Công dụng thuốc Taxirid

Công dụng thuốc Taxirid

Thuốc Taxirid là kháng sinh được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn như: Viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, áp xe não và viêm màng trong tim… Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Taxirid qua bài viết dưới đây.

1. Taxirid là thuốc gì?

Thuốc Taxirid chứa hoạt chất Cefotaxim 1g, bào chế dưới dạng bột pha tiêm. Taxirid được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như: Viêm xoang, viêm tai giữa và viêm phế quản;
  • Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa như lỵ trực khuẩn và viêm ruột;
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu;
  • Nhiễm khuẩn nặng như viêm phổi, áp xe não, viêm màng trong tim, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, nhiễm khuẩn nặng trong ổ bụng.

2. Cơ chế tác dụng

Hoạt chất Cefotaxime là kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ 3 có phổ tác dụng rộng.

Nhóm các vi khuẩn nhạy cảm với thuốc bao gồm: E.coli, Enterobacter, Serratia, Salmonella, Shigella, P.Vulgaris, P.Mirabilis, Haemophilis Spp. và Haemophilus Influenzae…

Nhóm các vi khuẩn đề kháng với Cefotaxime bao gồm: Listeria, Enterococcus, Pseudomonas Cepiacia, Staphylococcus đề kháng Methicillin và Xanthomonas Hydrophilia…

Sau khi tiêm, Cefotaxim được hấp thu nhanh. Thời gian bán thải của thuốc trong huyết tương khoảng 1 giờ và khoảng 1,5 giờ đối với chất chuyển hóa Desacetylcefotaxim. Khoảng 40% liều thuốc liên kết với protein huyết tương. Thời gian bán thải của thuốc kéo dài hơn ở trẻ sơ sinh và người bệnh suy thận nặng, vì vậy liều thuốc cần được hiệu chỉnh ở những đối tượng này. Không cần hiệu chỉnh liều dùng ở người bệnh suy gan.

Thuốc phân bố rộng khắp các mô và dịch trong cơ thể. Nồng độ Cefotaxim trong dịch não tủy đạt mức tác dụng điều trị, đặc biệt là ở người bệnh bị viêm não.

Cefotaxim được chuyển hóa một phần tại gan thành Desacetylcefotaxim và chất chuyển hóa không hoạt tính. Thuốc được đào thải qua thận, một phần nhỏ qua mật và phân.

3. Liều dùng của thuốc Taxirid

Taxirid thuộc nhóm thuốc kê đơn, vì vậy liều thuốc sử dụng cần được chỉ định bởi bác sĩ dựa vào tình trạng người bệnh.

Một số khuyến cáo về liều thuốc Taxirid như sau:

Người trưởng thành:

  • Nhiễm khuẩn không biến chứng: Liều thuốc khuyến cáo là 1g/ lần tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, lặp lại liều thuốc mỗi 12 giờ;
  • Nhiễm khuẩn nặng như nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não: Liều thuốc khuyến cáo là 2g/lần tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, lặp lại liều thuốc mỗi 6 – 8 giờ;
  • Nhiễm khuẩn lậu không biến chứng: Liều duy nhất 1g tiêm tĩnh mạch;
  • Dự phòng nhiễm khuẩn trước khi phẫu thuật: Liều duy nhất 1g tiêm trước khi phẫu thuật 30 phút.

Trẻ em:

  • Trẻ em từ 1 tuổi – 15 tuổi nặng dưới 50kg: Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch liều 50mg – 100mg/kg cân nặng mỗi ngày, chia làm 3 – 4 lần tiêm;
  • Trẻ sơ sinh từ 1 tuần tuổi – 1 tháng tuổi: Liều dùng khuyến cáo là 75 – 150mg/ kg/ ngày phụ thuộc vào loại nhiễm khuẩn, tiêm tĩnh mạch mỗi ngày 3 lần;
  • Trẻ em đẻ non đến dưới 1 tuần tuổi: Liều thuốc khuyến cáo là 50mg/ kg/ ngày chia làm 2 lần, mỗi lần tiêm cách nhau 12 giờ.

Người bệnh suy thận: Liều thuốc cần được hiệu chỉnh bằng 1⁄2 liều dùng ở người bệnh có chức năng thận bình thường.

4. Tác dụng phụ của thuốc Taxirid

Thuốc Taxirid có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Thường gặp: Viêm tắc tĩnh mạch tại chỗ tiêm, tiêu chảy, đau và phản ứng ở vị trí tiêm bắp;
  • Ít gặp: Giảm bạch cầu làm test Coombs dương tính, thay đổi khuẩn chí ở ruột dẫn đến bội nhiễm do vi khuẩn kháng thuốc như Enterobacter Spp., Pseudomonas Aeruginosa..;
  • Hiếm gặp: Phản ứng quá mẫn cảm, sốc phản vệ, giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, thiếu máu tan máu, viêm đại tràng giả mạch do Clostridium Difficile, tăng enzym gan và bilirubin gan;

Trường hợp người bệnh bị tiêu chảy nặng sau khi điều trị bằng Taxirid phải nghĩ đến khả năng bị viêm đại tràng giả mạc, cần ngưng điều trị bằng Taxirid và thay thế bằng một kháng sinh khác có tác dụng trên lâm sàng điều trị viêm đại tràng giả mạc do Clostridium Difficile (như Vancomycin, Metronidazol)

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng không mong muốn trong thời gian điều trị bằng thuốc Taxirid.

5. Chống chỉ định của thuốc Taxirid

Chống chỉ định sử dụng thuốc Taxirid trong những trường hợp sau:

  • Người bệnh mẫn cảm với Cefotaxime hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc Taxirid;
  • Phụ nữ đang mang thai;
  • Phụ nữ đang cho con bú;
  • Người bệnh mẫn cảm với Lidocain nếu sử dụng Lidocain làm dung môi pha thuốc.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Taxirid

Thận trọng khi sử dụng thuốc Taxirid ở người bệnh suy giảm chức năng thận, người cao tuổi và người bệnh có tiền sử dị ứng với kháng sinh thuộc nhóm Betalactam.

Dung dịch sau khi pha tiêm cần trong suốt, không cặn và không đổi màu. Dung dịch thuốc sau khi pha nên dùng ngay, nếu chưa sử dụng cần được bảo quản thích hợp theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn.

Bảo quản thuốc Taxirid ở nhiệt độ dưới 25oC, tránh nơi có ánh nắng trực tiếp hoặc nơi có độ ẩm cao.

7. Tương tác thuốc

Thuốc Taxirid có thể gây tương tác với một số thuốc như Fosfomycin, Azlocillin và Probenecid…

Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của Taxirid. Vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Taxirid.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Taxirid, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi sử dụng. Lưu ý, Taxirid là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn, gây biến chứng nặng nề.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-taxirid/