Công dụng thuốc Omnivastin

Công dụng thuốc Omnivastin

Omnivastin thuộc nhóm thuốc hướng thần, thường được chỉ định trong các bệnh lý tâm thần kinh, chống loạn thần. Vậy thành phần, công dụng và cách sử dụng của thuốc là gì?

1. Omnivastin là thuốc gì?

Omnivastin chứa thành phần hoạt chất chính là Quetiapine (dưới dạng Quetiapin fumarat), một chất có hoạt tính lên nhiều loại thụ thể dẫn truyền thần kinh, tác dụng đối kháng với các thụ thể 5HT2 ở não bộ và D1, D2, histaminergic, alpha adrenergic,… có tác dụng chống loạn thận không điển hình.

Cơ chế tác dụng chính của thuốc được cho là do phong bế tác động của chất chủ vận dopamin, làm tăng chuyển hóa dopamine; nhạy cảm ít với thụ thể dopamin D2 và tác dụng chọn lọc với thụ thể serotonin (5HT2) ở rìa não do ức chế khử cực các nơron ở rìa não mà không tác động vào các noron thể vận đơn. Chính nhờ tác dụng chọn lọc với D2 và 5HT2 mà Omnivastin góp phần vào đặc tính chống loạn thần trên lâm sàng và ít có nguy cơ tác dụng phụ trên hệ ngoại tháp. Thuốc có ái lực không đáng kể với các thụ thể cholinergic muscarinic hay benzodiazepin.

Thuốc hấp thu tốt bằng đường uống, không bị ảnh hưởng nhiều bởi thức ăn. Sau khi vào hệ tuần hoàn thuốc liên kết với protein huyết tương 83% và cuối cùng thải trừ qua nước tiểu (73%), qua phân (20%).

2. Chỉ định của thuốc Omnivastin

Omnivastin được sử dụng trong các trường hợp bệnh lý sau:

  • Bệnh nhân được chẩn đoán là tâm thần phân liệt.
  • Bệnh lý tâm thần kinh với các cơn hưng cảm liên quan đến rối loạn lưỡng cực.
  • Điều trị các triệu chứng của trầm cảm, cơn trầm cảm nặng, bệnh lý trầm cảm và hưng cảm phối hợp.
  • Phòng ngừa tái phát ở những bệnh nhân đã đáp ứng điều trị với hoạt chất Quetiapine có trong thuốc.

3. Chống chỉ định của thuốc Omnivastin

Không sử dụng thuốc Omnivastin trong các trường hợp bệnh lý sau:

  • Dị ứng với thành phần Quetiapine hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Trẻ em dưới 18 tuổi chống chỉ định dùng Omnivastin.
  • Không sử dụng thuốc ở bệnh nhân sa sút trí tuệ.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Omnivastin

  • Sử dụng Omnivastin có nguy cơ làm giảm bạch cầu trung tính, có thể giảm nặng tới 0,5 x 10^9/L. Theo dõi các chỉ số về máu trong suốt quá trình dùng thuốc, nếu số lượng bạch cầu trung tính giảm dưới 1,0 x 10^9/L hoặc có các biểu hiện của nhiễm trùng thì nên ngưng sử dụng thuốc ngay.
  • Lượng glucose máu có thể tăng trong suốt thời gian dùng thuốc. Vì vậy, bệnh nhân đái tháo đường, bệnh nhân có nguy cơ tăng đường huyết nên được theo dõi cẩn thận.
  • Bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý tim mạch, bệnh lý mạch máu não, bệnh nhân động kinh, bệnh nhân lớn tuổi,… khi dùng thuốc có thể gây hạ huyết áp tư thế đứng, làm kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ.
  • Sử dụng thuốc Omnivastin kéo dài có thể gây các rối loạn vận động muộn. Nếu có các triệu chứng của rối loạn vận động muộn nên ngưng thuốc và thay thế bằng phương pháp điều trị khác.
  • Giống như các thuốc nhóm chống loạn thần khác, Omnivastin cũng có thể gây ra hội chứng an thần kinh ác tính (tăng thân nhiệt quá mức, thay đổi tính tình, co cứng cơ, tăng creatine phosphokinase,…).
  • Người nhà và nhân viên y tế cần theo dõi chặt chẽ biểu hiện của những bệnh nhân trầm cảm điều trị bằng Omnivastin cho đến khi cải thiện các triệu chứng bệnh vì tăng nguy cơ suy nghĩ tiêu cực, ý định tự sát,… đặc biệt ở giai đoạn đầu của quá trình hồi phục.
  • Xét nghiệm Methadone cho kết quả dương tính giả khi dùng thuốc Omnivastin.
  • Không ngừng hay giảm liều đột ngột vì nguy cơ gây ra các phản ứng không mong muốn cho cơ thể như: buồn nôn, nôn, mất ngủ hay tái phát các triệu chứng bệnh.
  • Omnivastin có thể gây buồn ngủ, vì vậy lái xe, người vận hành máy móc hay người làm việc đòi hỏi sự tập trung tỉ mỉ nên ngừng công việc trong thời gian dùng thuốc.
  • Chưa có đủ bằng chứng về tính an toàn của thuốc cho phôi thai và trẻ em, do đó phụ nữ mang thai và đang cho con bú không nên sử dụng thuốc.

5. Tương tác thuốc của Omnivastin

Một số tương tác thuốc có thể xảy ra khi phối hợp Omnivastin với các thuốc sau:

  • Các chất cảm ứng men CYP3A4 (Phenytoin, Carbamazepin,…); Thioridazin có thể làm giảm nồng độ thuốc trong huyết tương, tăng độ thanh thải của Omnivastin.
  • Các chất ức chế men CYP3A4 (Ketoconazol, Erythromycin,…) làm tăng nồng độ trong huyết tương của Omnivastin.
  • Các thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương hay rượu bia, thực phẩm có cồn khi dùng đồng thời với Omnivastin làm tăng nguy cơ buồn ngủ, hạ huyết áp tư thế đứng.
  • Phối hợp với Lithium làm tăng nguy cơ xảy ra các phản ứng ngoại tháp như run, buồn ngủ, tăng cân,…
  • Phối hợp với Valproate ở đối tượng bệnh nhân là trẻ vị thành niên có thể gây tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính.
  • Các thuốc gây mất hay rối loạn điện giải, các thuốc làm kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ có thể tăng tác dụng phụ nặng nề khi dùng đồng thời với Omnivastin.
  • Một số tương tác thuốc khác của Omnivastin chưa được chứng minh đầy đủ. Vì vậy, trước khi điều trị nên thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc người bệnh đang sử dụng trong thời gian gần đây.

6. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Omnivastin

Cách dùng Omnivastin:

  • Omnivastin được bào chế dưới dạng viên nén bao phim hàm lượng 100mg.
  • Uống nguyên viên thuốc với nước vào trước hoặc sau bữa ăn. Không tách rời, nghiền nát hay bẻ vụn viên thuốc.

Liều dùng Omnivastin cho bệnh nhân tâm thần phân liệt:

  • Ngày 1: 50mg (1⁄2 viên)/ ngày. Chia làm 2 lần uống.
  • Ngày 2: 100mg (1 viên)/ ngày. Chia làm 2 lần uống.
  • Ngày 3: 200mg (2 viên)/ ngày. Chia làm 2 lần uống.
  • Ngày 4: 300mg (3 viên)/ ngày. Chia làm 2 lần uống.
  • Từ ngày thứ 4, điều chỉnh liều theo hiệu quả đáp ứng của bệnh nhân. Dùng liều thấp nhất cho hiệu quả điều trị. Liều thông thường có hiệu quả: 300 – 450mg/ ngày. Liều tối đa: 750mg/ ngày.

Liều dùng Omnivastin cho bệnh nhân có cơn hưng cảm liên quan đến các rối loạn lưỡng cực:

  • Ngày 1: 100mg (1 viên)/ ngày. Chia làm 2 lần uống.
  • Ngày 2: 200mg (2 viên)/ ngày. Chia làm 2 lần uống.
  • Ngày 3: 300mg (3 viên)/ ngày. Chia làm 2 lần uống.
  • Ngày 4: 400mg (4 viên)/ ngày. Chia làm 2 lần uống.
  • Từ ngày thứ 4 trở đi có thể điều chỉnh liều theo đáp ứng của bệnh nhân, mỗi lần tăng liều không quá 200mg/ ngày. Liều thuốc Omnivastin thông thường sử dụng có hiệu quả: 400 – 800mg/ ngày.

Liều dùng Omnivastin cho bệnh nhân cao tuổi:

  • Liều khởi đầu: 25mg/ ngày. Tăng liều dần mỗi ngày, mỗi lần tăng không quá 50mg/ ngày cho đến khi đạt được hiệu quả điều trị.
  • Liều dùng có hiệu quả của bệnh nhân cao tuổi thường thấp hơn liều ở bệnh nhân trẻ.

Liều dùng Omnivastin cho bệnh nhân suy gan và suy thận:

  • Thuốc chuyển hóa chủ yếu ở gan, ở bệnh nhân suy gan và suy thận độ thanh thải của Omnivastin giảm khoảng 25%.
  • Liều khởi đầu: 25mg/ ngày. Tăng liều hàng ngày cho đến khi đạt được hiệu quả điều trị, mỗi lần tăng từ 25 – 50mg/ ngày.

7. Tác dụng phụ của thuốc Omnivastin

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng Omnivastin:

Tác dụng phụ thường gặp

  • Chóng mặt, buồn ngủ, ngủ không ngon, suy nhược cơ thể khi dùng kéo dài.
  • Hoa mắt, có thể ngất, xuất hiện các triệu chứng ngoại tháp.
  • Rối loạn chức năng của hệ hô hấp, khó thở, viêm mũi, nghẹt mũi, ho khan.
  • Giảm các dòng tế bào máu, giảm tế bào bạch cầu, giảm bạch cầu đa nhân trung tính.
  • Hạ huyết áp tư thế đứng đặc biệt hay gặp ở bệnh nhân tiền sử các bệnh lý tim mạch, bệnh lý mạch máu.
  • Khô miệng, rối loạn chức năng tiêu hóa, khó tiêu, táo bón, tăng cân.
  • Phù ngoại vi.
  • Tăng ý nghĩ tiêu cực, hành vi tự sát.
  • Tăng men gan (SGOT, SGPT), tăng transaminase huyết thanh.
  • Tăng Prolactin máu, rối loạn chức năng tuyến giáp (giảm nồng độ T4, T4 tự do, giảm nồng độ T3, tăng TSH huyết thanh).
  • Tăng đường huyết, có thể tăng đến mức bệnh lý cần điều trị.
  • Hội chứng cai thuốc khi ngừng dùng hoặc giảm liều Omnivastin đột ngột.

Tác dụng phụ ít gặp

  • Tăng tế bào bạch cầu đa nhân ưa acid.
  • Phản ứng quá mẫn do dị ứng với một trong các thành phần của thuốc.
  • Tăng cholesterol máu (triglycerid huyết thanh, LDL-Cholesterol), tăng gamma – GT4.
  • Giảm nồng độ T3 tự do, suy giáp; Hạ natri máu.
  • Co giật, chứng run chân, rối loạn vận động chậm,…
  • Kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ, nhịp tim chậm.

Tác dụng phụ hiếm gặp

  • Hội chứng an thần kinh ác tính (tăng thân nhiệt quá mức, co cứng cơ, kích động,…)
  • Rối loạn cương dương ở nam giới, rối loạn chức năng sinh dục.
  • Mộng du, nói mơ, mộng mị, ngủ không yên giấc.
  • Viêm tắc tĩnh mạch do huyết khối.
  • Rối loạn kinh nguyệt, sưng vú.
  • Xuất hiện hoặc nặng nề hơn tình trang bệnh trĩ.
  • Hội chứng Stevens – Johnson.

Tóm lại, Omnivastin là thuốc điều trị các bệnh lý tâm thần kinh được kê đơn bắt buộc bởi bác sĩ chuyên khoa. Cũng giống như các thuốc chống loạn thần khác, ngoài tác dụng dược lý Omnivastin còn gây ra hàng loạt các phản ứng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng cho cơ thể. Vì vậy, cần theo dõi và quản lý bệnh nhân chặt chẽ trong suốt thời gian dùng thuốc.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-omnivastin/