Công dụng thuốc Protamol

Công dụng thuốc Protamol

Thuốc Protamol là một loại thuốc giảm đau phối hợp thường được sử dụng trong các trường hợp đau vừa tới nặng. Việc phối hợp hại thuốc với liều thấp giúp gia tăng sự hiệp đồng tác dụng giảm đau, từ đó hạn chế nguy cơ tác dụng phụ khi sử dụng các thuốc này đơn độc ở liều cao.

1. Thuốc Protamol có công dụng gì?

Thành phần chính của thuốc Protamol gồm Paracetamol 325mg và Ibuprofen 200mg. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén.

Ibuprofen là chất có tác dụng kháng viêm, giảm đau thuộc nhóm chống viêm không steroid. Cơ chế tác dụng của thuốc có được là nhờ tác dụng ức chế prostaglandin synthetase, do đó ngăn cản quá trình tạo ra prostaglandin, thromboxan. Đây là những chất trung gian hóa học gây ra phản ứng viêm.

Paracetamol là hoạt chất có tác dụng giảm đau, hạ sốt rất thường được sử dụng. Cơ chế tác động của thuốc chưa hoàn toàn rõ ràng. Thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt ở những người tăng thân nhiệt. Đối với những người thân nhiệt bình thường rất hiếm khi gây hạ thân nhiệt.

Protamol với thành phần phối hợp tác động kháng viêm, giảm đau của Ibuprofen và tác động giảm đau của Paracetamol. Phối hợp này giúp cho Protamol có hiệu quả giảm đau mạnh hơn tác dụng riêng lẻ của Ibuprofen hoặc của Paracetamol khi dùng liều cao, giảm tác dụng phụ của các thuốc này khi dùng liều cao.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Protamol

Thuốc Protamol được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Giảm đau trong các trường hợp: Viêm khớp, thấp khớp, đau lưng, đau cơ, bong gân, đau do các chấn thương như gãy xương;
  • Đau do trật khớp, đau sau giải phẫu, đau răng, nhức đầu…

Không dùng thuốc Protamol trong những trường hợp sau:

  • Mẫn cảm với một trong những thành phần của thuốc.
  • Loét dạ dày – tá tràng tiến triển, bệnh nhân suy gan hoặc suy thận nặng, suy tim sung huyết, hen suyễn, bị polyp mũi, co thắt phế quản, phù mạch, sốc phản vệ hoặc dị ứng do Aspirin hay do các thuốc kháng viêm không steroid khác.
  • Bệnh nhân bị thiếu máu nhiều lần, thiếu men G6DP.
  • Phụ nữ đang có thai, cho con bú.
  • Trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Người bệnh đang được điều trị bằng thuốc chống đông coumarin.
  • Người bệnh bị bệnh tạo keo (có nguy cơ cao hơn bị viêm màng não vô khuẩn, cần chú ý là tất cả những người bệnh bị viêm màng não vô khuẩn đều đã có tiền sử mắc một bệnh tự miễn).
  • Tránh dùng cùng thuốc chống đông Coumarin.

3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Protamol

3.1 Cách dùng thuốc Protamol

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang nên thuốc này được dùng bằng đường uống. Người bệnh uống thuốc với nhiều nước ngay sau bữa ăn.

3.2 Liều dùng

Người lớn

  • Liều thông thường: Uống từ 1 – 2 viên/lần, ngày 3 lần.
  • Trường hợp đau mạn tính: Uống 1 viên/lần, ngày 3 lần.
  • Lưu ý không được dùng thuốc này để tự điều trị giảm đau quá 10 ngày, trừ khi việc này là do thầy thuốc hướng dẫn.

Liều dùng thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh.

3.3 Quá liều và quên liều

  • Quá liêu

Trường hợp quá liều có thể xảy ra, đó uống thuốc với liều cao hay uống dài ngày. Khi dùng thuốc này quá liều có thể gây ngộ độc do paracetamol hoặc ibuprofen. Nếu trường hợp xảy ra quá liều xảy ra với các triệu chứng như nôn, buồn nôn, vàng da… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để nhân viên y tế có biện pháp xử lý.

  • Quên liều

Nếu như bạn quên một liều thuốc, hãy dùng thuốc Protamol càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu như gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Bạn không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.

4. Tác dụng phụ của thuốc Protamol

Khi sử dụng thuốc Protamol có thể gặp các tác dụng không mong muốn, báo gồm:

  • Tác dụng phụ thường gặp: Sốt, cảm thấy mỏi mệt, chướng bụng, buồn nôn, nôn, nhức đầu, tình trạng hoa mắt, chóng mặt, bồn chồn, mẩn ngứa, ngoại ban.
  • Ít gặp: Phản ứng dị ứng (đặc biệt gây ra co thắt phế quản ở người bệnh bị hen), viêm mũi, tình trạng nổi mày đay, đau bụng, chảy máu dạ dày – ruột, làm cho loét dạ dày tiến triển, lơ mơ, mất ngủ, ù tai, rối loạn chức năng thị giác, thính lực giảm, thời gian máu chảy kéo dài, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và giảm toàn thể huyết cầu, thiếu máu, độc tính trên thận và gan khi lạm dụng dài ngày.
  • Hiếm gặp: Phù, có thể gây ra nổi ban, hội chứng Stevens – Johnson, rụng tóc, trầm cảm, viêm màng não vô khuẩn, rối loạn nhìn màu, giảm thị lực do tình trạng ngộ độc thuốc, tăng bạch cầu ưa eosin, rối loạn co bóp túi mật, các xét nghiệm kiểm tra chức năng gan bất thường, nhiễm độc gan, viêm bàng quang, tiểu ra máu, suy thận cấp, viêm thận kẽ, hội chứng thận hư.

Khi gặp phải các tác dụng phụ của thuốc, cần phải ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ hoặc bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

5. Lưu ý khi dùng thuốc Protamol

  • Hoạt chất Paracetamol có thể gây ra các phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng Steven – Johnson (SJS), hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN) hay gây ra hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP).
  • Dùng hết sức thận trọng ở những người cao tuổi, người nghiện rượu.
  • Tránh việc uống rượu trong khi dùng thuốc vì làm tăng nguy cơ độc trên gan.
  • Không dùng chung thuốc này với các loại thuốc khác có chứa thành phần Paracetamol hay Ibuprofen.
  • Rối loạn thị giác như nhìn mờ là dấu hiệu chủ quan, thường có liên quan đến tác dụng có hại của thuốc nhưng sẽ hết khi ngừng dùng Ibuprofen. Cho nên cần phải thận trọng khi sử dụng cho người lái tàu xe hoặc vận hành máy.
  • Ibuprofen cũng có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu có thể làm cho thời gian chảy máu kéo dài.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú: Tốt nhất không sử dụng, chỉ nên dùng nếu lợi ích nhiều hơn nguy cơ mang lại.

6. Tương tác thuốc

Một số tương tác của thuốc Protamol gồm:

  • Rượu, isoniazid, các thuốc kháng lao, các thuốc có tác dụng chống co giật (phenytoin, barbiturate, carbamazepine) có thể gây gia tăng nguy cơ độc gan gây bởi paracetamol.
  • Dùng chung thuốc Phenothiazine với paracetamol có thể dẫn đến khả năng gây ra hạ sốt nghiêm trọng. Hạ thân nhiệt quá mức cần được chú ý, cho nên tránh phối hợp.
  • Metoclopramide khi dùng cùng có thể làm gia tăng sự hấp thu của paracetamol, tăng nguy cơ quá liều.
  • Ibuprofen và các thuốc kháng viêm không steroid khác làm tăng tác dụng phụ của kháng sinh nhóm quinolon lên hệ thần kinh trung ương và điều này có thể dẫn đến co giật. Ibuprofen với các thuốc kháng viêm không steroid khác không được kết hợp với nhau vì làm tăng nguy cơ chảy máu và gây loét.
  • Magnesium hydroxide khi dùng cùng làm tăng sự hấp thu ban đầu của ibuprofen; nhưng nếu nhôm hydroxide cùng có mặt thì không có tác dụng này.
  • Ibuprofen làm tăng độc tính của thuốc methotrexate.
  • Ibuprofen có thể làm giảm tác dụng bài xuất natri niệu của furosemid và các thuốc lợi tiểu. Từ đó làm giảm tác dụng của thuốc.
  • Thuốc Protamol có thể làm tăng nồng độ digoxin huyết tương. Chú ý tới liều vì có thể gặp phải liều gây độc.

Để tránh tình trạng tương tác giữa các thuốc, bạn phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ về những loại thuốc mà bạn đang sử dụng.

Bảo quản: Để thuốc Protamol ở những nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp, nhiệt độ bảo quản không quá 30oC. Để thuốc tránh xa tầm với của trẻ em và không dùng khi quá hạn.

Thuốc Protamol là thuốc điều trị triệu chứng đau. Người bệnh chỉ nên dùng thuốc này khi thực sự đau, tránh việc lạm dụng làm tăng nguy cơ tác dụng phụ của thuốc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác, bạn nên hỏi trực tiếp ý kiến bác sĩ hay dược sĩ.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-protamol/