Công dụng thuốc Cynamus

Công dụng thuốc Cynamus

Thuốc Cynamus được chỉ định điều trị các trường hợp như ho có đờm, tăng tiết nhầy nhớt trong các bệnh lý đường hô hấp như viêm phế quản cấp và mạn tính, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về công dụng, liều dùng thuốc Cynamus.

1. Thuốc Cynamus có tác dụng gì?

Cynamus 125mg có hoạt chất chính là Carbocistein, thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch uống với hàm lượng 5ml/ ống. Ngoài ra, thuốc còn chứa một số tá dược như methyl paraben, propyl paraben, natri dihydrophosphat monohydrat, dinatri hydrophosphat, natri hydroxid, glycerin, sorbitol, sucralose, hương cam, gôm xanhthan, nước tinh khiết.

Carbocistein có tác dụng làm loãng và tiêu đờm. Carbocistein hiệu chỉnh bất thường trong quá trình tổng hợp glycoprotein ở nội bào, điều này làm dịch tiết giảm độ nhớt. Carbocistein làm bình thường hóa chức năng tiết dịch của biểu mô bề mặt và tuyến nhầy dưới biểu mô.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Cynamus

Thuốc Cynamus được chỉ định điều trị các trường hợp như ho có đờm, tăng tiết nhầy nhớt trong các bệnh lý đường hô hấp như viêm phế quản cấp và mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Thuốc Cynamus có chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Dị ứng hoặc mẫn cảm với Carbocistein hoặc bất kỳ thành phần nào khác trong thuốc Cynamus.
  • Trẻ em dưới 2 tuổi.

3. Cách dùng thuốc Cynamus

Thuốc Cynamus được dùng đường uống. Liều dùng thuốc Cynamus được chỉ định như sau:

  • Trẻ em 2 – 5 tuổi: Liều dùng 1 ống/ lần x 4 lần/ ngày.
  • Trẻ em 5 – 12 tuổi: Liều dùng 2 ống/ lần x 3 lần/ ngày.
  • Trẻ em 12 – 18 tuổi: Liều 20mg/ kg thể trọng.
  • Người lớn: Liều ban đầu 2250mg/ ngày, chia thành nhiều lần dùng trong ngày. Liều điều trị duy trì 1500mg/ ngày cho đến khi cải thiện các triệu chứng.

Xử trí khi quên một liều thuốc Cynamus:

  • Nếu bạn quên dùng một liều thuốc Cynamus, hãy uống ngay nếu có thể. Trường hợp gần đến thời gian sử dụng liều kế tiếp, có thể bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như kế hoạch điều trị. Không dùng gấp đôi liều thuốc Cynamus.

4. Các tác dụng phụ của thuốc Cynamus

Sử dụng Cynamus có thể xảy ra hiện tượng không dung nạp thuốc ở đường tiêu hoá như đau dạ dày, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, xuất huyết đường tiêu hoá.

Một số tác dụng phụ khác của thuốc Cynamus như phản ứng phản vệ, phát ban, hồng ban da do dị ứng, chóng mặt, nhức đầu, tăng tiết dịch phế quản, đánh trống ngực.

Trong trường hợp tác dụng phụ nghiêm trọng, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Cynamus và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

5. Lưu ý khi dùng thuốc Cynamus

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Cynamus ở bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày tá tràng. Nếu xuất hiện các triệu chứng của xuất huyết tiêu hoá, cần ngưng sử dụng thuốc Cynamus và đến cơ sở y tế để được xử trí.
  • Phụ nữ mang thai: Chưa có đầy đủ nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả của việc sử dụng thuốc ở phụ nữ mang thai. Do đó không nên sử dụng thuốc Cynamus ở phụ nữ mang thai.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Không nên dùng Cynamus ở đối tượng này để đảm bảo an toàn cho trẻ và mẹ. Chỉ sử dụng thuốc Cynamus khi cần thiết và đã cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích đối với mẹ và trẻ.

6. Tương tác thuốc

Không nên dùng đồng thời Cynamus với thuốc chống ho, thuốc làm khô sự tiết đờm.

Tóm lại, thuốc Cynamus được chỉ định điều trị các trường hợp như ho có đờm, tăng tiết nhầy nhớt trong các bệnh lý đường hô hấp cho người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Trước khi dùng thuốc Cynamus, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng an toàn và hiệu quả.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-cynamus/