Công dụng thuốc Lipitra

Công dụng thuốc Lipitra

Thuốc Lipitra chứa thành phần chính là Atorvastatin. Hiện nay, trên thị trường biệt dược Lipitra có 3 hàm lượng chính là 10mg, 20mg và 40mg. Đây là thuốc được chỉ định cho những bệnh nhân bị tăng lipid máu. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích về thuốc Lipitra thông qua bài viết sau đây.

1. Thuốc Lipitra có tác dụng gì?

Hoạt chất Atorvastatin có trong Lipitra có khả năng ức chế chọn lọc men HMG-CoA, đây là chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp cholesterol ở cơ thể người.

Ở những bệnh nhân bị rối loạn lipid máutăng cholesterol máu (bao gồm cả nguyên nhân do di truyền và không phải do di truyền), Atorvastatin có khả năng làm giảm cholesterol toàn phần, giảm các chất trung gian vận chuyển cholesterol có hại (LDL) và tăng các chất trung gian vận chuyển cholesterol có lợi (HDL).

Từ cơ chế tác dụng như trên, Lipitra được chỉ định cho bệnh nhân bị tăng cholesterol toàn phần, tăng LDL-cholesterol, tăng triglycerid. Bên cạnh đó, thuốc cũng dùng cho bệnh nhân bị tăng cholesterol có tính gia đình dị hợp tử, bệnh nhân bị rối loạn beta lipoprotein máu phân nhóm III.

Việc tăng lipid máu đe dọa rất nhiều đến sức khỏe tim mạch, đặc biệt ở những bệnh nhân lớn tuổi. Do đó, việc sử dụng Lipitra ngoài mục đích hạ cholesterol máu, bác sĩ còn chỉ định thuốc để dự phòng các biến cố tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực, suy tim sung huyết,… Việc sử dụng thuốc trong các trường hợp này được tính toán tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân.

2. Liều dùng và cách dùng Lipitra

Bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả xét nghiệm lipid máu để quyết định sử dụng thuốc Lipitra cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trước khi điều trị bằng thuốc, cần cố gắng kiểm soát lượng cholesterol trong máu bằng một chế độ ăn hợp lý, kết hợp vận động tập thể dục và tích cực giảm cân ở những bệnh nhân bị béo phì.

Liều dùng của Lipitra được khuyến cáo dao động từ 10mg đến 80mg mỗi ngày, tùy thuộc vào từng bệnh lý cụ thể:

  • Bệnh nhân bị tăng lipid máu hỗn hợp và tăng cholesterol nguyên phát: 10mg/ lần/ ngày. Đáp ứng thuốc thường xuất hiện sau khoảng 2 tuần điều trị. Cần duy trì liều dùng này trong thời gian dài.
  • Bệnh nhân bị tăng cholesterol máu do di truyền: 10 – 80mg/ ngày.
  • Bệnh nhân nhi bị rối loạn lipid máu nghiêm trọng: Khởi đầu bằng liều 10mg/ ngày. Sau đó tùy vào khả năng đáp ứng của bệnh nhân mà có thể tăng dần lên liều 20mg/ ngày.

3. Những thận trọng khi sử dụng thuốc Lipitra

Thuốc Lipitra được ghi nhận là có ảnh hưởng đến chức năng gan. Cụ thể, bệnh nhân điều trị bằng Lipitra có thể tăng transaminase – là các enzym gan. Do đó, trước khi quyết định sử dụng thuốc cho bệnh nhân, bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm men gan của bạn để đảm bảo an toàn điều trị.

Một tác dụng phụ khác của Lipitra mà bệnh nhân nên lưu ý đó là các tác động xấu lên hệ cơ như gây yếu cơ, đau cơ, tiêu cơ. Mặc dù tỷ lệ gặp phải những tác dụng phụ này không cao, nhưng nếu bạn có sẵn các bệnh lý về cơ, nên báo với bác sĩ để được cân nhắc trước khi điều trị bằng Lipitra.

Ngoài ra, có một số tác dụng không mong muốn khác đã được ghi nhận ở bệnh nhân điều trị bằng Lipitra như: tăng đường huyết, tăng HbA1c, xuất huyết, giảm chức năng thận, xuất huyết đột quỵ,…

Cần lưu ý rằng, thuốc Lipitra chống chỉ định cho đối tượng đang mang thai hoặc đang cho con bú vì những rủi ro của thuốc tác động đến thai nhi.

4. Tương tác thuốc của Lipitra

Cần thận trọng khi dùng chung Lipitra với các nhóm thuốc sau vì chúng có khả năng xảy ra tương tác thuốc làm ảnh hưởng đến nồng độ Liptra trong máu:

  • Nhóm Antacid (kháng acid)
  • Colestipol
  • Digoxin
  • Thuốc tránh thai
  • Azythromycin
  • Các thuốc có khả năng cảm ứng CYP P450 như efavirenz, rifampin,…
  • Warfarin
  • Colchicine

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-lipitra/