Công dụng thuốc Beconase

Công dụng thuốc Beconase

Thuốc Beconase được sử dụng trong điều trị ngứa hoặc sổ mũi, hắt hơi… Thuốc được bào chế ở dạng chất lỏng khí dung hoặc xịt nước. Nó hoạt động bằng cách ngăn ngừa tình trạng viêm xảy với các phản ứng dị ứng. Tuy nhiên thuốc Beconase có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn như phát ban, nổi mề đay, viêm ngứa… Vì vậy, trước khi sử dụng thuốc Beconase người bệnh cần tìm hiểu kỹ thông tin và tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

1. Cơ chế tác dụng của thuốc Beconase

Thuốc Beconase có tác dụng chống viêm và co mạch mạnh khi sử dụng tại chỗ. Thành phần beclomethasone 17,21 -dipropionate (BDP). Thành phần BDP là tiền thuốc với ái lực gắn kết với thụ thể corticosteroid yếu. Sau đó được thuỷ phân thông qua các enzyme esterase thành chất chuyển hóa beclomethasone 17-monopropionate có hoạt tính chống viêm tại chỗ khá cao.

Hợp chất Beclometasone dipropionate trong thuốc Beconase được sử dụng điều trị phòng ngừa bệnh dị ứng hoa cỏ khi trước đó người bệnh có tiếp xúc với chất gây dị ứng. Khi sử dụng thường xuyên hợp chất BDP có thể ngăn ngừa các triệu chứng dị ứng tái phát.

2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Beconase

Thuốc Beconase được chỉ định sử dụng để dự phòng và điều trị viêm mũi dị ứng lâu năm hoặc dị ứng theo mùa, trong đó có thể bao gồm cả hoa cỏ và viêm mũi vận mạch. Thuốc Beconase còn có tác dụng chống viêm mạnh ở đường hô hấp. Và kết quả chống viêm của thuốc cho tỷ lệ và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ thấp hơn so với các mẫu quan sát khác khi sử dụng corticosteroid với tác dụng toàn thân.

Tuy nhiên thuốc Beconase có thể chống chỉ định với những đối tượng quá mẫn cảm với thành phần của thuốc.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Beconase

Thuốc Beconase được sử dụng chỉ qua đường mũi cho cả người lớn và trẻ em.

Đối với người lớn và trẻ trên 6 tuổi: sử dụng thuốc với liều khuyến cáo là 2 lần xịt vào mỗi mũi và ngày sử dụng 2 lần, đảm bảo liều 400mcg/ngày. Khi triệu chứng của bệnh được kiểm soát thì có thể sử dụng duy trì và với ít lần phun sương hơn.

Với lượng liều 1 lần xịt vào mũi vào buổi sáng và buổi tối được chứng minh có hiệu quả ở một số bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng tái phát, bệnh nhân có thể trở lại liều khuyến cáo 2 lần xịt vào mũi vào buổi sáng và buổi tối. Liều tối thiểu được sử dụng duy trì để kiểm soát các triệu chứng hiệu quả bao gồm tổng số lần sử dụng hàng ngày không nên vượt quá 8 lần xịt.

Để có thể giúp thuốc Beconase mang lại hiệu quả điều trị, thì người bệnh cần hợp tác và tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng thuốc. Đồng thời trong quá trình điều trị nếu gặp bất thường thì cần trao đổi với bác sĩ điều trị đê có thể xử trí kịp thời.

Trường hợp sử dụng thuốc Beconase quá liều có thể gây ra tác dụng nguy hại dẫn đến ức chế chức năng trục dưới đồi, tuyến yên, tuyến thượng thận. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình trạng bệnh cũng như sức khỏe của người bệnh.

4. Tác dụng phụ không mong muốn và một số lưu ý khi sử dụng thuốc Beconase

Khi sử dụng thuốc Beconase có thể người bệnh gặp một số tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, với mỗi cá nhân thì sẽ có mức độ phản ứng phụ khác nhau từ nhẹ đến nặng.

Tác dụng phụ của thuốc sẽ tác động lên các hệ thống trên cơ thể bao gồm:

  • Rối loạn hệ thống miễn dịch bào gồm các phản ứng quá mức với tình trạng phát, nổi mề đay, viêm ngứa, ban đỏ, phù mạch, khó thở, co thắt phế quản, phản ứng phản vệ.
  • Rối loạn hệ thần kinh với các triệu chứng về mùi vị, rối loạn mắt, tăng nhãn áp, tăng áp lực nội nhãn, đục thuỷ tinh thể, nhìn mờ.
  • Rối loạn hô hấp, lồng ngực và trung thất bao gồm các dấu hiệu chảy máu cam, khô mũi, kích ứng mũi, khô họng, kích ứng họng, thủng vách ngăn, tác dụng toàn thân của cortisteroid mũi có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Beconase ở liều cao trong thời gian dài.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Beconase:

  • Nếu người bệnh sử dụng thuốc Beconase trong một thời gian dài thì cần phải có sự kiểm tra thường xuyên của bác sĩ để nhận định sự tiến triển của bệnh. Như vậy, sẽ giúp người bệnh có thông tin về hoạt động của thuốc có bình thường hay không.
  • Thuốc Beconase có thể gây nấm miệng hoặc tưa lưỡi. Vì vậy người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để kế hoạch điều trị cụ thể.
  • Trường hợp người bệnh sử dụng thuốc Beconase mà thấy có các triệu chứng bệnh bất thường hoặc bệnh không thuyên giảm trong khoảng 2 tuần hoặc bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn, …
  • Người bệnh sử dụng thuốc Beconase quá nhiều hoặc quá lâu cũng có thể gây ra các vấn đề với tuyến thượng thận. Vì vậy, nếu người bệnh có dấu hiệu sạm da, tiêu chảy, chóng mặt, ngất xỉu, buồn nôn, phát ban trên da, suy nhược tinh thần, mệt mỏi thì cần liên hệ ngay cho bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.
  • Thuốc Beconase có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng bao gồm phù mạch và phản vệ. Vì vậy, nếu có xuất hiện các dấu hiệu như sưng mặt, môi, lưỡi, cổ họng… thì cần phải báo ngay cho bác sĩ điều trị.
  • Người bệnh sử dụng thuốc Beconase thể tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vì vậy nên tránh ở gần những người đang bị nhiễm trùng như bệnh thuỷ đậu hoặc bệnh sởi.
  • Thuốc có thể khiến cho trẻ chậm lớn hơn bình thường đồng thời khiến trẻ không thể tăng cân hoặc không phát triển được chiều cao. Vì vậy, trước khi sử dụng thuốc này cha mẹ nên cân nhắc tư vấn từ bác sĩ những lợi ích và rủi ro có thể gặp khi sử dụng thuốc Beconase.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-beconase/