Công dụng thuốc Nusar 50

Công dụng thuốc Nusar 50

Thuốc Nusar 50 thuộc nhóm thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II dùng để điều trị tăng huyết áp từ nhẹ đến trung bình. Thuốc có thể dùng riêng lẻ hay kết hợp với các thuốc hạ áp khác. Vậy tác dụng của thuốc Nusar 50 là gì?

1. Thuốc Nusar 50 là thuốc gì?

Thuốc Nusar 50 có thành phần chính kalium losartan là thuốc đầu tiên của các nhóm thuốc chống tăng huyết áp với cơ chế đối kháng thụ thể angiotensin II. Angiotensin II được tạo thành từ angiotensin I trong phản ứng do enzym, chuyển angiotensin (ACE) xúc tác, là một chất co mạch, một thành phần quan trọng trong sinh lý bệnh học của tăng huyết áp. Angiotensin II cũng kích thích vỏ tuyến thượng thận tiết aldosterone.

Losartan và chất chuyển hoá chính có hoạt tính chẹn tác dụng co mạch và tiết aldosteron của angiotensin II bằng cách ngăn cản có chọn lọc angiotensin II, không cho gắn vào thụ thể AT1. Nhờ tác dụng ngăn chặn co mạch mà thuốc Nusar có khả năng làm giảm các nguy cơ phối hợp của tử vong do bệnh lý tim mạch, đột quỵ và nhồi máu cơ tim trên bệnh nhân tăng huyết áp.

Thuốc Nusar thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Tăng huyết áp
  • Giảm nguy cơ mắc và tử vong do tim mạch cho người bệnh tăng huyết áp có phì đại thất trái
  • Bảo vệ thận cho người bệnh đái tháo đường type 2 có protein niệu. Losartan được chỉ định để làm chậm lại quá trình diễn tiến bệnh thận, được xác định bằng sự giảm tỷ lệ biến cố phối hợp tăng gấp đôi hàm lượng creatinin máu. Giai đoạn cuối của bệnh thận hoặc tử vong và làm giảm protein niệu

Các chống chỉ định của thuốc Nusar gồm có:

  • Bệnh nhân quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của Nusar
  • Phụ nữ có thai và cho con bú
  • Trẻ em dưới 18 tuổi

2. Liều sử dụng của thuốc Nusar 50

Tuỳ thuộc vào đối tượng và mục tiêu điều trị mà liều dùng của Nusar sẽ có sự khác biệt, cụ thể như sau:

  • Liều khởi đầu và duy trì: 25- 50 mg x 1 lần/ngày
  • Có thể tăng lên 100 mg x 1 lần/ngày nếu cần thiết
  • Người lớn tuổi (trên 75 tuổi), người suy thận (từ vừa đến nặng) hay bị giảm dịch nội mạc: dùng liều khởi đầu 25 mg x 1 lần/ngày

3. Tác dụng phụ của thuốc Nusar 50

Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Nusar có thể gặp các tác dụng phụ như:

  • Hạ huyết áp, đau ngực, block AV độ II, nhịp chậm xoang, nhịp tim nhanh, phù mặt, đỏ mặt.
  • Mất ngủ, choáng váng, lo âu, mất điều hoà, lú lẫn, trầm cảm, đau nửa đầu, rối loạn giấc ngủ, sốt, chóng mặt.
  • Bệnh gout
  • Tiêu chảy, khó tiêu, chán ăn, táo bón, đầy hơi, nôn, mất vị giác, viêm dạ dày, co thắt ruột.
  • Hạ hemoglobin và hematocrit
  • Đau lưng, đau chân, đau cơ, dị cảm, run, đau xương, yếu cơ, phù khớp, đau xơ cơ
  • Nhiễm khuẩn đường niệu, tăng nhẹ creatinin
  • Ho, sung huyết mũi, viêm xoang, khó thở, viêm phế quản, sung huyết đường thở, khó chịu ở họng
  • Rụng tóc, viêm da, da khô, ban đỏ, nhạy cảm ánh sáng, ngứa, mày đay, vết bầm, ngoại ban
  • Nhìn mờ, viêm kết mạc, giảm thị lực, nóng rát và nhức mắt
  • Ù tai, toát mồ hôi
  • Tăng glucose huyết, tăng lipid huyết

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Nusar 50

Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc Nusar 50 gồm có:

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Nusar với bệnh nhân suy giảm thể tích nội mạch, suy gan, hẹp động mạch thận, nhược cơ hay viêm loét dạ dày
  • Losartan kali có thể tương tác thuốc với barbiturat, thuốc ngủ gây nghiện, rifampicin, thuốc lợi tiểu giữ K, thuốc NSAID, thuốc giãn cơ, thuốc chống đông máu.
  • Cân nhắc và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc Nusar ở phụ nữ mang thai dù đã kiểm nghiệm nhưng không tránh khỏi các nguy cơ nhất định khi sử dụng.

Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn hiểu về việc sử dụng thuốc Nusar 50 trong điều trị để có được kết quả tốt nhất. Nếu có thêm thắc mắc gì khác, có thể liên hệ bác sĩ để được tư vấn chuyên sâu.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-nusar-50/