Công dụng thuốc Usadiol

Công dụng thuốc Usadiol

Paracetamol và Tramadol là những hoạt chất giảm đau thường được kết hợp với nhau trên lâm sàng. Việc phối hợp cả 2 hoạt chất trong cùng 1 thuốc Usadiol sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị. Vậy thuốc Usadiol có tác dụng gì và nên sử dụng như thế nào?

1. Thuốc Usadiol có tác dụng gì?

Thuốc Usadiol bào chế dạng viên nén bao phim, thành phần bao gồm Paracetamol hàm lượng 325mg và Tramadol HCl hàm lượng 37.5mg.

Thành phần Tramadol trong thuốc Usadiol có tác dụng giảm đau trung ương theo ít nhất 2 cơ chế là liên kết với thụ thể Mu-opioid và ức chế tái hấp thu Norepinephrine và Serotonin. Thành phần còn lại trong Usadiol là Paracetamol (hay còn gọi là Acetaminophen hay N -acetyl-P-aminophenol) là chất chuyển hóa của Phenacetin với tác dụng giảm đau hạ sốt hiệu quả. Paracetamol có thể thay thế Aspirin ở tác dụng giảm đau, hạ sốt nhưng khác là không có tác dụng chống viêm. Việc phối hợp Tramadol và Paracetamol trong Usadiol mang lại tác dụng giảm đau hợp lực.

2. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Usadiol

Sản phẩm Usadiol được chỉ định giảm các cơn đau mức độ từ vừa đến nặng.

Tuy nhiên một số trường hợp sau không được sử dụng Usadiol (hay chống chỉ định):

  • Bệnh nhân quá mẫn với Paracetamol, Tramadol hay các thành phần khác có trong thuốc;
  • Phụ nữ cho con bú.

3. Liều dùng của thuốc Usadiol

Liều dùng khuyến cáo của thuốc Usadiol:

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 1 đến 2 viên Usadiol uống mỗi 4 đến 6 giờ. Liều tối đa là 8 viên/ngày;
  • Trẻ em (dưới 12 tuổi): Không khuyến cáo sử dụng do mức độ an toàn và hiệu quả của Usadiol chưa được xác định;
  • Bệnh nhân trên 65 tuổi: Liều tương tự người trưởng thành do không có sự khác biệt về mức độ an toàn hay đặc điểm dược động học.

Quá liều Usadiol:

  • Biểu hiện quá liều bao gồm các triệu chứng của ngộ độc Tramadol và/hoặc Paracetamol;
  • Triệu chứng quá liều Tramadol có thể bao gồm biểu hiện suy hô hấp, hôn mê, co giật, đôi khi ngừng tuần hoàn và dẫn đến tử vong;
  • Quá liều Paracetamol có thể dẫn đến tổn thương gan ở một số bệnh nhân. Các dấu hiệu ngộ độc sớm bao gồm kích ứng đường tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn/nôn ói, khó chịu và vã mồ hôi. Sau 48 đến 72 giờ dùng quá liều thì các dấu hiệu tổn thương gan mới xuất hiện.

4. Tác dụng phụ của thuốc Usadiol

Các tác dụng phụ thường xuyên xảy ra nhất khi sử dụng sản phẩm Usadiol liên quan đến bất thường hệ thần kinh trung ương và rối loạn hệ tiêu hóa, phổ biến nhất là buồn nôn, nôn ói hoặc chóng mặt, hoa mắt kèm theo buồn ngủ.

Ngoài ra, một số tác dụng phụ sau đây có tần suất xảy ra thấp hơn khi sử dụng thuốc Usadiol, bao gồm:

  • Suy nhược cơ thể, mệt mỏi;
  • Đau đầu, rùng mình;
  • Đau bụng, tiêu chảy, táo bón, ăn khó tiêu kèm đầy hơi hoặc khô miệng;
  • Tinh thần lo lắng, nhầm lẫn, kích thích, bồn chồn;
  • Ngứa da, phát ban ngoài da hoặc tăng tiết mồ hôi.

Một số tác dụng phụ hiếm gặp hơn của thuốc Usadiol, bao gồm:

  • Đau ngực;
  • Rét run;
  • Ngất;
  • Hội chứng cai thuốc;
  • Tăng huyết áp (đôi khi trầm trọng) hoặc ngược lại là hạ huyết áp;
  • Mất thăng bằng;
  • Co giật, căng cứng cơ;
  • Đau nửa đầu (đôi khi rất trầm trọng);
  • Cảm giác dị cảm, ngẩn ngơ;
  • Nuốt khó, tiêu phân đen do xuất huyết dạ dày;
  • Ù tai;
  • Loạn nhịp tim, đánh trống ngực hoặc mạch nhanh;
  • Xét nghiệm chức năng gan bất thường;
  • Sụt cân;
  • Mất ý thức, hay quên;
  • Trầm cảm, tâm trạng bất ổn;
  • Ảo giác, bất lực;
  • Gặp ác mộng hoặc xuất hiện những ý tưởng dị thường;
  • Thiếu máu;
  • Khó thở;
  • Rối loạn tiểu tiện, tiểu ít hoặc bí tiểu;
  • Rối loạn tầm nhìn.

5. Tương tác thuốc của Usadiol

Bệnh nhân kết hợp Usadiol đồng thời với các thuốc ức chế MAO hoặc ức chế tái hấp thu serotonin có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng không mong muốn, đặc biệt là co giật và hội chứng serotonin.

Kết hợp Usadiol với Carbamazepine có thể dẫn đến tăng chuyển hóa Tramadol, ừ đó làm giảm hiệu quả giảm đau của thuốc. Quá trình chuyển hóa Tramadol thông qua enzym CYP2D6, do đó khi sử dụng Quinidine cùng với Usadiol sẽ làm tăng nồng độ Tramadol trong máu. Tuy nhiên tương tác này chưa biểu hiện rõ trên lâm sàng;

Cần định kỳ xét nghiệm thời gian đông máu khi kết hợp thuốc Usadiol với Warfarin do chỉ số INR có thể thay đổi ở một số trường hợp.

Sử dụng Usadiol đồng thời các chất ức chế CYP2D6 như Fluoxetine, Paroxetine và Amitriptyline có thể dẫn đến giảm chuyển hóa Tramadol.

Dùng Usadiol đồng thời với Cimetidin không làm thay đổi đặc điểm dược động học của Tramadol trên phương diện lâm sàng.

6. Thận trọng khi dùng thuốc Usadiol

Thận trọng khi sử dụng Usadiol do nguy cơ gây co giật, đặc biệt khi dùng đồng thời các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin, chống trầm cảm 3 vòng, Opioid, ức chế IMAO, an thần hoặc các thuốc làm giảm ngưỡng co giật. Đồng thời thận trọng khi dùng thuốc Usadiol cho bệnh nhân có tiền sử động kinh, co giật hoặc có nguy cơ bị co giật;

Thận trọng khi sử dụng Usadiol vì có nguy cơ gây suy hô hấp ở bệnh nhân có yếu tố nguy cơ suy hô hấp hoặc khi dùng liều cao và kết hợp với thuốc gây tê, thuốc gây mê hoặc rượu;

Việc sử dụng Usadiol cần thận trọng ở bệnh nhân có tăng áp lực nội sọ hoặc chấn thương đầu;

Thuốc Usadiol cần sử dụng thật thận trọng ở bệnh nhân nghiện thuốc phiện vì có nguy cơ dẫn đến tái nghiện;

Thận trọng khi sử dụng Usadiol cho bệnh nhân nghiện rượu mạn tính vì độc tích trên gan có thể gia tăng;

Những bệnh nhân có độ thanh thải creatinin dưới 30ml/phút khuyến cáo không sử dụng quá 2 viên Usadiol mỗi ngày. Đồng thời cần đặc biệt thận trọng ở bệnh nhân suy chức năng gan nặng.

Bệnh nhân lưu ý tuyệt đối không sử dụng Usadiol đồng thời với các chế phẩm khác cũng có chứa Paracetamol và/hoặc Tramadol.

Hy vọng với những chia sẻ về thuốc Usadiol sẽ giúp bệnh nhân hiểu về cách sử dụng và dùng thuốc an toàn nhất. Nếu có thắc mắc gì có thể liên hệ để được tư vấn chuyên sâu.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-usadiol/