Công dụng thuốc Meyeratadin

Công dụng thuốc Meyeratadin

Thuốc Meyeratadin có thành phần chính là Rupatadin hàm lượng 10mg thuộc nhóm thuốc kháng Histamin. Meyeratadin được sử dụng phổ biến trong điều trị các triệu chứng của viêm mũi dị ứng, phản ứng dị ứng…Tìm hiểu các thông tin cơ bản về thành phần, công dụng, liều dùng và tác dụng phụ không mong muốn của thuốc Meyeratadin sẽ giúp bệnh nhân và người thân nâng cao được hiệu quả điều trị.

1. Thuốc Meyeratadin là thuốc gì?

Thuốc Meyeratadin được bào chế dưới dạng viên nén, với thành phần chính bao gồm:

  • Hoạt chất: Rupatadin (dạng Rupatadin Fumarat) hàm lượng 10mg.
  • Tá dược: Tinh bột mì, Lactose, PVP K30, Talc, Natri Starch Glycolat, Magnesi stearat vừa đủ 1 viên.

Rupatadin là thuốc kháng Histamin thế hệ hai, khả năng đối kháng Histamin có tác dụng kéo dài, với hoạt tính đối kháng với thụ thể H1 ở ngoại vi một cách có chọn lọc. Một số chất chuyển hóa của Rupatadin như 6-hydroxydes loratadin, 5- hydroxy desloratadine, 3-hydroxydes loratadin và desloratadin giữ được hoạt tính kháng Histamin.

Rupatadin với nồng độ cao có tác dụng kháng dị ứng thông qua ức chế khử cực của các tế bào Mast giải phóng các Cytokine, đặc biệt là tế bào đơn nhân và TNFα trong tế bào mast, những tế bào tham gia trực tiếp vào phản ứng dị ứng.

2. Thuốc Meyeratadin có tác dụng gì?

Thuốc Meyeratadin được chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:

  • Giảm hắt hơi, ngứa ở mắt, ngứa ở mũi, chảy nước mũi (các triệu chứng của viêm mũi dị ứng).
  • Giảm ngứa và phát ban liên quan với nổi mày đay.

Chống chỉ định của thuốc Meyeratadin trong các trường hợp sau:

  • Dị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc Meyeratadin.
  • Tiền sử dị ứng với các loại thuốc có thành phần Rupatadin.
  • Dị ứng quá mẫn với các loại thuốc kháng Histamin nói chung và kháng Histamin thế hệ thứ hai nói chung.
  • Trẻ em dưới 12 tuổi.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Meyeratadin

Liều dùng:

  • Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi: Liều khuyến cáo: Uống 1 viên (10 mg)/lần x 1 lần/ngày. Uống thuốc trong hoặc ngoài bữa ăn đều được.
  • Trẻ em

4. Lưu ý khi sử dụng Meyeratadin

Điều trị bằng thuốc Meyeratadin với liều cao hoặc kéo dài, có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Buồn ngủ, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, khô miệng, thể trọng yếu và mệt mỏi.
  • Ít gặp: Dễ tức giận, tăng sự thèm ăn, khó tập trung, khô mũi, chảy máu mũi, ho, khô cổ họng, đau họng, viêm mũi, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu, táo bón, đau khớp, đau cơ, phát ban, khát nước, sốt, chức năng gan giảm, tăng cân.
  • Hiếm gặp: Tăng nhịp tim, hồi hộp, các phản ứng quá mẫn như phù mạch, mày đay, nặng có thể sốc phản vệ.

Nên ngừng thuốc Meyeratadin khi phát hiện những triệu chứng trên hoặc bất kỳ các dấu hiệu bất thường khác, đồng thời thông báo với bác sĩ điều trị về việc sử dụng Meyeratadin và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Lưu ý sử dụng thuốc Meyeratadin ở các đối tượng sau:

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Meyeratadin trên bệnh nhân lớn tuổi (trên 65 tuổi), bệnh nhân đã được xác nhận có khoảng QT kéo dài, bệnh nhân loạn nhịp tim như loạn nhịp chậm có biểu hiện lâm sàng rõ rệt, bệnh nhân giảm Kali máu không điều chỉnh được, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.
  • Thuốc có chứa tá dược là Lactose, nên tránh sử dụng cho người không dung nạp Galactose di truyền hiếm gặp, bệnh nhân không dung nạp Glucose – Galactose, bệnh nhân thiếu hụt Enzym Lactase.
  • Phụ nữ có thai: Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chưa có những bằng chứng an toàn về việc sử dụng thuốc Meyeratadin trên phụ nữ có thai. Tuy nhiên, dựa lên một số dữ liệu hạn chế cho thấy không có tác dụng của Rupatadin trên phụ nữ có thai và sức khỏe của thai nhi. Tuy vậy, cần thận trong khi sử dụng thuốc Meyeratadin trên đối tượng này.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Hiện nay chưa có dữ liệu chỉ ra liệu hoạt chất Rupatadin có trong Meyeratadin có thể bài tiết qua sữa mẹ hay không. Do đó, để đảm bảo tính an toàn cho trẻ bú mẹ, cần thận trọng khi sử dụng thuốc Meyeratadin trên đối tượng này.
  • Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc có gặp phải những tác dụng phụ như buồn ngủ, hoa mắt, chóng mặt, mất tập trung…trong lúc làm việc. Vì thế, tránh sử dụng thuốc Meyeratadin trước và trong khi làm việc.

5. Tương tác thuốc Meyeratadin

Tương tác với các thuốc khác:

  • Các thuốc có chứa Erythromycin hoặc Ketoconazol có thể làm tăng hấp thu của hoạt chất Rupatadin trong Meyeratadin.
  • Có những tương tác tiêu cực khi sử dụng thuốc Meyeratadin kết hợp với các thuốc giảm đau trung ương.
  • Sử dụng thuốc Meyeratadin kết hợp với các thuốc Statin có thể làm tăng Creatinin phosphakinase (CPK). Thận trọng khi sử dụng kết hợp hai loại thuốc này.

Tương tác với thực phẩm:

  • Tránh sử dụng thuốc Meyeratadin với nước ép bưởi vì loại nước uống này làm tăng nồng độ của Rupatadin trong máu.
  • Sử dụng rượu kèm với thuốc Meyeratadin có thể tăng tác dụng phụ của thuốc.

Trên đây là thông tin khái quát về thành phần, chỉ định, chống chỉ định, liều lượng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Meyeratadin. Nhằm mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho bản thân và gia đình, bệnh nhân nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc Meyeratadin, đồng thời cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ trước khi quyết định sử dụng.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-meyeratadin/