Công dụng thuốc Myltuss

Công dụng thuốc Myltuss

Thuộc nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp, thuốc Myltuss là thuốc gì và có công dụng điều trị bệnh gì? Các thông tin và câu hỏi về thuốc Myltuss được cung cấp chi tiết và đầy đủ trong nội dung bài viết sau đây.

1. Thuốc Myltuss là thuốc gì?

Myltuss có thành phần chính là Dextromethorphan HBr và Guaifenesin có tác dụng điều trị ho, có đờm do cảm lạnh hoặc bị kích thích ở đường hô hấp.

Được bào chế ở dạng viên nén dễ sử dụng, thuốc Myltuss có nhiều tác dụng điều trị, cụ thể là:

  • Giảm ho cho người bệnh bằng cách tác động lên trung tâm ho ở hành não
  • Tác dụng trong các trường hợp người bị ho do cảm lạnh, hoặc do chất kích thích, ho dài ngày
  • Có thể kết hợp Myltuss với thuốc long đờm như Guaifenesin nhằm tăng hiệu quả điều trị
  • Thành phần Guaifenesin trong thuốc Myltuss có tác dụng long đờm nhờ tăng tiết dịch ở đường hô hấp, giảm độ nhớt, tăng lượng dịch ở khí phế quản. Thuốc bổ trợ phản xạ ho, khiến đờm trong cổ dễ đào thải ra hơn. Tuy nhiên thành phần này không có tác dụng làm mất ho.

Với các tác dụng nói trên của Myltuss, thuốc Myltuss công dụng chỉ định trong trường hợp sau:

  • Làm giảm sung huyết mũi.
  • Giảm ho khi bị cảm lạnh hay kích thích ở đường hô hấp.
  • Làm loãng đờm và dịch tiết.

Bên cạnh đó, người có tiền sử mẫn cảm với thành phần của thuốc, trẻ em dưới 4 tuổi, và người đang dùng thuốc ức chế MAO cần chống chỉ định với thuốc Myltuss.

2. Cách dùng và liều dùng Myltuss

Thuốc Myltuss hiệu quả khi dùng đường uống bằng nước, không nhai, nghiền, bẻ thuốc. Người bệnh có thể uống thuốc trước hoặc sau bữa ăn.

Người bệnh và bác sĩ chỉ định có thể tham khảo liều dùng sau:

  • Với trẻ từ 4 – 6 tuổi: Uống mỗi ngày 1 viên.
  • Trẻ từ 6 – 12 tuổi: Uống 1 – 2 viên/ ngày.
  • Trẻ trên 12 tuổi và người lớn: Uống 2 – 4 viên/ ngày.

3. Xử trí quá liều và quên liều Myltuss

Nếu người bệnh quên uống thuốc Myltuss cần uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên thời điểm nhớ ra gần với thời gian uống liều tiếp theo thì có thể bỏ qua liều quên. Người bệnh không nên uống bù gấp đôi liều Myltuss.

Khi sử dụng quá liều Myltuss có thể có triệu chứng buồn nôn, nhìn mờ, nôn, suy hô hấp, ảo giác, thậm chí là co giật. Người bệnh uống quá liều Myltuss cần được đưa đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời bằng cách rửa dạ dày, thực hiện các biện pháp hỗ trợ như có thể tiêm Naloxon 2mg để loại Dextromethorphan tùy vào tình trạng ngộ độc cụ thể.

4. Tác dụng phụ của Myltuss

Các thành phần của thuốc Myltuss có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng tác dụng phụ cụ thể như:

  • Mệt mỏi, chóng mặt
  • Tim đập nhanh
  • Buồn nôn
  • Đỏ bừng, mày đay, phát ban
  • Chóng mặt, nhức đầu
  • Đi lỏng, buồn nôn, đau bụng
  • Ban da, nổi mày đay.

Các triệu chứng tác dụng phụ nói trên cần được thông báo cho bác sĩ điều trị để được tư vấn và xử trí phù hợp kịp thời.

5. Tương tác thuốc Myltuss

  • Chống chỉ định kết hợp với thuốc ức chế MAO
  • Sử dụng với thuốc ức chế thần kinh trung ương làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương
  • Sử dụng với Quinidin có thể làm tăng nồng độ và tác dụng phụ của Dextromethorphan – thành phần của thuốc Myltuss
  • Người bệnh không dùng dạng phối hợp của Guaifenesin và Phenylpropanolamin cho người bệnh bị huyết áp cao, bệnh tim, tiểu đường, bệnh mạch ngoại biên, phì đại tuyến tiền liệt, tăng nhãn áp.

6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Myltuss

Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang cho con bú cần có sự tư vấn của bác sĩ khi có ý định sử dụng thuốc Myltuss.

Thuốc Myltuss có thể gây ảnh hưởng cho người lái xe hoặc vận hành máy móc bởi các tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt.

Không dùng thuốc Myltuss cho người bệnh ho dài ngày như ho do hút thuốc, hen, viêm phế quản hay ho có quá nhiều đờm.

Người bệnh bị suy giảm hô hấp, rối loạn chuyển hóa Porphyrin, trẻ em bị dị ứng cần thận trọng khi sử dụng Porphyrin.

Người bệnh chú ý không tự ý sử dụng Guaifenesin nhiều hơn 7 ngày.

Đặc biệt thuốc không sử dụng tự ý cho trẻ em dưới 4 tuổi, phải có chỉ định của bác sĩ.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Myltuss mà người bệnh cần biết để sử dụng hiệu quả, an toàn. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào về vấn đề dùng thuốc bệnh nhân có thể liên hệ với bác sĩ để được tư vấn chuyên sâu.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-myltuss/