Công dụng thuốc Vadol

Công dụng thuốc Vadol

Thuốc Vadol thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt nhờ có chứa thành phần chính là paracetamol. Cùng tìm hiểu về công dụng của thuốc Vadol và các lưu ý khi sử dụng

1. Công dụng của thuốc Vadol

Nhờ thành phần paracetamol, thuốc Vadol được chứng minh hiệu quả và kê đơn trong các trường hợp sau:

  • Nhanh chóng giảm đau nhanh, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn khi bị đau đầu, đau sau nhổ răng, đau bụng kinh, đau họng, đau xương khớp, viêm xoang….
  • Thuốc Vadol giúp hạ sốt nhanh nhờ vậy hạn chế tình trạng mệt mỏi kéo dài, mất nước và co giật khi sốt cao ở trẻ em.

2. Chống chỉ định của thuốc Vadol

Để tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm, tuyệt đối không sử dụng thuốc Vadol cho những trường hợp sau:

  • Tất cả các trường hợp mẫn cảm với thành phần nào của thuốc cũng không được chỉ định kê đơn.
  • Trẻ em dưới 6 tuổi không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có hướng dẫn hoặc chỉ định từ bác sĩ.
  • Bệnh nhân mắc bệnh về thiếu máu, bệnh tim, bệnh gan không được sử dụng thuốc
  • Người bệnh thiếu hụt glucose – 6 – phosphat dehydrogenase

2. Cách dùng và liều dùng

2.1. Cách dùng

Thuốc Vadol được sử dụng theo đường uống. Các chuyên gia khuyến cáo, thời gian dùng thuốc giữa các liều phải cách nhau ít nhất 4 giờ và liều lượng không quá 4g/ngày.

2.2. Liều dùng

Thuốc vadol 325 hay thuốc vadol extra 500mg đều cần được uống theo đơn chỉ định của bác sĩ. Liều dùng cụ thể sẽ tùy thuộc vào thể trạng, mức độ diễn biến của bệnh. Dưới đây là gợi ý liều dùng mang tính chất tham khảo:

2.2.1. Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên

  • Dùng 500mg đến 1g paracetamol (1-2 viên/lần), sau mỗi 4-6 giờ nếu cần.
  • Liều tối đa hàng ngày: 4000 mg. Không dùng quá liều chỉ định. Không dùng với các thuốc khác có chứa paracetamol.

2.2.2.Trẻ em từ 6 đến 11 tuổi

  • Áp dụng liều thuốc 250-500 mg sau mỗi 4 đến 6 giờ nếu cần.
  • Liều tối đa hàng ngày: 60 mg/kg cân nặng chia thành nhiều lần, mỗi lần 10 – 15 mg/kg cân nặng dùng trong 24 giờ.
  • Thời gian tối đa dùng thuốc không có tư vấn của bác sỹ: 3 ngày.

2.3. Quên liều và cách xử trí

Nếu bạn quên một liều thuốc Vadol, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Lưu ý rằng không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.

2.4. Quá liều và cách xử trí

Quá liều Vadol hay còn gọi là quá liều Paracetamol có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân sau:

  • Do dùng một liều độc duy nhất
  • Lạm dụng liều lớn Paracetamol, có thể là 7,5 – 10g mỗi ngày, trong 1 – 2 ngày.
  • Sử dụng thuốc Vadol trong một thời gian dài

Các trường hợp này có thể gây hoại tử gan, thậm chí là tử vong. Một số biểu hiện của người bệnh có thể gặp phải khi quá liều Paracetamol như: buồn nôn, nôn, đau bụng, triệu chứng xanh tím da, niêm mạc và móng tay.

Trong trường hợp này, người bệnh cần được điều trị hỗ trợ tích cực. Đầu tiên, bác sĩ sẽ chỉ định rửa dạ dày, hiệu quả nhất của phương pháp này khi được thực hiện trong vòng 4 giờ sau khi uống.

Ngộ độc Vadol có liều giải độc chính là dùng những hợp chất Sulfhydryl. N – acetylcystein. Phải đảm bảo người bệnh được uống hoặc truyền tĩnh mạch trong thời gian chưa đến 36 giờ kể từ khi uống Paracetamol. Khi cho uống, hòa loãng dung dịch N – acetylcystein với nước hoặc đồ uống không có rượu để đạt dung dịch 5% và phải uống trong vòng 1 giờ sau khi pha. Cho uống N – acetylcystein với liều đầu tiên là 140 mg/ kg thể trọng, sau đó cho tiếp 17 liều nữa, mỗi liều 70 mg/ kg thể trọng cách nhau 4 giờ một lần.

3. Tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc Vadol

  • Một số tác dụng phụ có thể gặp ở số ít người bệnh như: ban da, nôn, buồn nôn, giảm toàn thể huyết cầu, giảm bạch cầu, bệnh thận,…
  • Các phản ứng khá hiếm gặp sau khi dùng thuốc Vadol như: phản ứng quá mẫn. Có thể gây suy gan (do hủy tế bào gan) khi dùng liều cao, kéo dài.

4. Tương tác thuốc

Trước khi sử dụng thuốc Vadol người bệnh cần lưu ý một số tương tác thuốc như sau:

  • Uống dài ngày liều cao Paracetamol làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của Coumarin và dẫn chất Indandion.
  • Cần chú ý đến khả năng gây hạ sốt nghiêm trọng ở người bệnh dùng đồng thời Phenothiazin và liệu pháp hạ nhiệt.
  • Thuốc chống co giật (Phenytoin, Barbiturat, Carbamazepin) gây cảm ứng enzym ở microsom thể gan, có thể làm tăng tính độc hại gan của Paracetamol do tăng chuyển hóa thuốc thành những chất độc hại với gan.
  • Dùng đồng thời Isoniazid với Paracetamol có thể dẫn đến tăng nguy cơ độc tính với gan.

5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Vadol

  • Phải dùng thận trọng ở người suy gan, suy thận và nghiện rượu.
  • Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu và giảm toàn thể huyết cầu đã xảy ra với việc sử dụng những dẫn chất p-aminophenol, đặc biệt khi dùng kéo dài các liều lớn. Giảm bạch cầu trung tính và ban xuất huyết giảm tiểu cầu đã xảy ra khi dùng paracetamol.
  • Người bị phenylceton – niệu (nghĩa là, thiếu hụt gen xác định tình trạng của phenylalanin hydroxylase) và người phải hạn chế lượng phenylalanin đưa vào cơ thể cần phải được cảnh báo rằng, một số chế phẩm paracetamol chứa aspartam sẽ chuyển hóa trong dạ dày – ruột thành phenylalanin sau khi uống.
  • Uống nhiều rượu có thể gây tăng độc tính với gan của paracetamol, vì vậy nên tránh hoặc hạn chế uống rượu.
  • Người bệnh có thể gặp phải một số bệnh lý khi sử dụng thuốc như: Hội chứng Stevens-Johnson (SJS), hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN) hay hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP).
  • Thận trọng sử dụng thuốc Vadol cho người lái xe và vận hành máy móc, bời thuốc có thể gây ra tình trạng buồn ngủ, mệt mỏi, mất tận trung…
  • Phụ nữ mang thai cần tránh sử dụng thuốc kháng sinh trong 3 tháng đầu thai kỳ. Hiện vẫn chưa xác định được tính an toàn của paracetamol dùng khi thai nghén. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ khi có mẹ bầu có nhu cầu sử dụng thuốc.

Hy vọng những thông tin ở trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Công dụng thuốc Vadol là gì?”. Tuy nhiên để hạn chế tác dụng phụ và những rủi ro khi dùng thuốc, người bệnh nên thăm khám và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-vadol/