Công dụng thuốc Hyzaar

Công dụng thuốc Hyzaar

Hyzaar là sự kết hợp của 2 thành phần Losartan và hydrochlorothiazide, được sử dụng để điều trị bệnh huyết áp cao và giảm nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

1. Thuốc hyzaar là thuốc gì?

Hyzaar có thành phần chính là Losartan Potassium, Hydrochlorothiazide, nằm trong nhóm thuốc tim mạch, được bác sĩ chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Dùng cho người bệnh bị tăng huyết áp
  • Dùng để giảm nguy cơ bị đột quỵ, mắc bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân cao huyết áp bị phì đại tâm thất trái.

Cơ chế tác động của thuốc:

Thành phần Losartan kali và Hydroclorothiazid kết hợp với nhau có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau làm tăng tác dụng hạ huyết áp.

Thành phần Hydrochlorothiazide có khả năng làm tăng hoạt động renin trong huyết tương, làm giảm kali huyết thanh, tăng tiết aldosteron và tăng angiotensin II.

2. Liều lượng và cách dùng

Cách dùng: Thuốc Hyzaar được bào chế dưới dạng viên nén và sử dụng qua đường uống. Có thể sử dụng kết hợp cùng các thuốc điều trị tăng huyết áp khác. Do thuốc được hấp thụ vào cơ thể không bị ảnh hưởng bởi thức ăn nên người bệnh có thể uống Hyzaar trước hoặc sau khi ăn.

Liều lượng:

Thời gian bắt đầu điều trị, người bệnh nên dùng liều lượng 1 viên (50mg/12,5mg)/ngày. Nếu sau 3 tuần bệnh không tiến triển tốt hơn hoặc là không kiểm soát được tình trạng tăng huyết áp thì nên tăng liều lượng lên 2 viên/ngày. Lưu ý: Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng thuốc để phù hợp với tình trạng bệnh của mình. Tuy nhiên, không nên dùng quá 2 viên/ngày.

Với người cao tuổi: Có thể sử dụng liều khởi đầu với Hyzaar là 50/12,5 mg.

Liều thuốc sử dụng để làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong do tim mạch ở người bệnh tăng huyết áp bị phì đại tâm thất trái:

  • Liều thông thường là 50 mg losartan,ngày uống một lần.
  • Nếu sau thời gian người bệnh không đặt được mức giảm huyết áp mong muốn thì có thể điều chỉnh liều bằng cách sử dụng phối hợp losartan với hydrochlorothiazide liều thấp (12,5 mg) và trong trường hợp cần thiết có thể tăng liều lượng lên losartan 100 mg/hydrochlorothiazide 12,5 mg, ngày uống một lần.

Chống chỉ định:

  • Thuốc không dùng cho bệnh nhân bị dị ứng với thành phần Losartan và hydrochlorothiazide.
  • Khuyến cáo không sử dụng Hyzaar đối với những người bệnh bị suy gan hoặc suy thận nặng, độ thanh thải creatinine
  • Người mắc bệnh vô niệu
  • Không sử dụng cùng với thuốc aliskiren ở bệnh nhân đái tháo đường

Quá liều và cách xử lý:

Biểu hiện: Hiện chưa có các báo cáo ghi lại những triệu chứng phản ứng của người bệnh khi dùng quá liều Hyzaar.

Phương pháp điều trị: Điều trị theo triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định ngừng sử dụng thuốc Hyzaar và theo dõi sức khỏe người bệnh. Các biện pháp xử lý thường gặp là gây nôn nếu người bệnh uống Hyzaar thời gian ngắn, bù nước, cân bằng điện giải, điều trị tình trạng giảm huyết áp theo các quy trình thông thường.

3. Tác dụng phụ

Phản ứng thường gặp: Ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa với triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, khó tiêu. Phản ứng toàn thân: Suy nhược, mệt mỏi, đau ngực. Phản ứng liên quan đến hệ thần kinh: Đau đầu, mất ngủ, chóng mặt. Phản ứng trên hệ cơ xương: Chuột rút, đau chân, đau lưng, đau cơ. Liên quan đến tiết niệu: Suy thận, suy giảm chức năng thận. Trên hệ hô hấp: Nhiễm trùng đường hô hấp trên, Ho, sưng huyết mũi, viêm xoang. Huyết học với triệu chứng điển hình như giảm nhẹ khối hồng cầu, tăng kali máu, hạ đường huyết, huyết sắc tố.

Phản ứng ít gặp: Ảnh hưởng đến chức năng của mắt như nhìn mờ, đau nhức mắt, viêm kết mạc, giảm thị lực. Tác động lên hệ tim mạch với biểu hiện hạ huyết áp tư thế đứng, đau thắt ngực, đau vùng xương ức, tai biến mạch máu não, tim đập nhanh, loạn nhịp tim.

Phản ứng phụ liên quan đến huyết học bao gồm thiếu máu, thiếu máu bất sản, ban xuất huyết, thiếu máu tán huyết, Henoch-Schonlein, mảng xuất huyết, tan huyết, viêm mạch, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu.

Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Đầy hơi, táo bón,kích ứng dạ dày, đau răng, khô miệng, đầy hơi, viêm dạ dày, nôn mửa, táo bón dai dẳng, viêm tuyến nước bọt, co thắt, tiêu chảy.

Toàn thân: Phù mặt, phù, sốt.

Phản ứng liên quan đến hệ cơ xương với biểu hiện: Đau tay, đau vai, cứng khớp, đau cơ xương, sưng khớp, đau đầu gối, viêm khớp, lao xương khớp, đau cơ xơ hóa, yếu cơ.

Phản ứng liên quan hệ thần kinh: Bồn chồn, dị cảm, bệnh thần kinh ngoại biên, run, trầm cảm, suy giảm trí nhớ, đau nửa đầu, ngất, rối loạn lo âu, lú lẫn, rối loạn giấc ngủ, ngủ gà.

Hệ huyết học: Với phản ứng Tăng creatinine trong huyết thanh, tăng ure trong máu, tăng đường huyết, tăng acid uric máu, giảm kali máu, giảm natri máu.

Hệ tiết niệu: Gây tình trạng tiểu đêm, nhiễm trùng đường tiết niệu.

Hệ sinh sản: Giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương, nghiêm trọng hơn có thể gây liệt dương.

Hệ hô hấp: Gây viêm họng, viêm thanh quản, khó thở, viêm phế quản, chảy máu cam, viêm mũi, tắc nghẽn đường hô hấp, suy hô hấp bao gồm viêm phổi kẽ và phù phổi.

Da: Rụng tóc, viêm da, khô da, ban đỏ, đỏ bừng, mẫn cảm với ánh sáng, phát ban, ngứa, mày đay, toát mồ hôi.

4. Thận trọng khi dùng thuốc Hyzaar

Thận trọng sử dụng cho người bệnh có tiền sử phù mạch và trong quá trình dùng thuốc nên được theo dõi chặt chẽ.

Với những bệnh nhân bị bệnh suy thận có thể gặp tình trạng mất cân bằng điện giải, bị mắc bệnh tiểu đường. Vì vậy, cần phải kiểm soát chặt chẽ nồng độ kali trong huyết tương và độ thanh thải creatinine, đặc biệt là các bệnh nhân bị suy tim và có độ thanh thải creatinine từ 30-50 ml/phút.

Người bệnh không nên sử dụng đồng thời Hyzaar với các thuốc lợi niệu giữ kali, thuốc bổ sung kali và các chất thay thế muối có chứa kali với losartan/hydrochlorothiazide.

Cần đặc biệt thận trọng đối với các trường hợp bệnh nhân bị bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn, hẹp van động mạch chủ hoặc van hai lá.

Với bệnh nhân bị suy chức năng gan hoặc bệnh gan đang trong giai đoạn nặng hơn sử dụng thận trọng thuốc Hyzaar, vì có thể gây phản ứng phụng phụ là ứ mật trong gan, hôn mê gan.

Các trường hợp bệnh nhân đang có ác vấn đề về bệnh lý di truyền hiếm gặp như không dung nạp galactose, thiếu enzyme Lapp lactase hoặc kém hấp thu glucose-galactose khuyến cáo không sử dụng thuốc này.

Với người có thai: Theo nghiên cứu thì Hyzaar có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, không sử dụng thuốc cho trường hợp này.

Phụ nữ đang cho con bú: Thành phần hydrochlorothiazide có trong thuốc có khả năng bài tiết vào sữa mẹ và khi sử dụng liều thuốc cao gây ức chế việc sản xuất sữa. Vậy nên Không khuyến cáo dùng thuốc Hyzaar trong thời kỳ cho con bú.

5. Tương tác thuốc Hyzaar

  • Aliskiren: Không được dùng đồng thời với Hyzaar với các bệnh nhân bị đái tháo đường và người bị bệnh suy thận.
  • Khi sử dụng Hyzaar với Alcohol, barbiturat hoặc thuốc gây nghiện: Có thể làm tăng thêm tác dụng phụ không mong muốn cụ thể như gây hạ huyết áp tư thế đứng.
  • Không dùng kết hợp với các amin làm co mạch như adrenaline: Hyzaar có thể làm giảm đáp ứng hoặc giảm công dụng của các amin làm co mạch.
  • Lithium: Khi dùng Hyzaar với Lithium, nó sẽ làm giảm độ thanh thải của thận với lithium và gây nguy cơ cao về độc tính của lithium.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Đã có các báo cáo ghi nhận đối với người dùng thuốc chống viêm không steroid kể cả các chất ức chế chọn lọc cyclooxygenase-2 sẽ làm giảm tác dụng của thuốc.
  • Thuốc hạ đường huyết bao gồm có insulin và các thuốc uống khác: Khi dùng chung với thuốc Hyzaar, người bệnh cần điều chỉnh liều lượng thuốc có công dụng làm hạ đường huyết.
  • Dùng kết hợp với Corticoid, ACTH, hoặc glycyrrhizin: Gây tác dụng phụ là làm tăng sự mất điện giải, đặc biệt là giảm kali máu.

Với những chia sẻ về công dụng thuốc Hyzaar, hy vọng sẽ mang đến cho người dùng thông tin hữu ích để quá trình dùng thuốc điều trị được hiệu quả hơn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-hyzaar/