Công dụng thuốc Levetstad 500

Công dụng thuốc Levetstad 500

Thuốc Levetstad 500 được kê đơn sử dụng nhằm khắc phục nhanh chóng và hữu hiệu tình trạng động kinh cho cả trẻ em và người lớn. Nhằm đảm bảo an toàn và phát huy tối ưu công dụng điều trị của sản phẩm, bệnh nhân nên dùng Levetstad 500 theo đúng phác đồ trị liệu của bác sĩ.

1. Levetstad 500 là thuốc gì?

Levetstad 500 thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần, được dùng chủ yếu trong các trường hợp mắc cơn động kinh cục bộ tiên phát hoặc mới được chẩn đoán. Thuốc Levetstad 500 được sản xuất bởi Stellapharm – Việt Nam dưới dạng bào chế viên nén bao phim, mỗi hộp được đóng gói gồm 3, 6 hoặc 10 vỉ x 10 viên.

Trong mỗi viên nén Levetstad có chứa những thành phần dược chất sau:

  • Hoạt chất chính: Levetiracetam hàm lượng 500mg.
  • Tá dược phụ trợ: Tinh bột ngô, Povidon K30, bột Talc, Colloidal silica khan, Croscarmellose natri, Opadry vàng và Magnesi stearat,

Trong bất kỳ trường hợp nào, thuốc Levetstad 500 chỉ được phép sử dụng khi có đơn của bác sĩ. Vì vậy, bạn cần tránh tự ý dùng thuốc nếu chưa được chấp thuận nhằm đảm bảo ngăn ngừa nguy cơ gặp phải các tác dụng bất lợi.

2.Thuốc Levetstad 500 có tác dụng gì?

2.1 Công dụng của hoạt chất chính Levetiracetam

Levetiracetam được biết đến là một dẫn xuất của Pyrrolidone, có khả năng ngăn ngừa cơn động kinh xảy ra trên phạm vi rộng, bao gồm cơn động kinh toàn thể và cục bộ nguyên phát. Dưới đây là một số đặc tính dược động học của hoạt chất Levetiracetam trong thuốc Levetstad 500:

  • Hấp thu: Levetiracetam có tốc độ hấp thu nhanh chóng qua đường tiêu hóa sau khi uống, với độ sinh khả dụng gần như tuyệt đối. Sau khoảng 1,3 giờ kể từ khi uống, Levetiracetam đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương và bước vào trạng thái ổn định sau khoảng 2 ngày dùng.
  • Phân bố: Nhìn chung, tỷ lệ gắn kết của Levetiracetam với protein huyết tương cực kỳ ít, chưa đến 10%. Nghiên cứu cho thấy, Levetiracetam được bài tiết qua đường sữa mẹ.
  • Chuyển hóa: Levetiracetam ít khi bị chuyển hóa. Khoảng 25% liều dùng sau khi bị hydroxyl hóa sẽ chuyển thành các chất không có hoạt tính.
  • Thải trừ: Gần như toàn bộ liều Levetiracetam được thải trừ ra bên ngoài dưới dạng không đổi. Ước tính, thời gian bán thải của Levetiracetam trong huyết tương ở cơ thể trẻ em trên 12 tuổi và người lớn là khoảng 7 giờ.

2.2 Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Levetstad 500

Thuốc Levetstad 500 thường được kê đơn sử dụng để điều trị cho các trường hợp dưới đây:

  • Đơn trị liệu cho người từ 16 tuổi trở lên có cơn động kinh mới được chẩn đoán, cơn động kinh tiên phát có/ không có toàn thể hóa thứ phát.
  • Điều trị phối hợp cùng một số thuốc chống động kinh khác nhằm khắc phục hiệu quả cơn co giật cục bộ tiên phát có/ không có toàn thể hóa thứ phát ở trẻ sơ sinh trên 1 tháng tuổi, trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành.
  • Phối hợp trị liệu nhằm điều trị cơn co giật cơ ở bệnh nhân trên 12 tuổi trở lên.
  • Trị liệu bổ sung cùng các thuốc chống động kinh khác nhằm khắc phục chứng co cứng – co giật toàn thể nguyên phát ở người trên 12 tuổi.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, cần tránh dùng thuốc Levetstad 500 cho những đối tượng bệnh nhân dưới đây:

  • Người bị dị ứng hoặc có tiền sử quá mẫn với hoạt chất Levetiracetam hay bất kỳ tá dược nào có trong sản phẩm.
  • Chống chỉ định cho thai phụ và bà mẹ đang nuôi con bú.

3. Hướng dẫn về liều dùng và cách sử dụng thuốc Levetstad 500

Thuốc Levetstad 500 được bào chế dưới dạng viên nén, dùng bằng đường uống. Bệnh nhân nên uống thuốc cùng với 1 ly nước vừa đủ, có thể uống trong hoặc sau ăn đều được. Tuy nhiên, tránh uống Levetstad 500 cùng rượu để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Vì thuốc được kê đơn để điều trị mãn tính, do đó thời gian dùng thuốc sẽ được bác sĩ quyết định cụ thể. Trong bất kỳ trường hợp nào, bệnh nhân cũng không nên tự ý ngưng điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Dưới đây là liều dùng thuốc Levetstad 500 theo khuyến cáo chung của bác sĩ:

  • Đơn trị liệu cho bệnh nhân trên 16 tuổi: Uống liều ban đầu 250mg x 2 lần/ ngày, sau khoảng 2 tuần có thể tăng liều lên 500ng x 2 lần/ ngày. Cứ sau mỗi 2 tuần, liều thuốc có thể tăng thêm 250mg, tùy thuộc vào đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân. Tăng liều cho đến khi đạt được 1500mg x 2 lần/ ngày.
  • Phối hợp trị liệu cho bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên có cân nặng trên 50kg: Uống liều ban đầu 500mg x 2 lần/ ngày, sau đó tăng lên 500mg tùy vào khả năng dung nạp của cơ thể. Liều tối đa là 1500mg x 2 lần/ ngày, không nên dùng quá số liều này. Đối với bệnh nhân suy thận và trên 65 tuổi, liều hàng ngày có thể được điều chỉnh dựa trên độ thanh thải creatinin.

4. Thuốc Levetstad 500 gây ra những tác dụng phụ gì?

Khi điều trị cơn động kinh với thuốc Levetstad 500, bệnh nhân có nguy cơ gặp phải những tác dụng phụ ngoại ý dưới đây:

  • Phản ứng thường gặp: Viêm mũi họng, co giật, đau đầu, buồn ngủ, choáng váng, rối loạn thăng bằng, chán ăn, run, ngủ lịm, hung hăng, lo âu, hành vi thù địch, trầm cảm, căng thẳng, dễ kích động, mất ngủ, chóng mặt, ho, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, phát ban, suy nhược và mệt mỏi.
  • Phản ứng ít gặp: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng cân, sụt cân, có ý định tự tử, cố gắng tự tử, hành vi bất thường, rối loạn tâm thần, dễ hoảng sợ, lú lẫn, giận dữ, ảo giác, kích động, tính khí thất thường, suy giảm trí nhớ, mất trí nhớ, mất điều hòa, phối hợp bất thường, rối loạn tập trung, dị cảm, nhìn mờ, nhìn đôi, rụng tóc, xét nghiệm chức năng gan bất thường, ngứa, bệnh chàm, chấn thương, đau hoặc yếu cơ.
  • Phản ứng hiếm gặp: Nhiễm trùng, giảm bạch cầu trung tính, giảm toàn thể huyết cầu, rối loạn nhân cách, tự tử, rối loạn vận động, tăng động, suy nghĩ bất thường, múa vờn – múa giật, suy gan, viêm gan, viêm tụy, hội chứng Stevens–Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc hoặc hồng ban đa dạng.

Trong trường hợp gặp phải bất kỳ triệu chứng nào được đề cập ở trên, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế hoặc báo cho bác sĩ biết sớm để có hướng xử trí. Một số phản ứng có thể tiến triển nặng nếu phát hiện và điều trị muộn.

5. Lưu ý và thận trọng khi dùng thuốc Levetstad 500

Dưới đây là một số lưu ý quan trọng mà bất kỳ người dùng thuốc Levetstad 500 nào cũng cần nắm rõ:

  • Tránh dừng thuốc đột ngột nhằm ngăn ngừa nguy cơ gia tăng cơn động kinh. Tốt nhất, bệnh nhân nên ngừng thuốc từ từ và cách quãng khoảng 2 tuần.
  • Nên điều chỉnh liều thuốc Levetstad 500 theo chức năng thận đối với người bị suy thận.
  • Cẩn trọng khi bệnh nhân có xu hướng tự tử trong quá trình dùng thuốc chống động kinh Levetstad 500.
  • Tính nhạy cảm của mỗi bệnh nhân là khác nhau, một số người có khả năng xuất hiện triệu chứng buồn ngủ hoặc các dấu hiệu khác liên quan đến hệ thần kinh trung ương. Do đo, nên thận trọng khi sử dụng thuốc Levetstad 500 cho bệnh nhân thường xuyên thực hiện các công việc đòi hỏi sự sáng suốt và minh mẫn, chẳng hạn như lái xe, vận hàng thiết bị máy móc, làm việc trên cao,…
  • Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về tác dụng của Levetstad 500 đối với phụ nữ mang thai. Tốt nhất, chỉ nên dùng thuốc cho thai phụ nếu lợi ích mang lại cao hơn hẳn so với nguy cơ tiềm ẩn.
  • Hoạt chất Levetiracetam trong thuốc Levetstad 500 được bài tiết qua sữa mẹ, có nguy cơ gây hại tiềm ẩn cho nhũ nhi đang bú mẹ. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định dùng thuốc cho bà mẹ đang nuôi con bú.
  • Báo cho bác sĩ biết các loại thuốc mà bạn đang sử dụng, bao gồm cả thuốc không kê đơn cũng như thực phẩm chức năng. Điều này có thể ngăn chặn nguy cơ xảy ra phản ứng tương tác giữa các thuốc trong quá trình điều trị.
  • Kiểm tra kỹ hạn sử dụng của Levetstad 500 trước khi dùng. Nên vứt bỏ và ngừng dùng thuốc khi sản phẩm có dấu hiệu hư hỏng, nấm mốc và đã quá hạn.

Trên đây là các thông tin về thuốc Levetstad 500. Lưu ý, Levetstad 500 là thuốc kê đơn, cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh không nên tự ý dùng vì có thể gặp phải tác dụng không mong muốn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-levetstad-500/