Liều dùng thuốc Tenocar 100

Liều dùng thuốc Tenocar 100

Thuốc Tenocar 100 được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Atenolon. Thuốc được sử dụng để điều trị bệnh cao huyết áp, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim,…

1. Thuốc Tenocar 100 có tác dụng gì?

1 viên thuốc Tenocar 100 có chứa 100mg Atenolol và các tá dược: Tinh bột ngô, microcrystalline cellulose, magnesi stearat, lactose, talc, natri starch glycolat, colloidal silicon dioxyd. Atenolol là thuốc điều trị cao huyết áp, thuộc nhóm chẹn chọn lọc trên thụ thể beta 1. Loại thuốc này có tác dụng làm giảm lực co cơ và giảm tần số tim. Tuy nhiên, Atenolol không có tác dụng ổn định màng, không đi qua được màng não. Việc điều trị bằng atenolol sẽ ức chế tác dụng của hormone catecholamin khi gắng sức và căng thẳng tâm lý. Điều này dẫn đến giảm tần số tim, giảm cung lượng tim và giảm huyết áp. Trong khi đó, thuốc không làm tăng hoặc tăng rất ít sức cản của mạch ngoại biên.

Chỉ định sử dụng thuốc Tenocar 100:

  • Điều trị tăng huyết áp, đau thắt ngực mãn tính ổn định và nhồi máu cơ tim sớm (trong vòng 12 giờ đầu);
  • Dự phòng sau nhồi máu cơ tim hoặc loạn nhịp nhanh trên thất.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Tenocar 100:

  • Bệnh nhân sốc tim, chậm nhịp tim có biểu hiện lâm sàng, suy tim không bù trừ, block nhĩ thất độ II và độ III;
  • Sử dụng kết hợp với verapamil.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Tenocar 100

Cách dùng: Đường uống.

Liều dùng:

  • Tăng huyết áp: Liều khởi đầu là 25 – 50mg/lần/ngày. Nếu bệnh nhân vẫn chưa đạt đáp ứng tối ưu trong 1 – 2 tuần thì nên tăng liều lên đến 100mg/ngày hoặc kết hợp với các thuốc lợi tiểu hoặc thuốc giãn mạch ngoại biên;
  • Đau thắt ngực: Liều thông thường là 50 – 100mg/ngày;
  • Loạn nhịp nhanh trên thất: Liều thông thường là 50 – 100mg/ngày;
  • Nhồi máu cơ tim: Nên được điều trị sớm. Uống thuốc sau khi tiêm tĩnh mạch với liều dùng theo sự hướng dẫn của bác sĩ;
  • Bệnh nhân suy thận: Nên giảm liều dùng thuốc.

Quá liều: Tình trạng quá liều có thể xảy ra ở những bệnh nhân phải điều trị cấp với liều dùng từ 5 giờ trở lên. Hội chứng thường gặp do sử dụng Atenolol quá liều chính là rối loạn hô hấp, ngủ lịm, ngừng xoang, thở khò khè, hạ huyết áp, chậm nhịp tim, co thắt phế quản,…

Điều trị quá liều cần loại bỏ phần thuốc chưa được cơ thể hấp thu bằng cách gây nôn, rửa dạ dày hoặc uống than hoạt. Atenolol cũng có thể được loại bỏ khỏi tuần hoàn chung bằng phương pháp thẩm tách máu. Kết hợp với điều trị triệu chứng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuỳ theo mức độ nặng của triệu chứng quá liều, người bệnh có thể cần chăm sóc hỗ trợ tích cực và sử dụng các phương tiện hỗ trợ tim, hô hấp.

3. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Tenocar 100

Khi sử dụng thuốc Tenocar 100, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Buồn nôn, mệt mỏi, yếu cơ;
  • Hiếm gặp: Giảm tiểu cầu, rối loạn thị giác, rối loạn giấc ngủ.

Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ mà bản thân gặp phải khi sử dụng thuốc Tenocar 100 để được tư vấn về cách can thiệp xử trí sao cho phù hợp nhất.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Tenocar 100

Một số lưu ý quan trọng người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Tenocar 100 gồm:

  • Thận trọng khi dùng thuốc ở người bị hen phế quản hay có bệnh phổi tắc nghẽn khác;
  • Thận trọng khi sử dụng đồng thời thuốc Tenocar với thuốc gây mê theo đường hô hấp;
  • Thận trọng khi điều trị kết hợp thuốc Tenocar với digitalis hoặc với các loại thuốc chống loạn nhịp tim nhóm I. Nguyên nhân vì sự kết hợp này có thể gây chậm nhịp tim nặng (tác dụng hiệp đồng trên cơ tim);
  • Thận trọng khi dùng thuốc Tenocar 100 ở bệnh nhân suy thận nặng hoặc người bị chứng tập tễnh cách hồi;
  • Thuốc chẹn thụ thể beta có thể gây hiện tượng chậm nhịp tim ở thai nhi và trẻ em mới sinh. Bởi vậy, trong 3 tháng cuối và gần thời kỳ sắp sinh sản, bà mẹ mang thai không sử dụng thuốc chẹn beta, chỉ dùng khi thực sự cần thiết và đã có sự cho phép của bác sĩ;
  • Atenolol bài tiết vào sữa mẹ với tỷ lệ cao gấp 1,5 – 6,8 lần so với nồng độ thuốc trong huyết tương của người mẹ. Đã có những kết luận về tác hại của thuốc đối với trẻ bú mẹ (như chậm nhịp tim có ý nghĩa lâm sàng) khi người mẹ sử dụng thuốc. Trẻ đẻ non hoặc trẻ suy thận sẽ dễ mắc các tác dụng không mong muốn hơn. Bởi vậy, không nên dùng Atenolol ở bà mẹ đang nuôi con bú;
  • Khi điều trị với thuốc Tenocar 100, cần theo dõi sức khỏe thường xuyên. Những phản ứng do thuốc có thể khác nhau giữa từng bệnh nhân. Một số người bệnh giảm khả năng phản ứng trong các tình huống tham gia giao thông, vận hành máy móc, đặc biệt là khi bắt đầu sử dụng thuốc, khi tăng liều, đổi thuốc, dùng chung với rượu,… Do đó, nên thận trọng khi sử dụng thuốc Tenocar ở người lái xe, vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Tenocar 100

Một số tương tác thuốc của Tenocar 100 gồm:

  • Không kết hợp thuốc Tenocar với verapamil vì có thể gây chậm nhịp tim, hạ huyết áp, block tim và tăng áp lực tâm thất ở cuối tâm trương;
  • Thận trọng khi kết hợp thuốc Tenocar với diltiazem vì có thể gây chậm nhịp tim nặng, đặc biệt là ở những bệnh nhân dẫn truyền không bình thường từ trước hoặc bị suy tâm thất trái;
  • Thận trọng khi kết hợp thuốc Tenocar với nifedipin. Mặc dù có sự dung nạp tốt nhưng đôi khi có thể gây tăng suy tim, hạ huyết áp nặng hoặc khiến hội chứng đau thắt ngực xấu đi;
  • Thận trọng khi kết hợp thuốc Tenocar với các thuốc làm giảm catecholamin vì có thể gây hạ huyết áp, làm chậm nhịp tim nặng. Do đó, sự kết hợp này có thể gây chóng mặt, ngất, hạ huyết áp tư thế;
  • Thận trọng khi kết hợp thuốc Tenocar với prazosin vì có thể gây hạ huyết áp cấp ở tư thế đứng khi bắt đầu dùng thuốc;
  • Thận trọng khi kết hợp thuốc Tenocar với clonidin vì khi ngừng dùng clonidin có thể làm tăng huyết áp trầm trọng thêm. Trong trường hợp đó, nên ngừng thuốc chẹn beta vài ngày trước khi ngưng từ từ thuốc clonidin. Và nếu muốn thay thế thuốc clonidin bằng thuốc chẹn beta thì vài ngày sau khi ngừng hẳn thuốc clonidin mới được bắt đầu dùng thuốc chẹn beta;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Tenocar 100 với quinidin và các thuốc chống loạn nhịp tim nhóm 1 có thể gây tác dụng hiệp đồng với cơ tim;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Tenocar 100 với ergotamin có thể làm tăng co thắt mạch ngoại biên, ức chế cơ tim;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Tenocar với thuốc gây mê đường hô hấp như cloroform có thể gây cường phế vị và ức chế cơ tim;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Tenocar 100 với insulin hoặc các thuốc chữa tiểu đường có thể làm che lấp chứng tim đập nhanh do hạ đường huyết.

Khi được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc Tenocar 100, người bệnh nên tuân thủ đúng hướng dẫn, không được tự ý thay đổi liều dùng hoặc thời gian dùng thuốc để tránh gặp phải những ảnh hưởng bất lợi.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/lieu-dung-thuoc-tenocar-100/