Công dụng thuốc Levobac

Công dụng thuốc Levobac

Thuốc Levobac chứa thành phần chính là hoạt chất Levofloxacin với tác dụng điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn đọc về công dụng và cách hướng dẫn sử dụng thuốc Levobac.

1. Levobac là thuốc gì?

Levobac là thuốc được sản xuất dưới dạng dung dịch tiêm truyền với thành phần chính là hoạt chất Levofloxacin. Mỗi túi dịch truyền có thể tích 150ml, trong đó có chứa Levofloxacin Hemihydrate tương ứng 750mg Levofloxacin và các tá dược vừa đủ.

Levofloxacin là một kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinolone có khả năng kháng khuẩn tổng hợp dùng cho đường uống và đường tĩnh mạch. Đây là một tác nhân giúp ức chế sự tổng hợp ADN vi khuẩn bằng cách tác động trên phức hợp gyrase và topoiso-merase IV ADN và có tính diệt khuẩn cao in vitro.

Phổ tác dụng của Levofloxacin bao gồm các vi khuẩn Gram dươngGram âm điển hình như tụ cầu, liên cầu, phế cầu, các vi khuẩn đường ruột, Haemophilus influenzae, vi khuẩn Gram âm không lên men và các vi khuẩn không điển hình. Thông thường không xảy ra đề kháng chéo giữa levofloxacin và các nhóm thuốc kháng sinh khác. Trong phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện do Pseudomonas aeruginosa cần dùng thêm liệu pháp phối hợp.

Thuốc Levobac có một số đặc điểm dược động học như sau:

  • Hấp thu: Sau khi đi vào cơ thể, Levofloxacin có khả năng hấp thu nhanh với sinh khả dụng tuyệt đối lên đến khoảng 100%. Sự hấp thu này ít bị ảnh hưởng bởi thức ăn.
  • Phân bố: Có khoảng 30-40% Levofloxacin gắn được vào protein huyết thanh. Thuốc đạt được trạng thái ổn định về nồng độ trong vòng 3 ngày và có khả năng thâm nhập tốt vào mô xương, dịch nốt bỏng, mô phổi nhưng kém vào dịch não tủy.
  • Chuyển hoá: Levofloxacin có tỷ lệ chuyển hóa rất thấp, chỉ chiếm
  • Thải trừ: Thời gian thải trừ Levofloxacin khỏi huyết tương xảy ra tương đối chậm với T1/2 từ 6-8 giờ. Đối với bệnh nhân suy thận thì khả năng thải trừ và thanh thải ở thận giảm đi, đồng thời thời gian bán thải tăng lên.

2. Levobac có tác dụng gì?

Hoạt chất Levofloxacin Hemihydrate sau khi đi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành Levofloxacin. Đây là kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinolon và có khả năng ức chế Enzym Topoisomerase II, IV và các enzym khác trong các giai đoạn sao chép, phiên mã, sửa chữa ADN của vi khuẩn.

Levofloxacin Hemihydrate có khả năng ức chế với vi khuẩn kỵ khí và Gram dương tốt hơn so với các thuốc khác cùng nhóm. Tuy nhiên tác dụng trên Pseudomonas Aeruginosa yếu hơn so với hoạt chất Ciprofloxacin..

3. Chỉ định- chống chỉ định của thuốc

Thuốc Levobac được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Viêm xoang cấp, viêm phế quản mạn tính, viêm phổi cộng đồng.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu, da, tổ chức dưới da có biến chứng hoặc không.
  • Viêm tuyến tiền liệt.
  • Dự phòng và điều trị bệnh Than.

Chống chỉ định sử dụng Levobac trong các trường hợp:

  • Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc, đặc biệt là các kháng sinh thuộc nhóm Quinolon.
  • Người bị động kinh, tiền sử bệnh gân cơ do Fluoroquinolon, thiếu Enzym G6PD.
  • Phụ nữ đang có thai hoặc đang cho con bú.
  • Người dưới 18 tuổi.

4. Hướng dẫn sử dụng thuốc Levobac

Cách sử dụng

  • Đường dùng: Thuốc Levobac được sử dụng bằng đường truyền tĩnh mạch chậm, khi truyền nhanh có nguy cơ gây ra hạ huyết áp. Không được tiêm bắp, tiêm dưới da, tiêm trực tiếp vào cột sống hay phúc mạc.
  • Thời gian truyền khác nhau tùy thuộc vào liều thuốc: Với liều 250mg truyền trong 60 phút và liều 750mg truyền trong 90 phút.
  • Dung dịch thuốc có thể sử dụng ngay hoặc pha loãng với một số dung dịch thích hợp như nước cất pha tiêm, Dextrose 5%, Natri Clorid 0,9%, Ringer Lactat, Natri Bicarbonat 5%,…

Liều dùng được chỉ định bởi bác sĩ hoặc tham khảo liều sau:

Điều trị nhiễm khuẩn hô hấp trong khoảng thời gian từ 7 – 14 ngày.

  • Đợt cấp viêm phế quản mạn, viêm xoang cấp dùng liều 750mg/lần/ngày.
  • Viêm phổi cộng đồng dùng liều 750mg/lần, 1 – 2 lần/ngày.

Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu với liều 250mg/lần/ngày với thời gian điều trị tùy trường hợp:

  • Nhiễm khuẩn có biến chứng hoặc viêm thận – bể thận cấp điều trị trong 10 ngày.
  • Nhiễm khuẩn không biến chứng điều trị trong 3 ngày.

Điều trị bệnh Than dùng liều 750mg/lần/ngày trong 8 tuần.

Điều trị viêm tuyến tiền liệt với 750mg/lần/ngày.

Nhiễm trùng da và tổ chức dưới da trong 7 – 14 ngày.

  • Trường hợp có biến chứng với liều 750mg/lần/ngày.
  • Trường hợp không biến chứng với liều 500mg/lần/ngày.

Đối với người bị suy gan thì không cần điều chỉnh liều.

5. Tác dụng phụ của thuốc Levobac

Trong quá trình sử dụng thuốc Levobac có thể xảy ra một số phản ứng bất lợi sau:

  • Các phản ứng thường gặp như tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu, mất ngủ, kích ứng tại vị trí tiêm, tăng men gan.
  • Các phản ứng ít gặp hơn như hoa mắt, lo lắng, kích động, đầy hơi, đau bụng, khó tiêu, táo bón, tăng Bilirubin máu, viêm âm đạo, nhiễm Candida sinh dục, phát ban, nổi mẩn.
  • Các phản ứng hiếm gặp có thể xảy ra như tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, yếu cơ, đau khớp, viêm tủy xương, viêm gân Achille, co giật, giấc mơ bất thường, loạn thần, trầm cảm, sốc phản vệ, phù Quinck, hội chứng Stevens – Johnson, Lyelle, viêm đại tràng kết màng giả, khô miệng, viêm dạ dày, lưỡi sưng phù.

Khi gặp phải các phản ứng bất thường, bệnh nhân cần ngưng sử dụng thuốc và báo ngay cho bác sĩ về các phản ứng phụ để có biện pháp xử trí kịp thời.

6. Tương tác giữa Levobac và các thuốc khác

Thuốc Levobac có thể gây ra một số tương tác khi sử dụng cùng các thuốc sau:

  • Theophylin: Các thuốc thuộc nhóm Quinolon có thể làm tăng nồng độ của Theophylin trong máu nên cần giám sát và hiệu chỉnh liều dùng khi sử dụng hai thuốc này cùng nhau.
  • Thuốc kháng Vitamin K (Warfarin): Có thể dẫn đến tăng thời gian đông máu, chảy máu.
  • NSAID: Dùng cùng lúc với Levofloxacin có nguy cơ làm tăng kích thích thần kinh trung ương và co giật.
  • Thuốc hạ đường huyết (Insulin) khi dùng với Levofloxacin có nguy cơ gây rối loạn đường huyết. Do đó, cần theo dõi chặt chỉ số đường huyết trong quá trình điều trị.
  • Các loại thuốc bài tiết ở ống thận như Probenecid, Cimetidin,… khi dùng chung với Levofloxacin có thể tăng độc tính trên thận, đặc biệt ở người bị suy thận.

Trên đây là một số thông tin về thuốc Levobac và những lưu ý khi sử dụng. Vì Levobac là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ/ dược sĩ để có đơn kê phù hợp và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-levobac/