Công dụng thuốc Valcyte

Công dụng thuốc Valcyte

Thuốc Valcyte thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng và chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm thường được dùng để điều trị viêm võng mạc ở người bệnh suy giảm miễn dịch và một số bệnh khác như viêm phổi, viêm đại tràng và viêm thực quản. Ngoài ra, thuốc còn có thể được sử dụng nhằm phòng ngừa nhiễm bệnh do CMV ở người bệnh ghép tạng.

1. Thuốc Valcyte chữa bệnh gì?

Thuốc Valcyte có thành phần chính Valganciclovir là tiền chất của ganciclovir giúp ức chế sự sao chép virus Herpes ở in vitro và in vivo. Ganciclovir có hoạt tính kìm khuẩn nhờ sự ức chế tổng hợp DNA của virus bởi:

  • Sự ức chế cạnh tranh của hợp chất deoxyguanosine triphosphate vào trong DNA bởi men virus polymerase DNA.
  • Sự hợp nhất ganciclovir triphosphate vào trong DNA của virus làm cho sự kéo dài chuỗi DNA của virus bị tiêu diệt hoặc bị hạn chế nhiều.

Tác động chống virus trên lâm sàng của thuốc Valcyte đã được ghi nhận trong điều trị bệnh nhân AIDS với chẩn đoán mới của viêm võng mạc do CMV. Tải lượng virus CMV từ 46% xuống còn 7% sau 4 tuần điều trị bằng Valcyte. Vì vậy, tác dụng của thuốc Valcyte chủ yếu để điều trị:

  • Viêm võng mạc do CMV ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch bao gồm cả AIDS
  • Các bệnh nhiễm CMV khác bao gồm viêm phổi, viêm đại tràng và viêm thực quản.
  • Phòng ngừa bệnh do CMV ở bệnh nhân ghép cơ quan có nguy cơ nhiễm bệnh.

Thuốc Valcyte chống chỉ định với bệnh nhân quá mẫn với aciclovir hoặc ganciclovir cũng như bệnh nhân có số lượng bạch cầu đa nhân trung tính dưới 500/mm3, số lượng tiểu cầu dưới 25000/mm3.

2. Liều sử dụng của thuốc Valcyte

Thuốc viên Valcyte phải uống vào bữa ăn. Trong khi đó dung dịch thuốc Valcyte chỉ được dùng bằng đường truyền tĩnh mạch vì nếu tiêm bắp hoặc tiêm dưới da thì mô sẽ bị kích ứng nặng do pH của ganciclovir cao (khoảng 11). Nên truyền Valcyte tĩnh mạch chậm với tốc độ hằng định trong ít nhất 1 giờ, dùng dung dịch có nồng độ không quá 10mg/ ml, và người bệnh cần được cung cấp nước đầy đủ để tránh tăng độc tính. Dùng thiết bị tiêm truyền có màng lọc với lỗ xốp 0.22 – 5 micromet.

Tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng mà liều dùng của thuốc Valcyte sẽ khác nhau, cụ thể như sau:

  • Đối với điều trị viêm võng mạc do MCV, bệnh nhân có chức năng thận ổn định:
    • Liều khởi đầu: 5mg/ kg truyền tĩnh mạch chậm trong 1 giờ, với tốc độ không đổi, 12 giờ/ lần, dùng trong 14 – 21 ngày sau đó chuyển sang điều trị duy trì
    • Liều duy trì: 5mg/ kg/ ngày tiêm truyền tĩnh mạch chậm trong 1 giờ, 1 lần/ ngày, dùng trong 7 ngày/ tuần hoặc 6mg/ kg/ ngày dùng trong 5 ngày/ tuần
  • Đối với phòng nhiễm CMV ở bệnh nhân HIV giai đoạn cuối, chức năng thận ổn định:
    • Liều đầu tiên và liều duy trì giống như điều trị viêm võng mạc do CMV nhưng thời gian của liệu trình khởi đầu là 7 – 14 ngày.
    • Thời gian dùng liều duy trì tuỳ thuộc vào biểu hiện lâm sàng và mức độ suy giảm miễn dịch.
    • Nếu phòng cho bệnh nhân ghép cơ quan có huyết thanh dương tính với CMV thì thời gian điều trị kéo dài ít nhất 1 tháng.
  • Liều điều trị đối với bệnh nhân suy thận:
    • Độ thanh thải creatinin 50 – 69ml/ phút: 1500 mg/ ngày mỗi lần hoặc 500mg, 3 lần/ ngày.
    • Độ thanh thải creatinin 25 – 49ml/ phút: 1000 mg/ ngày một lần hoặc 500 mg, 2 lần/ ngày.
    • Độ thanh thải creatinin 10 – 24ml/ phút: 500mg/ ngày một lần
    • Độ thanh thải creatinin dưới 10 ml/phút: 500mg/ lần, 3 lần/ tuần sau khi thẩm tách máu.
    • Lọc máu động – tĩnh mạch hoặc tĩnh – tĩnh mạch liên tục: 2.5 mg/ kg/ lần, 24 giờ/ lần

Cách pha dung dịch tiêm truyền Valcyte như sau: Ganciclovir được hoà tan trong 10ml nước cất pha tiêm (50mg/ml), sau đó pha loãng bằng dung dịch Natri clorid 0.9% hoặc dung dịch Dextrose 5%, hoặc dung dịch tiêm truyền Ringer hoặc Ringer lactat để có dung dịch chứa không quá 10mg/ ml. Không được dùng nước pha tiêm có chất bảo quản paraben vì có thể gây tủa. Dung dịch tiêm truyền phải được dùng trong 24 giờ để làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.

3. Tác dụng phụ của thuốc Erythromycin

Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Valcyte có thể gặp các tác dụng phụ như:

  • Sốt.
  • Thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
  • Nổi ban ngoại vi.
  • Run chi, chán ăn, chóng mặt, đau đầu.
  • Tăng bạch cầu ưa eosin.
  • Loạn nhịp, tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp.
  • Táo bón, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn.
  • Hôn mê, lú lẫn, dễ mất ngủ, dễ kích động.
  • Rụng tóc, ngứa, mày đay.
  • Khó thở.
  • Đau và viêm tĩnh mạch ở vùng tiêm.

4. Cẩn trọng khi sử dụng thuốc Valcyte

Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc Valcyte gồm có:

  • Cần thận trọng khi sử dụng Valcyte trên bệnh nhân suy thận, không được tiêm tĩnh mạch nhanh hoặc tiêm cả liều ngay một lúc.
  • Chú ý dùng liều thích hợp đối với người cao tuổi.
  • Vì tình trạng giảm bạch cầu, thiếu máu, giảm tiểu cầu, huyết cầu, ức chế tủy xương, thiếu máu bất sản được ghi nhận ở bệnh nhân được điều trị với Valcyte nên không được bắt đầu điều trị khi số bạch cầu trung tính dưới 500 hoặc số lượng tiểu cầu dưới 25000 hoặc hemoglobin dưới 8g/ dl
  • Valcyte không nên được sử dụng đồng thời với imipenem – cilastatin vì đã ghi nhận được trường hợp bệnh nhân co giật khi sử dụng đồng thời 2 thuốc này
  • Ganciclovir có thể gây quái thai hoặc nhiễm độc thai nghén khi dùng với liều dùng cho người thường do đó phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên sử dụng biện pháp tránh thai an toàn khi điều trị bằng Ganciclovir và trong 90 ngày sau khi ngừng điều trị
  • Chưa có sự chứng minh về việc Ganciclovir có thải trừ qua sữa mẹ không tuy nhiên do khả năng gây quái thai nên người mẹ cần dừng cho con bú khi đang sử dụng Ganciclovir, không được cho bú trước 72 giờ sau liều cuối cùng

5. Tương tác thuốc

Một số tương tác thuốc thường gặp khi sử dụng Valcyte gồm có:

  • Dùng Didanosin 2 giờ trước khi sử dụng Ganciclovir sẽ làm giảm diện tích dưới đường cong ở nồng độ ổn định của Ganciclovir.
  • Probenecid làm giảm thải trừ ganciclovir qua thận.
  • Zidovudin và ganciclovir đều có khả năng làm giảm bạch cầu trung tính và gây thiếu máu, chính là tác dụng hiệp đồng có hại.
  • Dùng đồng thời ganciclovir và imipenem – cilastatin có thể gây co giật.

Ganciclovir được khuyến cáo không dùng chung với các thuốc như: Dapson, Pentamidine, Flucytosine, Vincristine, Vinblastine, Adriamycin, Amphotericin B, Cotrimoxazol vì có thể làm tăng độc tính của thuốc.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-valcyte/