Công dụng thuốc Cefotiam 2g

Công dụng thuốc Cefotiam 2g

Thuốc Cefotiam 2g là một kháng sinh dùng bằng đường tiêm, thuộc nhóm kháng sinh cephalosporin thế hệ 3. Thuốc thường được chỉ định để điều trị trong những trường hợp nhiễm khuẩn vừa và nặng.

1. Cefotiam 2g là thuốc gì?

Thuốc Cefotiam 2g có thành phần chính là Cefotiam (dưới dạng Cefotiam hydrochlorid) 2g, bào chế dạng bột pha dung dịch tiêm.

Cefotiam là một kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 3, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, thông qua cơ chế ức chế tổng hợp thành tế bào của vi khuẩn.

Cefotiam có ái lực mạnh đối với protein 1 và 3 gắn penicillin, đây là các protein cần thiết cho các tế bào vi khuẩn phát triển và phân chia. Cefotiam thấm qua màng ngoài của E.coli nhanh hơn gấp 2 – 10 lần so với kháng sinh cefalexin và cephalexin.

Cefotiam có thể bền vững đối với nhiều men beta-lactamase nhưng tương đối kém hơn so với một số cephalosporin thế hệ 3 khác và không có tác dụng chống lại vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa, Enterobacter cloacae. Do vậy, thuốc không được khuyến cáo để điều trị theo kinh nghiệm cho những trường hợp người bệnh bị nhiễm khuẩn do lây truyền trong bệnh viện.

Thuốc có phổ tác dụng trên những chủng vi khuẩn nhạy cảm:

  • Vi khuẩn ưa khí Gram dương: Staphylococcus còn nhạy cảm với methicillin, Streptococcus các nhóm A, B, C và G, các Streptococcus khác, Streptococcus pneumoniae.
  • Vi khuẩn ưa khí Gram âm: Citrobacter koseri, Branhamella catarrhalis, Escherichia coli, Haemophilus influenzae, Klebsiella, Providencia, Proteus mirabilis, Proteus vulgaris.
  • Vi khuẩn kỵ khí: Fusobacterium, Peptostreptococcus, Prevotella.

Các chủng hiện nay đã kháng với kháng sinh Cefotiam gồm:

  • Vi khuẩn ưa khí Gram dương: Enterococcus, Listeria monocytogenes, Staphylococcus đã kháng methicillin.
  • Vi khuẩn ưa khí Gram âm: Acinetobacter, Enterobacter, Citrobacter freundii, Morganella morganii, Pseudomonas, Serratia.
  • Vi khuẩn kỵ khí như Bacteroides fragilis, Clostridium.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Cefotiam 2g

Thuốc Cefotiam 2g được dùng trong những trường hợp sau:

  • Nhiễm khuẩn từ vừa đến nặng do vi khuẩn nhạy cảm như nhiễm khuẩn vết bỏng, áp xe, nhọt độc, nhiễm khuẩn ở cột sống, nhiễm khuẩn khớp, viêm amidan, viêm túi mật, nhiễm khuẩn đường mật, viêm thận, viêm bàng quang hay viêm đường niệu khác có hoặc không có biến chứng, tuyến tiền liệt, viêm màng não, nhiễm khuẩn tử cung, màng bụng, viêm tai giữa;
  • Nhiễm trùng huyết;
  • Dự phòng tình trạng nhiễm khuẩn do phẫu thuật.

Không dùng thuốc Cefotiam 2g trong những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với các kháng sinh nhóm cephalosporin, dị ứng với cefotiam haz tá dược có trong sản phẩm.
  • Bệnh nhân đang mắc bệnh suy gan.
  • Không dùng bằng dạng tiêm bắp đối với trẻ em và các bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với thuốc gây tê, thuốc gây mê có gốc aniline (như Lidocaine).

3. Liều lượng và cách dùng của Cefotiam 2g

3.1 Cách dùng Cefotiam

Cefotiam được dùng bằng đường tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch.

Cách pha dung dịch tiêm:

  • Tiêm tĩnh mạch: Thuốc Cefotiam 2g nên được pha với nước cất pha tiêm hoặc dung dịch NaCl 0,9% hoặc dung dịch Dextrose 5%
  • Tiêm truyền tĩnh mạch: Pha thuốc với một trong những dung dịch tiêm truyền như NaCl 0,9%, glucose 5%. Truyền nhỏ giọt tĩnh mạch trong thời gian khoảng 30 – 120 phút đối với người lớn và trẻ em nên truyền trong 30 – 60 phút. Nước pha tiêm có sẵn không nên sử dụng pha thuốc truyền nhỏ giọt tĩnh mạch.
  • Tiêm bắp: Hoà tan mỗi gam Cefotiam trong 3 ml dung dịch thuốc tiêm có chứa Lidocain hydroclorid 0,5%. Thuốc chỉ tiêm bắp khi người bệnh không thể tiêm tĩnh mạch.

3.2 Liều dùng

  • Người lớn: Liều thông thường được dùng là 6 g/24 giờ chia làm nhiều lần hoặc tiêm cách 6 giờ tiêm 1 lần.
  • Người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều.
  • Bệnh nhân suy thận: Nếu hệ số thanh thải creatinin > 20 ml/phút, thì không cần điều chỉnh liều. Nếu như hệ số thanh thải creatinin trong khoảng
  • Điều chỉnh liều trong khi người bệnh thẩm phân máu: Sau khi thẩm phân máu, thì bổ sung 50% liều.
  • Trẻ em: Dùng với liều từ 40-80 mg/kg thể trọng/ngày tiêm cách nhau từ 6 đến 8 giờ. Trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng bao gồm nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, cần phải tăng liều lên 160 mg/kg thể trọng/ngày.

Lưu ý liều dùng cần được điều chỉnh thật chặt chẽ tùy theo độ tuổi và mức độ nặng của nhiễm khuẩn.

4. Tác dụng phụ của thuốc Cefotiam 2g

Cũng như các thuốc khác khi sử dụng thuốc Cefotiam 2g bạn có thể gặp phải những tác dụng không mong muốn như:

  • Tác dụng phụ thường gặp: Đau bụng, tiêu chảy;
  • Ít gặp: Các phản ứng quá mẫn có thể gặp như phát ban, nổi mề đay, nổi ban đỏ, ngứa ngáy, sốt; Gây giảm chức năng thận, suy thận, có thể xảy ra suy thận cấp tính; Viêm miệng, bội nhiễm nấm Candida; viêm đại tràng giả mạc do bội nhiễm vi khuẩn không nhạy cảm.
  • Hiếm gặp: Buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, gây ra thiếu vitamin K dẫn đến máu không đông; Một số biểu hiện thay đổi nhất thời trong máu, chủ yếu là gây ra tăng bạch cầu ưa acid và giảm bạch cầu trung tính; Hiếm gặp bệnh ở phổi kèm theo dấu hiệu sốt, ho, khó thở, bất thường khi chụp X quang ngực hoặc có tế bào ưa eosin; Tăng các transaminase gan, tăng phosphatase kiềm và creatinin huyết, phản ứng phản vệ.
  • Có khoảng 6% người bệnh sau khi tiêm tĩnh mạch thuốc này bị viêm tắc.
  • Tác dụng phụ khác: Chóng mặt, đau đầu có thể xảy ra.

Khi dùng thuốc nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn cần thông báo với bác sĩ để được xử trí sớm nhất.

5. Lưu ý khi sử dụng cefotiam 2g

  • Đây là kháng sinh dùng đường tiêm nên chỉ dùng khi các thuốc kháng sinh đường uống không mang lại hiệu quả. Hoặc nhiễm khuẩn mức độ vừa tới nặng.
  • Trước khi dùng cần khai thác kỹ tiền sử dị ứng. Tránh việc dùng thuốc khi đã biết có tiền sử dị ứng thuốc này hay các thuốc cùng nhóm. Thử test trên da trước khi dùng.
  • Phải ngừng điều trị bằng thuốc này khi thấy có những dấu hiệu dị ứng.
  • Rất hiếm xảy ra tình trạng viêm đại tràng giả mạc có các biểu hiện như tiêu chảy, nếu như xảy ra, phải ngừng thuốc ngay và phải đổi biện pháp điều trị thích hợp.
  • Phải thận trọng khi dùng thuốc này đối với người bệnh bị suy thận nặng, suy gan hoặc bệnh nhân có tiền sử bản thân hay gia đình dễ gặp phải các triệu chứng dị ứng như hen phế quản, ngoại ban, nổi mề đay.
  • Theo dõi chặt đối với bệnh nhân tiêu hóa kém, đang được nuôi dinh dưỡng bằng đường ngoài tiêu hóa hoặc những bệnh nhân có sức khoẻ suy nhược để ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin K có thể xảy ra.
  • Đối với phụ nữ có thai: Tuy hiện tại chưa có đủ dữ liệu lâm sàng trên người và trên động vật thuốc có thể gây ảnh hưởng tới thai nhi và quá trình mang thai, có thể sử dụng được thuốc nhưng chỉ dùng khi thật sự cần thiết.
  • Lưu ý khi dùng với phụ nữ cho con bú: Thuốc có thể đi vào sữa ít, số lượng rất thấp so với liều điều trị. Do đó, có thể cho con bú trong khi dùng thuốc này. Tuy nhiên, cần phải ngừng cho bú hoặc ngừng thuốc nếu như thấy trẻ bị tiêu chảy, có tình trạng nhiễm nấm Candida hoặc phát ban trên da.

6. Tương tác thuốc

  • Dùng cùng các thuốc chống đông máu: Các tác dụng của thuốc chống đông máu tăng do phối hợp cùng với thuốc kháng sinh.
  • Chức năng thận bị ảnh hưởng khi dùng kháng sinh cùng với các nhóm gây hại cho thận, nhất là khi dùng kết hợp với aminosid và thuốc lợi tiểu.
  • Do tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Hãy nói với bác sĩ danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ).

Thuốc kháng sinh đường tiêm chỉ được chỉ định và dùng tại các cơ sở y tế. Được dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn từ vừa tới nặng. Tuy nhiên, để đảm bảo dùng thuốc hiệu quả và tránh kháng thuốc nên dùng theo kết quả kháng sinh đồ.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-cefotiam-2g/