Công dụng thuốc Gumas

Công dụng thuốc Gumas

Thuốc Gumas được bào chế dưới dạng hỗn dịch có thành phần chính là Aluminum hydroxide, Simethicone, Magnesium hydroxide. Thuốc được sử dụng để điều trị một số bệnh ở đường tiêu hóa.

1. Thuốc Gumas tác dụng gì?

Thuốc Gumas được bào chế dưới dạng hỗn dịch có thành phần chính là Aluminum hydroxide, Simethicone, Magnesium hydroxide.

Thuốc Gumas có thành phần hóa dược cụ thể như sau:

  • Gel Nhôm hydroxide: Là một loại thuốc có tính chất kháng axit với tốc độ chậm;
  • Magie Hydroxit: Cũng tương tự với Nhôm Hydroxide, thành phần này có khả năng kháng axit;
  • Simethicon: Đây là một loại thuốc có tác dụng làm giảm hơi trong dịch dạ dày.

Quá trình tác dụng:

  • Hấp thụ: Magnesium hydroxyd khi phản ứng với hydrocloric tạo thành magnesi clorid và nước. Lượng magnesium clorid được tạo ra chiếm khoảng 15 – 30% sẽ được hấp thụ ngay và đào thải qua thận;
  • Phân bố: Nhôm hydroxyd phản ứng chậm với acid hydrocloric dạ dày để tạo thành hợp chất nhôm clorid hòa tan, một phần nhỏ được hấp thụ vào cơ thể. Lượng nhôm clorid được tạo ra sẽ chiếm khoảng 17 – 30%, được hấp thụ ngay và đào thải qua thận;
  • Chuyển hóa: Nhôm hydroxyd và magnesium hydroxyd đều được chuyển hóa ở ruột non;
  • Thải trừ: Được thải trừ bằng đường nước tiểu đối với những người có thận bình thường.

2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng Gumas

2.1.Chỉ định

Gumas là thuốc dùng để làm giảm các triệu chứng gây ra do tăng acid dạ dày và hơi tích trong chất nhầy như đầy hơi, khó tiêu, ợ nóng, viêm loét dạ dày, loét dạ dày, viêm thực quản.

2.2.Chống chỉ định

  • Người quá mẫn với các thành phần của thuốc;
  • Không dùng thuốc khi đang uống bia rượu;
  • Trong thời gian dùng thuốc Gumas không nên lái xe;
  • Người bị suy thận nặng;
  • Người có lượng phosphate trong máu giảm;
  • Người bị nhiễm kiềm trong máu;
  • Người bị magiê trong máu cao.

3. Liều dùng và cách dùng của thuốc Gumas

Cách dùng: Bệnh nhân nên uống trực tiếp hỗn dịch thuốc rồi tráng miệng bằng nước lọc hoặc nước sôi để nguội. Lưu ý, không được sử dụng thuốc Gumas cùng với các loại nước có cồn, nước có gas bởi các loại nước này sẽ làm giảm tác dụng của thuốc và làm mất đi tác dụng của thuốc đối với người dùng.

Liều dùng: Bệnh nhân uống 1 gói sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ.

Xử trí quá liều: Trong quá trình dùng thuốc Gumas, người bệnh gặp phải trường hợp quá liều cần lập tức báo cho bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ xử lý, chữa trị kịp thời.

Xử trí quên liều: Trong trường hợp uống thuốc mà quên mất 01 viên thì người dùng nên uống bổ sung càng nhanh càng tốt. Trường hợp sắp sang liều thứ hai thì nên bỏ qua liều thuốc đó và uống liều tiếp theo, tránh trường hợp uống thuốc bù. Tốt nhất bệnh nhân cần chú ý sử dụng thuốc Gumas cẩn thận, đúng liều lượng và thời gian để có hiệu quả cao.

4. Tác dụng phụ của thuốc Gumas

Khi sử dụng thuốc Gumas, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Mất phospho (trừ aluminium phosphat) khi điều trị lâu ngày hay dùng thuốc với liều lượng cao – tác dụng phụ do nhôm hydroxyd gây ra;
  • Thuốc gây nhuận tràng yếu, việc tập trung magnesi trong huyết thanh có thể khiến tăng magnesi máu nếu sử dụng Gumas với liều cao và dài hạn.

Người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể nếu gặp các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Gumas.

5. Thận trọng khi sử dụng thuốc

Thuốc Gumas chỉ được sử dụng khi các bác sĩ hay chuyên viên y tế kê đơn. Bệnh nhân cần chú ý đến các điểm sau để tránh trường hợp không mong muốn xảy ra khi sử dụng thuốc:

  • Người bị tiểu đường: Trong Gumas có chứa một lượng đường saccharin cần lưu ý khi sử dụng;
  • Người chạy thận mãn tính: Do người bị suy thận có khả năng gặp phải nguy cơ tích lũy nhôm nhiều hơn (đặc biệt trong hệ thần kinh trung ương và xương), nhiễm độc nhôm. Theo đó, nhôm hấp thu sẽ gắn vào protein huyết thanh như transferrin và albumin, không loại bỏ được bằng thẩm phân nên cần cẩn thận;
  • Trẻ nhỏ khi sử dụng thuốc Gumas cần được bác sĩ theo dõi;
  • Thận trọng đối với những người có suy tim sung huyết, phù, xơ gan, suy thận, chế độ ăn ít natri, mới bị chảy máu đường tiêu hóa;
  • Người mang thai và đang cho con bú: Khuyến cáo không nên dùng thuốc Gumas trong thời kỳ mang thai và cho con bú, bởi các thành phần của thuốc có thể làm thai nhi và trẻ nhỏ bị tổn thương.

6. Tương tác thuốc Gumas

Trong quá trình sử dụng thuốc Gumas, không nên phối hợp:

  • Với nhóm quinidine: Làm gia tăng nồng độ quinidine huyết và nguy cơ quá liều;
  • Sử dụng đồng thời với một loại thuốc điều trị bệnh dạ dày – ruột nào khác.

Cần thận trọng khi phối hợp với:

  • Thuốc kháng sinh histamine H2, chloroquine, atenolol, cyclin, digoxin, diflunisal, tetracycline, ethambutol, diphosphonate, ethambutol, fluor sodium, indomethacin, fluoroquinolon, glucocorticoid, isoniazid, ketoconazol, kayexalate, lincosamid, metoprolol, thuốc an thần kinh các nhóm phenothiazine, propranolol, penicillamin, muối sắt cũng có thể làm giảm sự hấp thu qua đường tiêu hóa.
  • Nên sử dụng cách quãng đối với các thuốc nêu trên (ít nhất 2 giờ và trên 4 giờ với fluoroquinolon).

Một số lưu ý khi phối với hợp thuốc Gumas:

  • Dẫn xuất salicylate: Kiềm hóa nước tiểu nên gây tăng bài tiết các salicylat ở thận;
  • Lactitol: Làm giảm tính acid của phân bệnh nhân sử dụng. Chú ý không kết hợp thuốc trong trường hợp người dùng bị bệnh não xơ gan.

Trong quá trình sử dụng thuốc Gumas, bệnh nhân cần chú ý thực hiện đúng theo các chỉ định của bác sĩ đưa ra, đọc kỹ các thông tin hướng dẫn của thuốc để có thể mang lại hiệu quả điều trị tốt, hạn chế những tác dụng không mong muốn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-gumas/