Công dụng thuốc Medibro Tab

Công dụng thuốc Medibro Tab

Medibro Tab thuộc nhóm thuốc chữa ho, cảm cúm. Thuốc thường được chỉ định cho các đối tượng mắc hen phế quản, viêm phế quản mạn/cấp tính và ho có đờm,…. Thuốc có thành phần chính là Ambroxol.

1. Thuốc Medibro Tab là thuốc gì?

Medibro Tab thuộc nhóm thuốc chữa ho và cảm cúm với thành phần chính là Ambroxol 30mg. Thuốc Medibro Tab được điều chế ở dạng viên nén. Quy cách đóng gói của Medibro Tab gồm hộp 10 vỉ, mỗi vỉ có 10 viên.

Thuốc Medibro Tab thường được chỉ định cho các đối tượng mắc hen phế quản, viêm phế quản mạn/ cấp tính, ho có đờm, viêm xoang và viêm mũi,… Medibro Tab phù hợp cho người lớn và trẻ em từ 10 tuổi trở lên.

2. Medibro tab có tác dụng gì sau khi sử dụng?

Ambroxol trong thuốc có bản chất là 1 chất chuyển hóa từ Bromhexin và tác dụng tương tự chất này. Do đó, thuốc Medibro Tab có khả năng làm tiêu chất nhầy đường hô hấp và long đờm. Dựa vào tác dụng này mà thuốc Medibro Tab thường được chỉ định để điều trị:

  • Các bệnh ở đường hô hấp cấp và mạn tính kèm theo tăng tiết dịch phế quản không bình thường, đặc biệt trong hen phế quản, đợt cấp của viêm phế quản mạn.
  • Để đề phòng các biến chứng ở phổi các bệnh nhân sau mổ và cấp cứu.

Một số tài liệu đã chứng minh tác dụng của thuốc Medibro Tab đối với người mắc bệnh tắc nghẽn phổi ở mức độ trung bình và nhẹ. Tuy nhiên, Medibro Tab lại không có thay đổi rõ rệt ở bệnh nhân tắc nghẽn phổi nặng.

Thuốc Medibro Tab sau khi đưa vào cơ thể sẽ được hấp thụ nhanh và gần như là hoàn toàn. Medibro Tab được chuyển hóa ở gan và bài tiết đến 90% ở thận.

3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Medibro Tab

Thuốc Medibro Tab được điều chế ở dạng viên nén, sử dụng bằng đường uống. Bạn cần nuốt nguyên viên thuốc trong 1 lần uống, không được nhai hay nghiền nát. Trước khi sử dụng Medibro Tab thì bạn nên tìm hiểu thật kỹ thông tin có trong giấy hướng dẫn sử dụng đi kèm và tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Liều lượng sử dụng của thuốc Medibro Tab cho từng đối tượng như sau:

  • Đối với người lớn và trẻ nhỏ từ 10 tuổi trở lên: Uống 1 viên 30mg/ lần, mỗi ngày uống 3 lần. Trong trường hợp điều trị kéo dài với thuốc, ở giai đoạn sau chỉ nên dùng 2 lần/ ngày.
  • Trẻ từ 5 đến 10 tuổi: Chỉ nên cho trẻ uống 15mg mỗi lần, dùng ngày 3 lần. Tuy nhiên, cần có sự đồng ý từ phía bác sĩ điều trị trước khi cho bé dùng thuốc Medibro Tab.

Liều lượng sử dụng thuốc Medibro Tab có thể thay đổi tùy thuộc vào thể trạng của bệnh nhân và mức độ diễn biến của bệnh. Các thông tin ở bài viên chỉ mang tính chất tham khảo, để có được liều dùng phù hợp với bản thân mỗi người, bạn nên tìm tham khảo ý kiến từ các bác sĩ chuyên khoa hoặc các chuyên gia y tế.

4. Cần làm gì nếu quá liều hoặc bỏ lỡ một liều Medibro Tab?

Quá liều là tình trạng bạn sử dụng Medibro Tab quá liều lượng mà bác sĩ quy định, gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Phương pháp hay được sử dụng nhất khi quá liều thuốc Medibro Tab là điều trị làm giảm các triệu chứng.

Nếu bạn bỏ lỡ một liều thuốc Medibro Tab, bạn nên uống bổ sung liều đã quên ngay sau khi nhớ ra. Trong trường hợp khoảng cách giữa lúc uống bổ sung và liều tiếp theo quá ngắn bạn nên bỏ qua liều đã mất và sử dụng thuốc như bình thường. Bạn tuyệt đối không được gấp đôi liều kế tiếp để bù đắp cho liều đã quên.

5. Các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc Medibro Tab

Các tác dụng phụ mà thuốc Medibro Tab mang lại có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng bệnh cũng như thể trạng của mỗi người. Chúng có thể xuất hiện với các mức tần suất khác nhau.

  • Các tác dụng phụ của Medibro Tab xuất hiện ở mức tần suất phổ biến nhất gồm: Rối loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn, khó tiêu, ợ nóng hoặc tai biến nhẹ,…
  • Tần suất ít gặp hơn: Các phản ứng dị ứng và phát ban,…
  • Hiếm gặp hơn: Phản ứng kiểu phản vệ cấp tính, miệng khô và men gan tăng.

6. Những điều cần thận trong quá trình sử dụng thuốc Medibro Tab

  • Không nên chỉ định Medibro Tab cho những người quá mẫn với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc (đặc biệt là Ambroxol).
  • Nên thận trọng khi chỉ định thuốc Medibro Tab cho người mắc bệnh loét đường tiêu hoá hoặc thường xuyên ho ra máu. Nguyên nhân là vì Ambroxol có khả năng làm tan các cục máu đông, từ đó làm cho xuất huyết quay trở lại.
  • Ngoài Ambroxol thuốc Medibro Tab còn chứa Lactose monohydrat (thành phần không có hoạt tính). Vì vậy nên cẩn trọng với người bệnh không có khả năng dung nạp lactose do cơ thể thiếu enzyme lactase ở ruột. Hậu quả dẫn đến là tiêu chảy, đau bụng, khó chịu và đầy hơi.
  • Đối với người đang trong thời kỳ mang thai, tuy chưa có tài liệu nào nào chứng minh về các tác dụng phụ mà thuốc gây ra nhưng người dùng cũng nên chú ý khi dùng thuốc trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ. hiện nay người ta vẫn chưa đo được nồng độ thuốc đi vào sữa mẹ và sự ảnh hưởng của Medibro Tab đối với nhóm đối tượng này.

Sự tương tác giữa thuốc Medibro Tab và các thuốc khác:

  • Các loại thuốc khi kết hợp với Medibro Tab có thể làm tăng nồng độ kháng sinh trong nhu mô phổi như: Cefuroxim, amoxicillin, doxycyclin và erythromycin,… Ngoài ra, không thấy các tương tác ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng giữa thuốc Medibro Tab và các thuốc khác trên lâm sàng.
  • Người dùng nên bảo quản thuốc Medibro Tab ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp từ mặt trời. Không để Medibro Tab ở nơi có độ ẩm không khí cao (nhà vệ sinh, nhà tắm,…) do những nơi này tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển gây ảnh hưởng đến chất lượng của thuốc.

Thuốc Medibro Tab thường được chỉ định cho các đối tượng mắc hen phế quản, viêm phế quản mạn và cấp tính, ho có đờm. Hiện nay sản phẩm được bày bán ở tất cả các quầy thuốc trên toàn quốc, tuy nhiên để tránh các tác dụng phụ có thể xảy ra thì người bệnh nên tìm hiểu các thông tin của thuốc và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-medibro-tab/