Công dụng thuốc Captazib

Công dụng thuốc Captazib

Captopril là thuốc nhóm ức chế men chuyển Angiotensin được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp, thuốc có thể phối hợp với lợi tiểu Hydrochlorothiazide. Sự kết hợp này có mặt trong thuốc Captazib. Vậy thuốc Captazib có tác dụng gì và cần sử dụng như thế nào?

1. Thuốc Captazib có tác dụng gì?

Thành phần Captopril trong thuốc Captazib thuộc nhóm ức chế men chuyển Angiotensin I thành Angiotensin II. Theo đó Angiotensin II là một chất có tác dụng co mạch và kích thích vỏ thượng thận bài tiết Aldosteron. Do đó khi sử dụng Captopril sẽ giúp cơ thể giảm bài tiết aldosteron, đồng thời tăng cường hoạt động của renin huyết tương do Aldosterone đã không còn vai trò feedback âm tính.

Một công dụng khác của Captopril là giảm sức cản ngoại vi toàn phần do giãn mạch nhưng không gây giữ muối nước hoặc nhịp tim nhanh phản xạ. Captopril có hiệu quả giảm huyết áp ở mọi giai đoạn và mức độ (nhẹ, vừa và nặng). Theo nghiên cứu Captopril làm giảm huyết áp cả tâm thu lẫn tâm trương, ở tư thế nằm và tư thế đứng.

Thành phần còn lại trong thuốc Captazib là Hydroclorothiazid cũng có tác dụng hạ huyết áp, cơ chế đầu tiên có lẽ là do giảm thể tích huyết tương và dịch ngoại bào do tăng bài niệu natri. Sau đó trong quá trình sử dụng, tác dụng hạ huyết áp của Hydrochlorothiazide thay đổi tùy thuộc vào sự giảm sức cản ngoại vi, thông qua sự thích nghi dần của các mạch máu trước tình trạng giảm nồng độ natri huyết tương.

Do đó tác dụng hạ huyết áp của Hydrochlorothiazide thường xuất hiện chậm sau 1 – 2 tuần dùng thuốc, trong khi tác dụng lợi tiểu xảy ra nhanh sau vài giờ. Đáng chú ý Hydroclorothiazid làm tăng tác dụng của các thuốc hạ huyết áp khác, trong đó có Captopril.

Tổng kết lại sự phối hợp 2 hoạt chất Captopril và Hydrochlorothiazide trong thuốc Captazib mang lại tác dụng kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn là đơn trị liệu với từng hoạt chất.

2. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Captazib

Như đã đề cập ở trên, thuốc Captazib được chỉ định chủ yếu trong điều trị tăng huyết áp.

Tuy nhiên, một số trường hợp không được sử dụng sản phẩm Captazib này do có chống chỉ định với từng thành phần. Cụ thể chống chỉ định sử dụng Captopril với những bệnh nhân sau:

  • Cơ địa mẫn cảm với Captopril;
  • Hẹp động mạch chủ nặng;
  • Hạ huyết áp, bao gồm các trường hợp có tiền sử hạ huyết áp;
  • Tiền sử phù Quincke khi dùng thuốc nhóm ức chế men chuyển;
  • Bệnh nhân mang thai 6 tháng cuối;
  • Hẹp động mạch thận 2 bên hoặc 1 bên với bệnh nhân chỉ có 1 quả thận;
  • Chống chỉ định tương đối khi phối hợp Captopril với lợi tiểu tiết kiệm Kali, muối kali và Lithium;
  • Chống chỉ định tương đối ở bệnh nhân có tăng kali huyết, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu hoặc đang cho con bú.

Chống chỉ định sử dụng Hydrochlorothiazide bao gồm:

  • Bệnh nhân mẫn cảm với Hydrochlorothiazide và các lợi tiểu thiazid khác;
  • Mẫn cảm với dẫn xuất sulfonamide;
  • Gout, tăng acid uric máu;
  • Chứng vô niệu, bệnh Addison;
  • Chứng tăng calci huyết;
  • Suy gan và suy thận nặng.

3. Liều dùng của thuốc Captazib

Liều khuyến cáo thông thường của Captazib là uống 1-2 viên mỗi ngày.

Liều thông thường của Captopril trong điều trị tăng huyết áp được khuyến cáo là 50mg/ngày, chia làm 2 lần uống cách nhau 12 giờ. Trong khi liều ban đầu điều trị tăng huyết áp của Hydrochlorothiazide là 12.5-25mg trong 24 giờ, uống 1-2 lần. Tuy nhiên Hydrochlorothiazide chỉ nên sử dụng ở liều thấp nhất có thể được vì hiệu quả hạ huyết áp không tăng khi tăng liều trong khi nguy cơ tác dụng có hại lại tăng lên, do đó khuyến cáo không dùng Hydrochlorothiazide liều cao hơn 50mg/ngày.

4. Tác dụng phụ của thuốc Captazib

Tác dụng ngoại ý khi sử dụng Captazib liên quan đến những phản ứng không mong muốn của từng thành phần có trong thuốc. Trong đó những tác dụng không mong muốn khi sử dụng Captopril bao gồm:

  • Đau đầu, suy nhược cơ thể hoặc chóng mặt;
  • Hạ huyết áp, có thể so tư thế hoặc không;
  • Phát ban ngoài da;
  • Ðau thượng vị, chán ăn, buồn nôn, thay đổi vị giác;
  • Ho khan: Tác dụng này được ghi nhận với hầu hết nhóm thuốc ức chế men chuyển với tính chất dai dẳng và sẽ tự khỏi khi ngưng thuốc;
  • Phù mạch (phù Quincke);
  • Tăng ure và creatinin huyết tương, có thể hồi phục khi ngưng điều trị. Tác dụng phụ này hay xảy ra ở bệnh nhân hẹp động mạch thận, đã điều trị tăng huyết áp bằng thuốc lợi tiểu hoặc bệnh nhân có suy chức năng thận;
  • Tăng kali máu, thường là thoáng qua;
  • Thiếu máu: Ghi nhận ở bệnh nhân dùng thuốc ức chế men chuyển sau ghép thận hoặc lọc máu;

Tác dụng ngoại ý của lợi tiểu Hydrochlorothiazide bao gồm:

  • Gây mất kali quá mức: Phụ thuộc liều dùng và có thể cải thiện khi dùng ở liều tối ưu nhất;
  • Mệt mỏi;
  • Hoa mắt, chóng mặt;
  • Đau đầu;
  • Tăng acid uric máu;
  • Tăng đường huyết hoặc tăng lipid huyết (khi dùng ở liều cao);
  • Hạ huyết áp tư thế;
  • Loạn nhịp tim;

5. Một số chú ý khi sử dụng Captazib

Thận trọng khi phối hợp Captazib với những thuốc sau đây do có nguy cơ xảy ra tương tác thuốc bất lợi;

  • Các thuốc điều trị tăng huyết áp khác;
  • Thuốc lợi tiểu giữ kali;
  • Thuốc giảm đau kháng viêm;
  • Lithium;
  • Heparin;
  • Insulin và các thuốc uống điều trị đái tháo đường.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Captazib ở những bệnh nhân sau:

  • Xét nghiệm nước tiểu có Protein niệu;
  • Bệnh nhân suy giảm miễn dịch;
  • Bệnh nhân giảm thể tích máu;
  • Mắc bệnh đái tháo đường hoặc thống phong (Gout);
  • Bệnh nhân làm nghề lái xe hoặc vận hành máy móc phức tạp.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-captazib/