Diethyl Phthalate là thuốc gì?

Diethyl Phthalate là thuốc gì?

Thuốc Diethyl Phthalate hay còn gọi là thuốc Dep, được dùng để điều trị cho những trường hợp mắc bệnh ghẻ hoặc có vết thương trên da do côn trùng cắn. Sản phẩm sử dụng theo đường bôi ngoài da với liều lượng và tần suất được chỉ dẫn bởi bác sĩ hoặc nhà sản xuất. Để ngăn ngừa các tác dụng phụ xuất hiện, bệnh nhân nên dùng Dep đúng cách và không tự ý kéo dài thời gian điều trị.

1. Thuốc Diethyl Phthalate là thuốc gì?

Diethyl Phthalate thuộc nhóm thuốc chữa bệnh da liễu, thường được dùng trong điều trị bệnh ghẻ và khắc phục hiệu quả các triệu chứng tại vùng da bị côn trùng đốt. Hiện nay, Diethyl Phthalate còn được biết đến với tên gọi khác là thuốc Dep và sản xuất bởi Công Ty Cổ Phần Hoá – Dược Phẩm Mekophar.

Thành phần hoạt chất chính trong thuốc ghẻ Dep là Diethylphthalat nồng độ 9,5g, kèm theo một số tá dược phụ trợ khác được nhà sản xuất bổ sung vào công thức. Thuốc Diethyl Phthalate được bào chế dưới dạng kem bôi da không màu hoặc hơi ngả vàng, có mùi nhẹ. Thuốc được đóng gói theo quy cách mỗi hộp 20 lọ x 10g.

Mặc dù Diethyl Phthalate không thuộc nhóm thuốc kê đơn, tuy nhiên bệnh nhân vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng. Để đảm bảo an toàn và tránh gây ra những tác dụng phụ ngoài ý muốn, người bệnh nên dùng thuốc theo đúng hướng dẫn và đúng liều lượng cho phép.

2. Thuốc Diethyl Phthalate có tác dụng gì?

2.1. Công dụng của hoạt chất Diethylphthalat

Thành phần Diethylphthalat trong thuốc thường được các bác sĩ chuyên khoa da liễu khuyến nghị dùng cho những trường hợp bị ghẻ. Ngoài ra, các dẫn xuất phtalat còn được ứng dụng trong quá trình làm chất hoá dẻo cho những sản phẩm bao bì nhựa như đầu núm vú, can, túi, bình sữa,… Bên cạnh đó, Diethylphthalat còn được dùng làm chất dung môi trong mỹ phẩm và đánh bóng móng.

Theo nghiên cứu, sự tổng hợp Diethylphthalat trải qua giai đoạn, bao gồm quá trình Acyl hóa, Enthanol phản ứng với Anhydrit phtalic để tạo thành Monoester; sau đó là Este hoá Monoeste để tạo nên chất Diethylphthalat. Các dẫn xuất phthalate được coi là những Xenoestrogen, có thể gây rối loạn nội tiết tố, dẫn đến vấn đề dậy thì sớm ở trẻ em. Ở phụ nữ, nghiên cứu đã cho thấy những phthalate làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú và lạc nội mạc tử cung.

2.2. Chỉ định – Chống chỉ định sử dụng thuốc Diethyl Phthalate

Hiện nay, thuốc ghẻ Dep được chỉ định để điều trị cho các tình trạng sau:

  • Trị ghẻ.
  • Trị vết côn trùng cắn như mạt, muỗi, bọ chét, vắt,…

Nếu có ý định dùng Diethyl Phthalate cho mục đích điều trị khác, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Theo khuyến cáo, tránh tự ý dùng thuốc Dep cho những đối tượng bệnh nhân dưới đây:

  • Người có tiền sử mẫn cảm hoặc bị dị ứng với hoạt chất Diethylphthalat hay bất kỳ tá dược nào có trong công thức thuốc.
  • Người có vùng da cần chữa trị đang biểu hiện dấu hiệu chảy dịch hay nhiễm trùng.
  • Chống chỉ định tương đối Diethylphthalat cho phụ nữ có thai và bà mẹ nuôi con bú.

3. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Diethyl Phthalate cụ thể

Trước khi bắt đầu điều trị với thuốc ghẻ Dep, bệnh nhân nên đọc kỹ hướng dẫn trong tờ đơn kèm theo sản phẩm hoặc tuân thủ đúng chỉ định của thầy thuốc. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vì vậy bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để có tần suất và liều dùng thuốc Diethyl Phthalate phù hợp nhất với tình trạng bệnh lý của bản thân.

Trong quá trình điều trị bệnh ghẻ và vết côn trùng cắn, bệnh nhân nên thực hiện các bước cụ thể dưới đây để đảm bảo đạt hiệu quả cao:

  • Vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng trước cũng như sau khi tiếp xúc với thuốc.
  • Lấy một lượng vừa đủ, nhẹ nhàng thoa thuốc lên toàn bộ vùng da cần chữa trị.
  • Sau khi thoa, để thuốc tự nhiên trên da, không che phủ hay băng lại bằng vải hay bất kỳ vật dụng khác nhằm tránh gây bí da.
  • Khi bôi, tránh để thuốc dính vào các vùng da bình thường hoặc da của người khác.
  • Bôi thuốc theo đúng tần suất được chỉ định hoặc hướng dẫn trên bao bì. Tần suất dùng Diethyl Phthalate trung bình cho người lớn thường từ 1 – 2 lần / ngày.
  • Không tự ý dùng Diethyl Phthalate cho trẻ em khi chưa được bác sĩ cho phép.
  • Tránh tự ý tăng / giảm liều trong thời gian sử dụng bởi điều này có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ.
  • Khi lỡ quên liều thuốc Diethyl Phthalate, hãy thoa bù liều càng sớm càng tốt, nhưng tránh dùng quá sát thời gian sử dụng liều thuốc tiếp theo.

Sau khi dùng Diethyl Phthalate, bảo quản lọ thuốc ở nhiệt độ phòng (từ 15 – 30 độ C), tránh ánh nắng trực tiếp, nhiệt độ cao hay nơi ẩm thấp. Ngoài ra, cất thuốc ở xa tầm với của trẻ em cũng như vật nuôi nhằm tránh chúng vô tình nuốt phải. Khi thuốc Dep có dấu hiệu đổi màu, biến chất, chảy nước hay hết hạn, bạn cần dừng điều trị ngay và loại bỏ thuốc theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

4. Những tác dụng phụ có nguy cơ xảy ra khi dùng thuốc Diethyl Phthalate

Trong quá trình điều trị ghẻ và vùng da bị côn trùng đốt bằng thuốc Diethyl Phthalate, một số bệnh nhân có thể gặp phải những tác dụng phụ bất lợi dưới đây như đỏ rát, châm chích, ngứa hay kích ứng da. Các tình trạng trên sẽ tự biến mất dứt điểm khi bạn ngưng điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục xảy ra và trở nên nghiêm trọng hơn, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ ngay để được chẩn đoán nguyên nhân cụ thể và đưa ra cách khắc phục.

5. Lưu ý và thận trọng khi điều trị với thuốc Diethyl Phthalate

Dưới đây là những điều mà bệnh nhân cần lưu ý trước và trong suốt quá trình dùng thuốc ghẻ Dep nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa nguy cơ gặp tác dụng phụ bất lợi, bao gồm:

  • Tránh thoa sản phẩm lên vùng niêm mạc, trong trường hợp dính phải cần nhanh chóng rửa sạch với nước. Tiếp theo, quan sát các phản ứng của cơ thể trong vòng 24 tiếng, nếu xuất hiện dấu hiệu lạ cần chủ động tìm đến bác sĩ.
  • Thận trọng khi điều trị bằng thuốc Dep cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tốt nhất, phụ huynh nên tham khảo lời khuyên của bác sĩ trước khi quyết định cho bé dùng sản phẩm. Điều này cũng giúp kiểm soát hiệu quả các rủi ro có khả năng phát sinh khi cho trẻ dùng Diethyl Phthalate.
  • Tương tác thuốc có thể xảy ra khi hai hay nhiều loại thuốc dùng chung phản ứng với nhau, dẫn đến các vấn đề sức khỏe ngoài ý muốn. Thực tế hiện nay vẫn chưa có danh sách chính xác các loại dược phẩm có khả năng tương tác với Dep. Bởi vậy, bệnh nhân nên chủ động phòng ngừa vấn đề này thông qua việc trao đổi cụ thể với bác sĩ những sản phẩm hiện đang dùng, gồm viên uống bổ sung, thuốc bôi ngoài da khác, thuốc kê đơn, khoáng chất, vitamin hay một số thảo dược thiên nhiên,… Nếu xuất hiện tương tác thuốc cần thực hiện các biện pháp như ngưng dùng một trong hai sản phẩm, điều chỉnh liều và tần suất hoặc thay thế loại thuốc khác phù hợp hơn.
  • Tuân thủ liều lượng thuốc Dep theo đúng chỉ dẫn, tuyệt đối không tự động điều chỉnh liều theo ý muốn.
  • Ngừng điều trị bằng Dep sau khoảng 7 ngày nếu không thấy hiệu quả. Ngoài ra, bạn cũng nên ngừng dùng thuốc Diethyl Phthalate nếu cơ thể phát sinh các triệu chứng xấu, hết thời hạn điều trị hoặc tình trạng bệnh chuyển biến tệ hơn.

Trên đây là công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Diethyl Phthalate. Sản phẩm sử dụng theo đường bôi ngoài da với liều lượng và tần suất được chỉ dẫn bởi bác sĩ hoặc nhà sản xuất.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/diethyl-phthalate-la-thuoc-gi/