Công dụng thuốc Cefantif 300

Công dụng thuốc Cefantif 300

Thuốc Cefantif 300 thuộc nhóm thuốc kháng sinh được chỉ định điều trị các bệnh nhiễm khuẩn từ nhẹ đến trung bình. Thuốc có thành phần chính là Cefdinir 300 mg với dược tính tương đối mạnh. Vậy nên, trước khi sử dụng thuốc người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.

1. Thuốc Cefantif 300 là thuốc gì?

Thuốc Cefantif 300 là thuốc dùng theo đơn, với thành phần chính là Cefdinir 300 mg có tác dụng điều trị chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm mức độ từ nhẹ đến trung bình do vi khuẩn nhạy cảm gây ra.

Thành phần thuốc:

  • Hoạt chất chính: Cefdinir
  • Tá dược: Natri starch glycolate, Lactose monohydrate, Magnesium stearate, Aerosil.

2. Công dụng thuốc Cefantif 300

Thuốc Cefantif 300 với thành phần chính chứa Cefdinir – dược chất có tính diệt khuẩn mạnh, giúp ức chế sự tổng hợp của thành tế bào. Nhờ vậy mà Cefdinir không bị ảnh hưởng bởi các loại men beta-lactamase. Ngoài ra, Cefdinir còn có hoạt tính kháng khuẩn rộng vừa giúp chống lại các loại vi khuẩn gram(-), vừa chống lại vi khuẩn gram(+) như: Staphylococcus sp., Streptococcus sp., những loại vi khuẩn dễ bị kháng với những kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin đã sử dụng trước đó.

3. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Cefantif 300

3.1 Chỉ định

Cefantif 300 là thuốc chữa bệnh được chỉ định dùng cho một số trường hợp nhiễm khuẩn, nhiễm trùng do vi khuẩn nhạy cảm gây ra được quy định trong hướng dẫn, cụ thể là:

  • Viêm phổi mắc phải cộng đồng do các vi khuẩn như Moraxella catarrhalis, Haemophilus influenzae, Serpfox Coccus pneumoniae,…gây ra.
  • Điều trị đợt cấp của viêm phế quản, viêm phổi mãn, viêm xoang do vi khuẩn cũng do tác nhân từ vi khuẩn Moraxella catarrhalis, Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae.
  • Giảm viêm amidan, viêm họng do vi khuẩn nhạy cảm Streptococcus pyogenes.
  • Điều trị nhiễm khuẩn da, cấu trúc da và cấu trúc mô mềm chủ yếu do vi khuẩn Staphylococcus aureus Streptococcus pyogenes.
  • Viêm tai giữa cấp tính gây ra bởi Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, Streptococcus pneumoniae.
  • Bệnh lậu, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bộ phận sinh dục.
  • Điều trị nhiễm khuẩn sản phụ khoa.
  • Điều trị dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật.

3.2 Chống chỉ định

Bên cạnh đó, thuốc Cefantif 300 cũng chống chỉ định dùng cho các trường hợp cụ thể là:

  • Người bệnh quá mẫn cảm với thành phần chính hoặc tá dược trong thuốc.
  • Người bệnh có tiền sử dị ứng với kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin hoặc thuốc kháng sinh penicillin.

4. Cách dùng và liều dùng an toàn thuốc Cefantif 300

4.1 Cách dùng

Thuốc được bào chế dạng viên nang cứng dùng theo đường uống vô cùng tiện lợi. Uống trực tiếp với nước lọc, không nên hòa tan thuốc với nước hoặc nhai, vì có thể làm thay đổi dược tính của thuốc.

Vì là thuốc kháng sinh nên uống ngay sau bữa ăn. Trong trường hợp người bệnh cần bổ sung chế phẩm chứa sắt hoặc thuốc kháng acid nên uống thuốc Cefantif 300 cách ít nhất 2h.

4.2 Liều dùng

Thuốc Cefantif 300 là thuốc kháng sinh nên thường thời gian sử dụng từ 5 – 10 ngày và mỗi ngày từ 1 – 2 lần. Tuy nhiên, liều dùng và thời gian dùng thuốc chữa bệnh phụ thuộc vào từng giai đoạn của bệnh mà bác sĩ sẽ có đơn kê phù hợp. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể tham khảo thêm liều dùng dưới đây:

  • Người lớn và trẻ em >13 tuổi: 1 viên 300mg x 2 lần/ngày hoặc 2 viên 300mg/lần/ngày. Tối đa không quá 600mg cho các trường hợp nhiễm trùng.
  • Trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 12 tuổi: 7mg/kg x 2 lần/ngày hoặc 14 mg/kg/lần/ngày. 600mg/ngày là liều tối đa. Riêng đối với thuốc Cefantif 300 tab là thuốc dạng viên nén bao phim thì không nên chia liều, chỉ nên dùng cho trẻ có trọng lượng >= 25kg : không quá 300 mg/1 lần/ngày.
  • Người bệnh bị suy thận: Nếu người lớn bị suy thận có độ thanh thải creatinin

Thuốc Cefantif 300 là thuốc bán và sử dụng theo đơn, do đó người bệnh không tự ý tăng giảm hoặc tự ý ngừng dùng thuốc nếu không có chỉ định từ cán bộ y tế có chuyên môn.

5. Tác dụng phụ thuốc Cefantif 300

Thuốc Cefantif 300 là thuốc tân dược nên trong quá trình sử dụng người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ đó là:

  • Hiếm gặp: đau bụng, buồn nôn, viêm ruột màng giả, viêm âm đạo, nổi mẩn ngứa, phát ban,….
  • Rất hiếm gặp: khó tiêu, táo bón, chóng mặt, đầy hơi, nôn mửa, biếng ăn, phân có màu bất thường, suy nhược, mất ngủ, …

Mặc dù các tác dụng phụ của thuốc là rất nhẹ và sẽ hết sau vài ngày, nhưng nếu lo lắng thì khi người bệnh nghi ngờ có biểu hiện lạ bất thường hãy liên hệ ngay cho bác sĩ điều trị để được hướng dẫn xử lý.

6. Tương tác thuốc Cefantif 300

Cũng giống như các loại thuốc kháng sinh khác, thuốc Cefantif 300 có thể xảy ra phản ứng tương tác khi sử dụng chung với một số thuốc khác như:

  • Chế phẩm chứa sắt hoặc thuốc trung hòa chứa axit dịch vị như nhôm hoặc magnesi: làm giảm khả năng hấp thu thuốc, thế nên, người bệnh hãy uống thuốc Cefdinir cách các loại trên ít nhất 2h.
  • Probenecid: làm tăng khả năng hấp thu thuốc và kéo dài thời gian bán thải thuốc.

7. Lưu ý dùng thuốc Cefantif 300

Để đảm bảo hiệu quả của thuốc và an toàn cho sức khỏe, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:

  • Dùng đúng theo liều lượng được kê trong đơn.
  • Đọc kỹ các thông tin về thuốc và hỏi kỹ các vấn đề băn khoăn nếu có với bác sĩ.
  • Để tránh tương tác hoặc tác dụng phụ hãy chủ động cung cấp thông tin thuốc, tiền sử dị ứng nếu có cho bác sĩ điều trị.
  • Thận trọng sử dụng cho phụ nữ đang có thai hoặc nuôi con bằng sữa mẹ, vì chưa có nghiên cứu cụ thể.
  • Người già suy giảm chức năng gan thận.
  • Thuốc có thể gây đau bụng, buồn ngủ, táo bón nên thận trọng sử dụng khi đang tham gia giao thông hoặc lao động sản xuất,…
  • Không lạm dụng thuốc, vì nếu dùng thuốc trong thời gian quá dài có thể dẫn tới tình trạng kháng thuốc, nên nếu tái nhiễm thì phải đổi thuốc.

8. Xử trí quá liều và quên liều

Quá liều: Nếu dùng quá liều mà xuất hiện triệu chứng ngộ độc như nôn mửa, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy không kiểm soát, co giật hãy ngay lập tức đưa đi cấp cứu. Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định lọc máu để đào thải Cefdinir, còn nếu không có triệu chứng gì thì có thể thông tin cho bác sĩ và theo dõi tại nhà.

Quên liều: Nếu bạn vô tình quên liều nào đó hãy uống bổ sung liều quên khi nhớ ra, nhưng nếu thời điểm nhớ ra quá gần với thời gian của liều sau, thì bỏ qua liều quên và uống liều kế tiếp như kế hoạch. Không tự ý tăng liều gấp đôi để bổ sung, vì có thể dẫn tới ngộ độc.

Thuốc Cefantif 300 là thuốc tây dược thuộc nhóm thuốc kháng sinh được chỉ định điều trị các bệnh nhiễm khuẩn từ nhẹ đến trung bình. Thuốc có thành phần chính là Cefdinir 300 mg có dược tính tương đối mạnh. Vậy nên, người bệnh cần thận trọng sử dụng và chỉ dùng đúng theo đơn kê để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-cefantif-300/