Công dụng thuốc Seobtoam

Công dụng thuốc Seobtoam

Seobtoam là thuốc được dùng phổ biến trong điều trị các bệnh viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định từ phía bác sĩ chuyên khoa với liều dùng phù hợp để đảm bảo an toàn đối với sức khỏe.

1. Thuốc Seobtoam công dụng thế nào?

Thuốc Seobtoam có chứa thành phần chính là hoạt chất Nabumetone, đây được biết đến là một chất kháng viêm không steroid, ức chế yếu trên sự tổng hợp prostaglandin. Sau khi hấp thu từ đường tiêu hóa, hoạt chất nabumetone được chuyển hóa nhanh ở gan để tạo thành chất chuyển hóa có hoạt tính là 6-methoxy-2-naphthylacetic acid. Đây là chất ức chế mạnh trên sự tổng hợp prostaglandin bên trọng cơ thể.

2. Chỉ định và chống chỉ định

Với tác dụng trên, thuốc Seobtoam thường được chỉ định tron điều trị các bệnh viêm xương khớpviêm khớp dạng thấp.

Tuyệt đối không sử dụng Seobtoam cho những bệnh nhân thuộc đối tượng sau:

  • Người có tiền sử dị ứng với hoạt chất nabumetone và các thành phần khác có trong thuốc.
  • Người có tiểu sử mắc các bệnh như nổi mề đay, hen hay dị ứng do thuốc.
  • Người bệnh suy gan, suy thận nặng, loét dạ dày tá tràng hoặc có tiền sử mẫn cảm với thuốc chống viêm NSAID.

3. Liều dùng và cách dùng

  • Với người lớn: Liều dùng tham khảo ban đầu là 1 lần x 2 viên, uống vào thời điểm buổi tối trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, tùy vào mức độ bệnh và thể trạng của từng người mà bác sĩ có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm để mang đến hiệu quả điều trị cao nhất.
  • Với người cao tuổi: Mỗi ngày uống 1 lần x 1 viên, sử dụng vào thời điểm buổi tối, trước khi đi ngủ.
  • Với người bị suy thận, chức năng thận suy giảm: Trong trường hợp độ thanh thải lớn hơn 50ml/phút, người bệnh có thể dùng theo liều bình thường. Với những bệnh nhân có độ thanh thải từ 30 đến 49 ml/phút, nên dùng Seobtoam với liều khởi đầu 750mg/ngày sau đó có thể tăng lên 2-3 viên/1 ngày. Đặc biệt nếu bệnh nhân có độ thanh thải nhỏ hơn 30ml/phút cần sử dụng Seobtoam với liều ban đầu là 1 viên/ 1 ngày, sau đó có thể tăng lên thành 2 viên/ 1 ngày.

Đây là thuốc được dùng theo đường uống nên người bệnh lưu ý dùng thật nhiều nước khi uống thuốc.

4. Tác dụng phụ

Trong quá trình sử dụng Seobtoam, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Gây ra cảm giác đau bụng, buồn nôn, ăn khó tiêu, đầy hơi, loét dạ dày tá tràng, viêm thực quản, xuất huyết tiêu hóa. Một số trường hợp có thể bị viêm dạ dày, viêm trực tràng.
  • Ảnh hưởng đến thị lực: Khiến người bệnh bị rối loạn thị giác.
  • Ảnh hưởng đến huyết học: Thuốc có thể làm giảm số lượng bạch cầu và tiểu cầu trong máu, một số trường hợp kiểm tra bị thiếu máu và một vài chứng rối loạn khác.
  • Ảnh hưởng đến tim mạch: Seobtoam có thể làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp và khiến bệnh nhân bị phù chi dưới.
  • Ảnh hưởng đến hô hấp: Một số trường hợp sử dụng thuốc có thể làm khởi phát cơn hen.
  • Ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương: Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi và kèm theo chóng mặt, nhức đầu, ngủ gật.
  • Ảnh hưởng đến gan: Có thể gây viêm gan, tăng transaminase huyết thanh trong 1 khoảng thời gian ngắn.
  • Ảnh hưởng đến thận: Suy giảm chức năng thận ở mức độ nhẹ.
  • Ảnh hưởng đến da: Xuất hiện những vết ban đỏ, nổi mề đay trên da.

5. Tương tác thuốc

Thuốc Seobtoam có thể tương tác với một số thuốc làm thay đổi khả năng hoạt động như:

  • Sử dụng chung với các thuốc thuộc nhóm ức chế men chuyển dẫn đến giảm tác dụng.
  • Sử dụng chung các thuốc NSAIDs làm giảm sự liên kết với protein của thuốc và gia tăng nguy cơ tác dụng phụ.
  • Sử dụng chung với thuốc lợi tiểu ví dụ như Furosemid và thiazid làm giảm tác dụng.
  • Sử dụng chung Seobtoam với Methotrexate làm giảm thải trừ methotrexate.

6. Thận trọng khi dùng Seobtoam

Tuyệt đối không sử dụng các loại thức uống có cồn, rượu, bia trong thời gian dùng thuốc.

  • Thận trọng dùng Seobtoam cho bệnh nhân suy giảm chức năng gan, thận.
  • Trong thời gian sử dụng thuốc Seobtoam, người bệnh tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng hoặc giảm liều với mục đích đẩy nhanh thời gian điều trị bệnh.

Trên đây là một số thông tin về thuốc Seobtoam mà bạn đọc có thể tham khảo. Trước khi ngưng dùng, người bệnh cần hỏi ý kiến từ phía bác sĩ chuyên khoa.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-seobtoam/