làm giảm các phản ứng dương tính đối với những chỉ số phản ứng của da;
  • Khi sử dụng Loratadin, có nguy cơ khô miệng (đặc biệt là ở người cao tuổi) và sâu răng. Do đó, cần chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ trong suốt quá trình dùng thuốc;
  • Không khuyến cáo dùng thuốc Alertin ở phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú;
  • Chưa có dữ liệu về ảnh hưởng của thuốc Alertin tới khả năng sinh sản của nam giới và phụ nữ;
  • Trong các nghiên cứu lâm sàng, không thấy có ảnh hưởng của việc dùng thuốc Alertin tới khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc. Tuy nhiên, có một tỷ lệ hiếm người bệnh dùng thuốc bị chóng mặt, có thể gây ảnh hưởng tới khả năng lái xe và vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Alertin

Tương tác thuốc có thể gây ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc hoặc làm gia tăng các tác dụng phụ. Một số tương tác thuốc của Alertin gồm:

  • Tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng Loratadin với các thuốc ức chế CYP3A4 hoặc CYP2D6, dẫn đến làm tăng nồng độ Loratadin, tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ có hại;
  • Tăng nồng độ Loratadin trong huyết tương khi dùng chung Loratadin với ketoconazol, cimetidin và erythromycin (trong các thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát nhưng không có thay đổi đáng kể trên lâm sàng).

Trước khi dùng thuốc Alertin, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ về tiền sử sức khỏe và các loại thuốc bản thân đang sử dụng. Trong quá trình sử dụng thuốc, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ về cách dùng, liều dùng và thời gian dùng thuốc để tránh xảy ra những nguy cơ khó lường.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-alertin/