Công dụng thuốc Mezadol

Công dụng thuốc Mezadol

Thuốc Mezadol được chỉ định trong điều trị cơn đau từ trung bình đến nặng… Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Mezadol qua bài viết dưới đây.

1. Mezadol là thuốc gì?

Thuốc Mezadol bào chế dưới dạng viên nén chứa hoạt chất là Paracetamol 500mg và Codein 8mg.

Mezadol được chỉ định trong điều trị cơn đau từ trung bình đến nặng.

2. Cơ chế tác dụng

Hoạt chất Paracetamol là chất chuyển hóa có hoạt tính của Phenacetin, tác dụng làm giảm thân nhiệt ở người bệnh sốt nhưng không có tác dụng hạ thân nhiệt ở người bình thường. Paracetamol tác động lên vùng dưới đồi gây tỏa nhiệt, hạ nhiệt do giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên. Ở liều điều trị, Paracetamol ít tác động lên hệ tim mạch và hô hấp, không làm thay đổi cân bằng acid – base, không gây kích ứng đường tiêu hóa. Thuốc không có tác dụng trên tiểu cầu và thời gian chảy máu.

Hoạt chất Codein là dẫn chất của Morphin (thay thế vị trí hydro ở nhóm hydroxyl liên kết với nhân thơm trong phân tử morphin). Codein có tác dụng giảm ho, giảm đau, hấp thu tốt qua đường uống, ít gây táo bón và co thắt mật hơn so với morphin. Tác dụng giảm ho của Codein do tác dụng trực tiếp lên trung tâm ho ở hành não, làm khô dịch đường hô hấp, tăng độ quánh của dịch phế quản. Hiệu lực giảm ho của Codein hiệu quả trong các cơn ho nhẹ và trung bình.

3. Liều dùng của thuốc Mezadol

Mezadol thuộc nhóm thuốc kiểm soát đặc biệt nên liều thuốc sử dụng cần được chỉ định bởi bác sĩ dựa vào tình trạng bệnh. Một số khuyến cáo về liều thuốc Mezadol ở người trưởng thành như sau:

  • Liều đơn Codein phosphat khuyến cáo từ 15mg – 60mg/lần, liều tối đa không quá 360mg/ngày;
  • Liều đơn Paracetamol khuyến cáo từ 300 – 1000mg/lần, liều tối đa không quá 4000mg/ngày.

4. Chống chỉ định của thuốc Mezadol

Chống chỉ định sử dụng thuốc Mezadol trong những trường hợp sau:

5. Tác dụng phụ của thuốc Mezadol

Tác dụng phụ gây bởi hoạt chất Paracetamol:

  • Thường gặp: Mày đay, ban đỏ, nặng hơn có thể kèm theo sốt, tổn thương niêm mạch. Một số trường hợp gây giảm bạch cầu trung tính, giảm toàn thể huyết cầu, giảm tiểu cầu;
  • Ít gặp: Buồn nôn, nôn, phát ban da, loạn tạo máu, bệnh thận, thiếu máu, độc tính trên thận khi lạm dụng kéo dài;
  • Hiếm gặp: Phản ứng quá mẫn.

Tác dụng phụ gây bởi hoạt chất Codein:

  • Thường gặp: Chóng mặt, đau đầu, khát và có cảm giác lạ, nôn, táo bón, buồn nôn, bí tiểu, tiểu ít, mạch chậm hoặc nhanh, yếu mệt, hồi hộp, hạ huyết áp tư thế đứng;
  • Ít gặp: Mày đay, ngứa, suy hô hấp, an dịu, bồn chồn, sảng khoái, co thắt ống mật, đau dạ dày;
  • Hiếm gặp: Ảo giác, phản ứng phản vệ, mất phương hướng, co giật, rối loạn thị giác, suy tuần hoàn, toát mồ hôi, đỏ mặt, mệt mỏi;
  • Nghiện thuốc: Điều trị bằng Codein trong thời gian dài với liều thuốc từ 240 – 540mg/ngày có thể dẫn đến nghiện thuốc. Các triệu chứng nghiện thuốc bao gồm bồn chồn, co giật cơ, run, toát mồ hôi, chảy nước mũi.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng không mong muốn trong thời gian điều trị bằng thuốc Mezadol.

6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Mezadol

  • Các tác dụng phụ của Mezadol có thể che đậy diễn tiến lâm sàng của người bệnh đang bị tổn thương đầu, làm tăng áp lực nội sọ và tăng tổn thương đầu.
  • Mezadol có thể che lấp chẩn đoán ở người bệnh bị các bệnh cấp ở bụng.
  • Thận trọng khi điều trị bằng Mezadol ở người cao tuổi hoặc sức yếu, người bệnh suy giảm chức năng gan hoặc chức năng thận nặng, bệnh Addison, thiểu năng tuyến giáp, nghẽn niệu đạo hoặc phì đại tuyến tiền liệt.
  • Không sử dụng đồng thời Mezadol với các thuốc giảm đau gây nghiện khác, thuốc an thần, thuốc điều trị loạn thần kinh, thuốc ức chế thần kinh trung ương. Trường hợp bắt buộc phải sử dụng cần giảm liều một trong hai thuốc hoặc cả hai.
  • Thận trọng khi điều trị bằng Mezadol ở trẻ em dưới 12 tuổi.
  • Chống chỉ định sử dụng Mezadol ở phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú.
  • Mezadol có thể gây ra các phản ứng nghiêm trọng trên da như hội chứng hoại tử da nhiễm độc, hội chứng Stevens – Johnson, hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính.

7. Tương tác thuốc

Tương tác thuốc gây ra bởi Paracetamol:

  • Tương tác thuốc – thuốc: Paracetamol có thể gây tương tác với một số thuốc sau: Amitriptyline, Amoxicillin, Aspirin, Caffeine, Atorvastatin, Diclofenac, Ibuprofen;
  • Tương tác thuốc – thức ăn, đồ uống: Sử dụng Paracetamol cùng với rượu dẫn đến tương tác với các triệu chứng gồm sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, suy nhược, đau sưng khớp, ngứa da, ăn không ngon miệng, nôn, buồn nôn, vàng da.

Tương tác thuốc gây ra bởi Codein:

  • Sử dụng đồng thời Codein với thuốc kháng histamin, các opioid khác, thuốc chống loạn thần, thuốc chống lo âu, thuốc ức chế thần kinh trung ương (bao gồm thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc gây mê, rượu) có thể làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương, dẫn đến suy hô hấp, an thần sâu sắc, hạ huyết áp, hoặc hôn mê;
  • Sử dụng đồng thời Codein với thuốc kháng cholinergics hoặc thuốc có hoạt tính kháng Acetylcholin làm tăng nguy cơ táo bón nặng, bí tiểu, liệt ruột;
  • Thuốc chống trầm cảm: Tăng tác dụng của thuốc chống trầm cảm khi dùng cùng với Codeine. Vì vậy không sử dụng Codein ở người bệnh đang điều trị hoặc ngưng điều trị thuốc IMAO trong vòng 14 ngày;
  • Thuốc ức chế hoặc cảm ứng enzyme cytochrome P450 làm thay đổi tác dụng của Codeine.

Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của Mezadol, vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Mezadol.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-mezadol/