Công dụng thuốc Cilidamin 10

Công dụng thuốc Cilidamin 10

Thuốc Cilidamin 10 thường được kê đơn sử dụng để điều trị bệnh tăng huyết áp hoặc suy tim sung huyết. Trong thời gian trị liệu với Cilidamin 10, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng phác đồ của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý áp dụng hay điều chỉnh liều khi chưa được chấp thuận.

1. Thuốc Cilidamin 10 là thuốc gì?

Cilidamin 10 thuộc nhóm thuốc tim mạch, thường được sử dụng chủ yếu để điều trị tình trạng tăng huyết áp. Thuốc Cilidamin 10 được bào chế dưới dạng viên nén bao phim và dùng theo đơn của bác sĩ.

Thành phần hoạt chất chính trong thuốc Cilidamin là Cilnidipin hàm lượng 10mg. Ngoài ra, thuốc còn được bổ sung thêm một số tá dược giúp nâng cao hiệu quả điều trị. Do Cilidamin 10 là thuốc kê đơn, vì vậy bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định và tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.

2. Thuốc Cilidamin 10 có tác dụng gì?

2.1 Công dụng của hoạt chất Cilnidipin

Thành phần hoạt chất Cilnidipin trong thuốc Cilidamin 10 có tác dụng chống tăng huyết áp thông qua 2 cơ chế chính dưới đây:

  • Hạ huyết áp nhờ làm giãn cơ trơn mạch máu do Cilnidipin liên kết với những vị trí gắn Dihydropyridine của kênh Canxi, đồng thời ức chế dòng Ca2+ di chuyển qua màng tế bào của cơ trơn mạch máu.
  • Ức chế sự giải phóng của Norepinephrine từ đầu tận cùng dây thần kinh giao cảm. Ngoài ra, Cilnidipin cũng ngăn chặn xảy ra hiện tượng tăng nhịp tim phản xạ qua trung gian hoạt hóa giao cảm, từ đa mang lại tác dụng hạ huyết áp.

2.2 Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Cilidamin 10

Thuốc Cilidamin 10 được sử dụng để điều trị cho các trường hợp bệnh nhân bị tăng huyết áp và suy tim sung huyết. Tuy nhiên, cần tránh dùng Cilidamin 10 cho những đối tượng dưới đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ:

  • Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn hoặc dị ứng với thành phần hoạt chất Cilnidipin hay bất kì tá dược nào có trong thuốc.
  • Chống chỉ định thuốc Cilidamin 10 đối với phụ nữ có thai hoặc đang có kế hoạch mang thai.
  • Chống chỉ định tương đối thuốc Cilidamin 10 cho bà mẹ đang nuôi con bú.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Cilidamin 10

Thuốc Cilidamin 10 được bào chế dưới dạng viên nén dùng bằng đường uống. Bệnh nhân nên uống thuốc 1 lần / ngày theo liều lượng khuyến cáo của bác sĩ vào sau mỗi bữa ăn sáng. Dưới đây là liều dùng thuốc Cilidamin 10 theo chỉ định chung của bác sĩ:

  • Liều cho người lớn: Uống từ 5 – 10mg / lần / ngày. Tùy thuộc vào triệu chứng cũng như tuổi tác của bệnh nhân mà bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng Cilidamin phù hợp. Có thể tăng tối đa liều thuốc Cilidamin lên đến 20mg / lần / ngày.
  • Liều cho bệnh nhân cao huyết áp mức nặng: Uống liều từ 10 – 20mg / lần / ngày.

Việc sử dụng quá liều thuốc Cilidamin 10 có thể dẫn đến hiện tượng hạ huyết áp quá mức. Trong trường hợp mức huyết áp có dấu hiệu tụt rõ rệt sau khi uống quá liều Cilidamin, bệnh nhân cần được áp dụng các biện pháp hỗ trợ phù hợp, bao gồm truyền dịch, nâng cao chi dưới hoặc dùng những loại thuốc có tác dụng tăng huyết áp. Không nên áp dụng phương pháp thẩm phân máu để loại bỏ thuốc do hoạt chất Cilnidipin có tính gắn kết cao với protein huyết tương.

Tốt nhất, trong suốt quá trình sử dụng thuốc Cilidamin 10, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ mọi chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý tăng / giảm liều hoặc thay đổi thời gian điều trị khi chưa được bác sĩ chấp thuận.

4. Thuốc Cilidamin 10 gây ra các tác dụng phụ gì cho người dùng?

Dưới đây là những phản ứng phụ ngoại ý có thể xảy ra trong quá trình điều trị tăng huyết áp bằng thuốc Cilidamin 10:

  • Triệu chứng có ý nghĩa lâm sàng như rối loạn chức năng gan, tăng chỉ số ALT, AST, γ-GTP hoặc giảm tiểu cầu.
  • Các tác dụng phụ khác, bao gồm tăng nitơ urê, creatinine, protein niệu, nhức đầu, chóng mặt, đỏ bừng mặt, cứng cơ vai, cảm giác nóng, đánh trống ngực, điện tâm đồ bất thường, giảm huyết áp, phát ban, tăng / giảm bạch cầu trung tính, tăng / giảm hemoglobin, phù, tăng / giảm acid uric, Ck, Kali,…
  • Các tác dụng phụ xảy ra dưới 0,1% trường hợp bệnh nhân, bao gồm tăng mức ALP, mất ngủ, lắng cặn trong nước tiểu, hay quên, buồn ngủ, run ngón tay, nhịp tim nhanh, đau ngực, cảm giác lạnh, block nhĩ thất, chướng bụng, khát, táo bón, tiêu chảy, ợ nóng, phì đại lợi, mẩn ngứa, phát ban đỏ, tăng / giảm hematocrit, tăng / giảm tế bào lympho, sung huyết mắt, yếu cơ, khô quanh mắt, rối loạn vị giác, tăng / giảm đường huyết lúc đói.
  • Các tác dụng phụ không rõ tần suất như ngoại tâm thu, tê hoặc nhạy cảm với ánh sáng.

Nếu xảy ra bất kỳ tác dụng phụ nào được đề cập ở trên trong quá trình dùng thuốc Cilidamin 10, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ sớm để có cách giải quyết. Một số triệu chứng ngoại ý có nguy cơ dẫn đến những hệ lụy sức khỏe xấu khác khi không được phát hiện và xử lý kịp thời.

5. Những điều cần thận trọng khi sử dụng thuốc Cilidamin 10

Những trường hợp bệnh nhân dưới đây cần hết sức thận trọng khi quyết định điều trị tăng huyết áp hay suy tim sung huyết bằng thuốc Cilidamin 10:

  • Người bị rối loạn chức năng gan mức độ nghiêm trọng.
  • Người có tiền sử gặp phải các tác dụng phụ nặng liên quan đến thuốc đối kháng Calci.
  • Bệnh nhân cao tuổi.

Khi bắt đầu tiến hành giảm liều thuốc Cilidamin 10, bệnh nhân cần giảm từ từ, tránh dừng đột ngột bởi điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng phụ. Nếu ngưng dùng thuốc Cilidamin từ liều 5mg / ngày, bệnh nhân cần sử dụng các thuốc chống huyết áp thay thế khác theo chỉ định của bác sĩ.

Không nên dùng thuốc Cilidamin cho trẻ em do chưa có đủ kinh nghiệm lâm sàng để xác định được độ an toàn mà thuốc mang lại cho đối tượng này. Ngoài ra, cần tránh sử dụng Cilidamin 10 cho thai phụ, người có khả năng đang mang thai và đặc biệt thận trọng khi dùng cho bà mẹ nuôi con bú. Đối với bệnh nhân có tính chất công việc cần đến sự tập trung cao độ cần thận trọng khi dùng Cilidamin 10 do thuốc có thể dẫn đến triệu chứng choáng váng hay chóng mặt khi hạ huyết áp.

6. Thuốc Cilidamin 10 tương tác với các loại thuốc nào khác?

Cần báo cho bác sĩ biết nếu bạn đang sử dụng những loại thuốc dưới đây nhằm ngăn nguy cơ tương tác bất lợi giữa Cilidamin 10 với các thuốc khác:

  • Thuốc chống tăng huyết áp khác nếu dùng chung với Cilidamin 10 có thể dẫn đến hiện tượng hiệp đồng và làm hạ huyết áp quá mức.
  • Thuốc Digoxin khi dùng cùng lúc với Cilidamin 10 có thể làm tăng nồng độ Digoxin trong huyết tương.
  • Thuốc Cimetidin có thể làm tăng khả năng hấp thu của Cilidamin 10 khi dùng cùng lúc với nhau.
  • Tác dụng của Cilidamin 10 sẽ bị giảm nếu dùng chung với Rifampicin.
  • Tránh dùng đồng thời Cilidamin 10 với các loại thuốc Azol chống nấm, chẳng hạn như Miconazol hoặc Itraconazole.
  • Không dùng thuốc Cilidamin 10 chung với nước ép bưởi vì nó có thể làm tăng nồng độ của hoạt chất Cilnidipin trong huyết tương.

Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Cilidamin 10. Trước khi sử dụng người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng để đạt được kết quả tốt nhất.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-cilidamin-10/