Công dụng thuốc Sevram

Công dụng thuốc Sevram

Thuốc Sevram thường được kê đơn để điều trị hiệu quả tình trạng tăng huyết áp vô căn ở người lớn. Để phát huy tối ưu công dụng hạ áp của hoạt chất Telmisartan trong thuốc, bệnh nhân nên sử dụng theo đúng phác đồ được thiết lập bởi bác sĩ và tuân thủ nghiêm ngặt trong suốt quá trình điều trị.

1. Thuốc Sevram là thuốc gì?

Sevram thuộc nhóm thuốc tim mạch, được sử dụng chủ yếu để điều trị bệnh tăng huyết áp vô căn. Thuốc Sevram có chứa thành phần dược chất chính là Telmisartan hàm lượng 40mg. Ngoài ra, nhà sản xuất cũng bổ sung thêm một số tá dược khác giúp tăng cường hiệu quả điều trị cho hoạt chất Telmisartan. Vì thuốc Sevram thuộc nhóm thuốc kê đơn, do đó người bệnh chỉ nên dùng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý sử dụng.

2. Thuốc Sevram có tác dụng gì?

2.1 Công dụng của hoạt chất Telmisartan

Thành phần Telmisartan trong thuốc Sevram là một chất đối kháng đặc hiệu với thụ thể Angiotensin II (loại AT1). Theo nghiên cứu cho thấy, hoạt chất Telmisartan có khả năng làm giảm hàm lượng của Aldosterone trong máu. Mặt khác, Telmisartan không chẹn các kênh ion, không ức chế renin huyết tương, cũng không ngăn chặn men chuyển Angiotensin (kinase II), do đó hoạt chất không gây ra các tác dụng phụ liên quan đến Bradykinin.

Khi uống vào cơ thể liều Telmisartan hàm lượng 80mg có thể phát huy gần như hoàn toàn tác dụng ức chế sự gia tăng huyết áp của thụ thể Angiotensin II. Nhìn chung, tác dụng hạ huyết áp của Telmisartan có thể duy trì trong vòng 24 giờ và hiệu lực vẫn được tiếp tục trong giờ thứ 48.

Sau khi uống liều đầu tiên, tác dụng hạ huyết áp của Telmisartan sẽ đạt rõ rệt trong vòng 3 tiếng và tối đa sau khoảng 4 tuần điều trị. Công dụng này cũng có xu hướng duy trì lâu dài trong suốt quá trình trị liệu với Telmisartan của bệnh nhân.

Theo nghiên cứu cho thấy, khi sử dụng Telmisartan cho những bệnh nhân bị cao huyết áp có thể làm giảm hiệu quả cả mức huyết áp tâm trương lẫn tâm thu mà không tác động xấu tới nhịp tim.

2.2 Thuốc Sevram nên và không nên sử dụng trong trường hợp nào?

Hiện nay, sản phẩm Sevram được bác sĩ kê đơn nhằm điều trị hiệu quả cho bệnh tăng huyết áp vô căn. Tuy nhiên, cần tránh tự ý sử dụng Sevram cho những đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa có chỉ định cụ thể của bác sĩ:

  • Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn hoặc phản ứng dị ứng với hoạt chất Telmisartan hay bất kỳ thành phần tá dược khác có trong thuốc.
  • Chống chỉ định thuốc Sevram đối với bệnh nhân bị tắc mật hoặc suy gan trầm trọng.
  • Chống chỉ định dùng thuốc Sevram cho thai phụ trong 3 tháng giữa và cuối của thai kỳ.
  • Chống chỉ định sử dụng Sevram cho bà mẹ đang nuôi con bú.

3. Cách dùng thuốc Sevram an toàn và hiệu quả

Thuốc Sevram được bào chế dưới dạng viên nén dùng bằng đường uống. Khi sử dụng thuốc, bệnh nhân cần uống nguyên viên và tránh nghiền nát hay nhai vụn thuốc. Dưới đây là liều dùng thuốc Sevram theo khuyến cáo chung của bác sĩ:

Liều cho người lớn:

  • Liều khuyến cáo: Uống Telmisartan hàm lượng 40mg / lần / ngày. Một số bệnh nhân có thể chỉ cần dùng liều 20mg / ngày đã cho hiệu quả hạ huyết áp, sau đó tăng dần lên liều tối đa 80mg / lần / ngày để đạt được mức huyết áp như ý. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân uống Sevram cùng một số loại thuốc lợi tiểu thuộc nhóm Thiazid, chẳng hạn như Hydrochlorothiazide nhằm mang lại tác dụng hạ huyết áp hiệp đồng. Tuy nhiên, khi tăng liều thuốc Sevram cần chú ý đến công dụng hạ huyết áp tối đa sau khoảng từ 4 – 8 tuần trị liệu.
  • Liều cho người tăng huyết áp nặng: Uống liều 160mg riêng lẻ và có thể phối hợp cùng với liều Hydrochlorothiazide từ 12,5 – 25mg / ngày.
  • Liều cho bệnh nhân suy thận: Những bệnh nhân bị suy thận hoặc đang chạy thận nhân tạo có thể sử dụng thuốc Sevram để điều trị tăng huyết áp vô căn với liều dùng như bình thường mà không cần điều chỉnh.
  • Liều cho bệnh nhân suy gan: Không sử dụng quá 40mg / ngày nếu bị suy gan mức nhẹ – trung bình.

Trong suốt quá trình điều trị tăng huyết áp vô căn bằng thuốc Sevram, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng liều lượng và thời gian uống thuốc mà bác sĩ khuyến cáo. Tránh tự ý thay đổi liều dùng hay kéo dài liệu trình điều trị khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.

4. Những tác dụng phụ có nguy cơ xảy ra khi điều trị với thuốc Sevram

Trong một vài trường hợp nhất định, bệnh nhân có thể gặp phải những phản ứng bất lợi khi điều trị tăng huyết áp với thuốc Sevram, bao gồm:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Rối loạn thị lực.
  • Rối loạn tâm thần, có cảm giác lo lắng hoặc bồn chồn.
  • Chóng mặt do rối loạn mê đạo tai hoặc tai.
  • Rối loạn dạ dày – ruột non gây các triệu chứng như đầy hơi, khó tiêu, đau bụng, khô miệng, tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa dạ dày.
  • Tăng tiết mồ hôi hoặc chàm do rối loạn da – mô dưới da.
  • Rối loạn hệ xương gây đau lưng, đau khớp, đau chân, chuột rút chân, các triệu chứng giống viêm gân hoặc đau cơ.
  • Triệu chứng giống cúm hoặc đau tức ngực.
  • Hiếm khi xảy ra triệu chứng huyết áp thấp, trầm cảm, mất ngủ, phát ban, ngứa, ngất xỉu, nôn ói, nhịp tim chậm, tăng nhịp tim, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa kiềm, khó thở hoặc yếu cơ thể.
  • Hiếm khi xuất hiện tình trạng tăng Acid uric, tăng men gan hoặc giảm huyết cầu tố khi điều trị với thuốc Sevram.

Nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ ngoại ý nào được đề cập ở trên, bệnh nhân cần ngừng điều trị và báo cho bác sĩ sớm. Việc phát hiện và khắc phục kịp thời sẽ giúp người bệnh ngăn ngừa được những nguy cơ rủi ro khác cho sức khỏe.

5. Những lưu ý quan trọng khi dùng thuốc Sevram

Dưới đây là một số lưu ý cần thiết mà bạn nên nắm rõ trước và trong suốt quá trình điều trị tăng huyết áp vô căn bằng thuốc Sevram:

  • Nguy cơ tăng huyết áp do tổn thươn+g thận, động mạch thận hoặc ghép thận có thể xảy ra khi dùng thuốc Sevram.
  • Tình trạng tăng Aldosteron nguyên phát, tăng kích thích hệ RAA, bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn, hẹp van động mạch chủ, suy gan hoặc tăng kali máu cũng có nguy cơ xuất hiện trong thời gian điều trị với Sevram.
  • Những bệnh nhân bị nhược cơ, hôn mê gan, tiểu đường loại 2, có cơ địa mẫn cảm với bất kỳ dược chất nào hoặc bị viêm loét dạ dày cần thận trọng khi điều trị với thuốc Sevram.
  • Mẹ bầu và bà mẹ nuôi con bú chỉ được phép sử dụng Sevram trong trường hợp thực sự cần thiết và phải có chỉ định của bác sĩ.
  • Báo cho bác sĩ điều trị biết mọi loại thuốc mà bạn đang sử dụng, trong đó bao gồm cả dược phẩm không kê đơn, viên uống tăng cường sức đề kháng, thảo dược, vitamin hay thực phẩm chức năng. Điều này sẽ giúp loại trừ được khả năng tương tác bất lợi giữa các thuốc.
  • Kiểm tra kỹ lưỡng thời hạn sử dụng thuốc Sevram trước khi dùng nhằm tránh uống phải thuốc quá hạn.
  • Vứt bỏ ngay thuốc nếu viên thuốc có dấu hiệu chảy nước, nấm mốc hoặc đổi màu bất thường.
  • Trong trường hợp uống quá liều Sevram và gặp phải các triệu chứng bất lợi, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị.
  • Nếu lỡ bỏ quên liều thuốc Sevram, hãy uống bù liều sớm nhất có thể, nhưng cần tránh uống chồng liều hoặc gấp đôi liều cùng lúc.

Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Sevram, người bệnh trước khi dùng cần đọc kỹ hướng dẫn để quá trình sử dụng thuốc đạt được kết quả tốt nhất.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-sevram/