Công dụng thuốc Zolifast

Công dụng thuốc Zolifast

Thuốc Zolifast là sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Tenamyd, được sử dụng với mục đích điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn bao gồm: các nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn tai mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu sinh dục, … Để đảm bảo hiệu quả sử dụng, người dùng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc Zolifast trong bài viết sau đây.

1. Công dụng thuốc Zolifast 1000 mg

1.1. Thuốc Zolifast là thuốc gì?

Thuốc Zolifast thuốc nhóm thuốc trị ký sinh trùng chống nhiễm khuẩn kháng virus kháng nấm; có số đăng ký VD-23022-15, do Công ty Cổ phần Dược phẩm Tenamyd – Việt Nam sản xuất. Với thành phần chính là Cefazolin (dưới dạng cefazolin sodium) hàm lượng 1000mg hoặc 2000 mg.

Thuốc Zolifast được bào chế dưới dạng bột vô khuẩn pha tiêm, hộp 1 lọ kèm 1 ống nước cất pha tiêm 10ml hoặc hộp 10 lọ kèm 10 ống nước cất pha tiêm 10ml.

Thuốc bột pha tiêm Zolifast dùng an toàn cho cả trẻ sơ sinh và người trưởng thành.

1.2. Thuốc Zolifast có tác dụng gì?

Hoạt chất chính Cefazolin là kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 1.

  • Cefazolin có tác dụng mạnh mẽ trong các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Gram dương điển hình như: Staphylococcus aureus (kể cả chủng tiết penicilinase), Streptococcus beta – haemolyticus nhóm A, Staphylococcus epidermidis, Streptococcus pneumoniae và các chủng Streptococcus khác (nhiều chủng Enterococcus kháng cefazolin).
  • Kháng sinh Cefazolin cũng có tác dụng trên một số ít trực khuẩn Gram âm ưa khí như: Klebsiella sp., Escherichia coli, Proteus mirabilis và Haemophilus influenzae.

Những trực khuẩn Gram âm ưa khí khác (thường phát hiện ở các bệnh viện như Pseudomonas spp., Enterobacter spp.) đều kháng thuốc. Cefazolin không có tác dụng với vi khuẩn Enterococcus faecalis.

Chỉ định

Thuốc bột pha tiêm chống nhiễm khuẩn Zolifast 1000 mg và Zolifast 2000 mg được bác sĩ kê đơn chỉ định trong những trường hợp sau đây:

  • Điều trị các nhiễm khuẩn ở tai mũi họng, phế quản, phổi, tiết niệu và sinh dục.
  • Điều trị nhiễm khuẩn huyết và viêm màng trong tim.
  • Điều trị nhiễm khuẩn răng miệng, thanh mạc, xương khớp, ngoài da.
  • Một số trường hợp viêm nội tâm mạc và nhiễm khuẩn huyết.
  • Một số trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu sinh dục và đường mật.

Chống chỉ định:

Bệnh nhân dị ứng với thành phần chính Cefazolin, nhóm Cephalosporin, nhóm Penicillin.

2. Cách sử dụng của Zolifast 1000 mg và Zolifast 2000 mg

2.1. Cách dùng thuốc Zolifast

  • Thuốc Zolifast dùng đường tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch .
  • Tiêm bắp: Pha 1 lọ Zolifast với 2,5 ml nước cất pha tiêm có kèm theo lọ thuốc hoặc NaC1 0,9%. Lắc đều cho đến khi bột tan hoàn toàn thành hỗn hợp đồng nhất.
  • Tiêm tĩnh mạch: Pha 1 lọ Zolifast với 10ml nước cất pha tiêm kèm theo lọ thuốc. Lắc kỹ đến khi bột vô khuẩn trong lọ tan hoàn toàn và tiến hành tiêm tĩnh mạch chậm trong 3 đến 5 phút.
  • Tiêm truyền tĩnh mạch liên tục hoặc gián đoạn: Pha 1 lọ Zolifast trong 50 đến 100 ml nước cất pha tiêm hoặc trong các dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch (glucose 5%, NaCl 0,9%).

2.2. Liều dùng của thuốc Zolifast

Người lớn:

  • Nhiễm khuẩn mức độ nhẹ đến trung bình: 0,5 đến 1g cách 6 đến 12 giờ một lần
  • Nhiễm khuẩn mức độ nặng: 6 đến 12g một ngày. Thuốc thường dùng đường truyền tĩnh mạch.

Trẻ em:

  • Trẻ sơ sinh
  • Trẻ em > 1 tháng tuổi: 25 đến 50 mg/kg cân nặng một ngày chia làm 3 hoặc 4 lần trong ngày. Nếu trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng, liều dùng có thể tăng đến mức tối đa 100 mg/kg cân nặng/ngày, và được chia làm 4 lần trong một ngày.

Bệnh nhân suy thận:

  • Chỉ số CrCl (Độ thanh thải creatinin) > 55ml/phút: dùng liều thông thường.
  • CrCl từ 35 đến 54 ml/phút: dùng liều thông thường với khoảng cách thời gian giữa hai liều kéo dài ít nhất là 8 giờ.
  • CrCl từ 11 đến 34 ml/phút: dùng nửa liều thông thường với khoảng cách thời gian khoảng 12 giờ một lần.
  • CrCl dưới 10 ml/phút: dùng nửa liều thông thường với khoảng cách thời gian 18 đến 24 giờ một lần.

Dự phòng phẫu thuật:

  • Dùng liều 1g Zolifast trước khi phẫu thuật 30 phút đến 1 giờ để dự phòng nhiễm khuẩn.
  • Đối với những phẫu thuật kéo dài, tiêm tiếp liều 0,5 đến 1 g trong khi tiến hành phẫu thuật.
  • Sau khi phẫu thuật xong tiêm liều 0,5 đến 1g, cách 6- 8 giờ một lần trong 24 giờ hoặc liên tục trong 5 ngày cho một số trường hợp (như phẫu thuật tim hở và cấy ghép các bộ phận chỉnh hình).

Xử lý khi quên liều: Thuốc Zolifast được các nhân viên y tế thực hiện tại các cơ sở y tế nên sẽ hạn chế được việc quên liều. Nếu việc quên liều xảy ra thì tiến hành tiêm truyền ngay khi có thể, nếu thời gian gần với thời gian dùng liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã bỏ lỡ và dùng liều mới theo như chỉ định. Tuyệt đối không tiêm gấp đôi liều và không bỏ lỡ 2 liều liên tiếp.

Xử trí khi quá liều: Nếu trong quá trình sử dụng Zolifast có xảy ra triệu chứng co giật thì người bệnh cần phải ngưng đường dùng thuốc vào cơ thể bệnh nhân ngay. Lập tức thực hiện các biện pháp cấp cứu chủ yếu là bảo vệ đường hô hấp của người bệnh, hỗ trợ thông thoáng khí và truyền dịch.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Zolifast

  • Trước khi bắt đầu điều trị bằng Zolifast, phải điều tra kỹ về tiền sử dị ứng với nhóm cephalosporin, penicilin hay bất kỳ loại thuốc nào khác.
  • Không dùng thuốc khi bột bị đổi màu, thuốc đã pha bị vẩn đục, niêm phong lọ bị hở, lọ thuốc bị vỡ hay thuốc đã hết hạn sử dụng ghi trên bao bì.
  • Bệnh nhân bị suy thận, phải điều chỉnh liều lượng tùy theo hệ số thanh thải creatinin như trong phần liều dùng.
  • Thận trọng khi kê đơn các kháng sinh phổ rộng bao gồm cả Zolifast cho những người có bệnh sử về dạ dày ruột, đặc biệt là bệnh viêm đại tràng. Sử dụng Zolifast dài ngày có thể khiến các vi khuẩn không nhạy cảm phát triển quá mức.
  • Mặc dù Cefazolin thường được xem là an toàn sử dụng trong khi có thai. Nhưng chỉ dùng Zolifast ở phụ nữ có thai khi thật sự cần thiết và đã cân nhắc giữa lợi ích và tác hại.
  • Hoạt chất Cefazolin có bài tiết qua sữa mẹ, bởi vậy nên ngưng cho con bú trong thời kỳ dùng thuốc. Nếu cần thiết phải dùng cho phụ nữ đang cho con bú thì phải quan sát trẻ khi thấy trẻ ỉa chảy, tưa và nổi ban thì nên ngưng sử dụng.

4. Tác dụng phụ của thuốc Zolifast

Tác dụng phụ của thuốc Zolifast có thể gặp phải trong quá trình sử dụng như sau:

  • Hầu như tất cả các cephalosporin bao gồm cả Zolifast đều có thể gây phản ứng giảm bạch cầu trung tính và mất bạch cầu hạt.
  • Hoạt chất Cefazolin gây cản trở việc tổng hợp yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K. Nên thường thấy thiếu máu tán huyết miễn dịch trong quá trình điều trị bằng Zolifast.

Ngoài ra, hiếm gặp có thể gây độc cho thận và gây ngộ độc thần kinh khi dùng Zolifast.

5. Tương tác thuốc Zolifast

  • Dùng kết hợp kháng sinh nhóm cephalosporin với colistin làm tăng nguy cơ gây tổn hại đến thận.
  • Probenecid làm tăng nồng độ và thời gian tác dụng của Zolifast.
  • Không trộn lẫn với thuốc amino glycosid trong cùng dung dịch tiêm.
  • Thận trọng khi dùng đồng thời Zolifast cùng với thuốc lợi tiểu mạnh và kháng sinh nhóm aminoglycosid, vì có thể có tác dụng bất lợi đến chức năng thận.

6. Cách bảo quản thuốc Zolifast 1000 mg và Zolifast 2000 mg

  • Thời gian bảo quản thuốc là 36 tháng kể từ ngày sản xuất.
  • Bảo quản thuốc trong lọ vô khuẩn, trong nhiệt độ phòng từ 15 đến không quá 30 độ C, ở nơi khô ráo thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp.
  • Không để thuốc trong nhà tắm hay nới có độ ẩm cao
  • Các dung dich Zolifast đã pha để tiêm bắp hay tiêm truyền tĩnh mạch vẫn giữ được tác dụng ban đầu trong vòng 72 giờ nếu bảo quản ở nhiệt độ lạnh (từ 5 đến 9 độ C).
  • Để thuốc xa tầm với trẻ em do lọ thuốc có thể rơi vỡ gây nguy hiểm cho trẻ.

Thuốc Zolifast được sử dụng với mục đích điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn bao gồm: các nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn tai mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu sinh dục, …Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-zolifast/