Công dụng thuốc Ambacitam

Công dụng thuốc Ambacitam

Ambacitam là thuốc thuộc nhóm trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm được bác sĩ chỉ định trong điều trị một số bệnh lý. Cùng tìm hiểu những thông tin quan trọng về thuốc như liều dùng, cách dùng và lưu ý khi dùng để thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất.

1. Thuốc Ambacitam là thuốc gì?

Khi tìm hiểu thông tin Ambacitam thuốc biệt dược, đây chính là sản phẩm có chứa thành phần Ampicilin (dưới dạng ampicillin natri 1g; Sulbactam (dưới dạng sulbactam natri) 0,5g.

Trong đó, Ampicillin là một hoạt chất thuộc nhóm kháng sinh penicillin được sử dụng phổ biến trong điều trị nhiễm trùng do một số loại vi khuẩn gây ra.

Với Sulbactam, một chất ức chế β-lactamase sở hữu có cấu trúc tương tự beta lactam nhưng có hoạt tính kháng khuẩn rất yếu. Cũng bởi lẽ đó, hoạt chất này thường không được sử dụng đơn độc trên lâm sàng. Khi Sulbactam được gắn vào beta lactamase, sẽ làm mất hoạt tính của enzym này, góp phần bảo vệ các kháng sinh có cấu trúc beta lactam khỏi bị phân huỷ.

Với sự hết hợp giữa hai thành phần trên, Ambacitam có khả năng điều trị một loạt các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Và được biết đến như thuốc dạng kháng sinh penicillin với khả năng hoạt động tối ưu bằng cách ngăn chặn sự tăng trưởng của vi khuẩn.

2. Chỉ định và chống chỉ định Ambacitam

2.1. Chỉ định

Ambacitam thường được chỉ định sử dụng trong điều trị các bệnh lý sau đây:

  • Bệnh nhân nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới gồm các bệnh lý như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm nắp thanh quản, viêm phổi do vi khuẩn.
  • Người bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu và viêm thận – bể thận.
  • Những người nhiễm khuẩn trong ổ bụng như viêm phúc mạc, viêm túi mật,….
  • Chị em mắc các bệnh phụ khoa như viêm nội mạc tử cung, viêm vòi trứng, viêm vùng chậu,…
  • Bệnh nhân viêm màng não, nhiễm khuẩn da, cơ, xương, khớp hoặc mắc nhiễm lậu cầu không biến chứng.
  • Sử dụng cho bệnh nhân phẫu thuật ổ bụng hoặc vùng chậu có nguy cơ nhiễm bẩn phúc mạc để giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn vết thương sau hậu phẫu.
  • Sử dụng trong điều trị dự phòng nhiễm khuẩn hậu sản trong những trường hợp chấm dứt thai kỳ hoặc sinh con bằng phương pháp đẻ mổ.

2.2. Chống chỉ định

Ambacitam không phù hợp với những bệnh nhân quá mẫn với thành phần thuốc hay với penicillin.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Ambacitam

Ambacitam được sử dụng để tiêm bắp hoặc tiêm truyền tĩnh mạch với liều dùng tham khảo như sau:

3.1 Người lớn:

  • Trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ: Sử dụng với liều 1,5 – 3g/ngày.
  • Trường hợp nhiễm khuẩn vừa: Sử dụng với liều tăng tới 6g/ngày.
  • Trường hợp nhiễm khuẩn nặng: Sử dụng với liều tăng tới 12g/ngày, chia 3 – 4 lần.

Tuy nhiên cần lưu ý chỉ sử dụng thuốc với liều tối đa là 4 g sulbactam/ngày.

3.2 Trẻ em, trẻ nhỏ, sơ sinh

Sử dụng với liều 150mg/kg/ngày, chia 3 – 4 lần, riêng sơ sinh nhỏ dưới 1 tuần, chia 2 lần/ngày.

3.3 Dự phòng quanh phẫu thuật

Dùng thuốc với liều 1,5 – 3 g tiêm lúc khởi mê, nhắc lại mỗi 6 – 8 giờ/24 giờ sau mổ.

4. Tác dụng phụ của thuốc Ambacitam

Trong quá trình sử dụng thuốc Ambacitam, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau:

  • Tác dụng phụ thường gặp: Phát ban, tiêu chảy, đau ở khu vực tiêm, phản ứng dị ứng.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: Đau ngực, khó chịu, nhức đầu, ớn lạnh, động kinh, ngứa buồn nôn. Một số trường hợp có thể bị viêm ruột, viêm ruột giả mạc, tiểu khó, viêm âm đạo, giảm các huyết cầu. Có bệnh nhân xuất hiện tình trạng tăng men gan, viêm thận.

5. Tương tác thuốc Ambacitam

  • Ambacitam có khả năng tương tác với aminoglycosid và làm mất hoạt tính của aminoglycosid in vitro.
  • Probenecid ức chế cạnh tranh sự thải trừ của Ambacitam qua ống thận, do đó làm tăng và kéo dài nồng độ của cả hai loại thuốc này trong huyết thanh.
  • Ambacitam có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm tìm glucose trong nước tiểu bằng phương pháp đồng sulfat.

Trên đây là một số thông tin về thuốc Ambacitam. Về cơ bản, bạn cần dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để trị bệnh an toàn, hiệu quả nhất.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-ambacitam/