Tác dụng của thuốc Defibrotide

Tác dụng của thuốc Defibrotide

Thuốc Defibrotide là một thuốc chống đông máu, được sử dụng điều trị chứng tắc tĩnh mạch gan hoặc những bất thường gan thận sau cấy ghép tế bào gốc tạo máu. Vậy thuốc Defibrotide được sử dụng như thế nào?

1. Defibrotide thuốc có tác dụng gì?

Thuốc Defibrotide được sử dụng để điều trị cho người trưởng thành và trẻ em mắc bệnh tắc tĩnh mạch gan VOD (xảy ra khi các tĩnh mạch bên trong gan bị tắc nghẽn và dẫn đến tổn thương gan) và những người có vấn đề về thận hoặc phổi sau khi ghép tế bào gốc tạo máu (gọi tắt là HSCT). Thuốc Defibrotide thuộc nhóm thuốc được gọi là thuốc chống huyết khối với cơ chế hoạt động chính là ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông trong lòng mạch.

2. Cách sử dụng thuốc Defibrotide

Thuốc Defibrotide bào chế dưới dạng dung dịch tiêm, hàm lượng 80mg/mL. Defibrotide được sử dụng bởi bác sĩ hoặc điều dưỡng tại cơ sở y tế bằng hình thức tiêm truyền tĩnh mạch trong thời gian ít nhất 2 giờ.

Thuốc Defibrotide thường được tiêm truyền mỗi 6 giờ một lần trong thời gian 21 ngày, nhưng có thể kéo dài tối đa 60 ngày nếu các triệu chứng bệnh không cải thiện. Thời gian điều trị của thuốc Defibrotide sẽ phụ thuộc vào mức độ cơ thể bệnh nhân phản ứng với thuốc và các tác dụng phụ có thể gặp phải.

Liều khuyến cáo là 6.25 mg/kg cân nặng/lần. Lưu ý: Trọng lượng cơ thể của bệnh nhân dùng để tính liều nên tính trước thời điểm cấy ghép tế bào gốc tạo máu (HSCT).

Bác sĩ có thể trì hoãn hoặc ngừng điều trị với thuốc Defibrotide nếu bệnh nhân gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, điều quan trọng là bệnh nhân cần đảm bảo thông báo với bác sĩ điều trị về những vấn đề bất thường gặp phải trong quá trình điều trị bằng thuốc Defibrotide.

3. Chống chỉ định của Defibrotide

Thuốc Defibrotide chống chỉ định sử dụng trong những trường hợp sau đây:

  • Sử dụng đồng thời với các thuốc chống đông toàn thân hoặc liệu pháp tiêu sợi huyết;
  • Người bệnh có tiền sử quá mẫn với Defibrotide hoặc bất kỳ tá dược nào khác có trong thuốc.

4. Những lưu ý trước khi tiêm thuốc Defibrotide

Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ và dược sĩ biết nếu có tiền sử dị ứng với hoạt chất và tá dược có trong thuốc Defibrotide hay bất kỳ loại thuốc nào khác có thành phần tương tự. Bệnh nhân có thể trao đổi với dược sĩ để biết danh sách các thành phần có trong sản phẩm này.

Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ nếu đang sử dụng hoặc đã sử dụng thuốc chống đông máu như Apixaban (Eliquis), Dabigatran (Pradaxa), Dalteparin (Fragmin), Edoxaban (Savaysa), Enoxaparin (Lovenox), Fondaparinux (Arixtra), Heparin, Rivaroxaban (Xarelto) và Warfarin (Coumadin, Jantoven) hoặc nếu đang sử dụng các thuốc làm tan huyết khối dạng kích hoạt plasminogen mô như Alteplase (Activase), Reteplase (Retavase) hoặc Tenecteplase (TNKase). Bác sĩ điều trị có thể sẽ yêu cầu bệnh nhân không sử dụng thuốc Defibrotide nếu đang hoặc đã sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc kể trên.

Thông báo cho bác sĩ và dược sĩ điều trị về tất cả những loại thuốc kê đơn và không kê đơn, sản phẩm bổ sung Vitamin, chất bổ sung dinh dưỡng và các sản phẩm thảo dược mà bệnh nhân đang dùng hoặc dự định dùng. Bác sĩ có thể cần phải thay đổi liều lượng thuốc Defibrotide hoặc có kế hoạch theo dõi bệnh nhân cẩn thận về các tác dụng phụ có thể xảy ra.

Bệnh nhân cần nhanh chóng thông báo cho bác sĩ biết nếu xuất hiện bất kỳ tình trạng chảy máu ở bất cứ đâu trên cơ thể hoặc có tiền sử rối loạn đông cầm máu.

Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ biết nếu đang mang thai, dự định có thai hoặc đang trong thời gian cho con bú. Nếu vô ý mang thai trong thời gian điều trị bằng thuốc Defibrotide, bệnh nhân hãy liên hệ ngay lập tức với bác sĩ và tuyệt đối không cho con bú trong khi tiêm Defibrotide.

5. Tác dụng phụ của thuốc Defibrotide

Quá trình sử dụng thuốc Defibrotide có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoại ý. Bệnh nhân hãy cho bác sĩ điều trị biết nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào nghiêm trọng hoặc kéo dài dưới đây:

  • Chóng mặt;
  • Tiêu chảy;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Chảy máu mũi.

Một số tác dụng phụ của thuốc Defibrotide có thể nghiêm trọng. Nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng nào sau đây, người bệnh hãy gọi ngay cho bác sĩ để được điều trị y tế khẩn cấp, bao gồm:

  • Phát ban;
  • Nổi mẩn đỏ;
  • Ngứa da;
  • Sưng phù mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng;
  • Chảy máu hoặc xuất hiện mảng bầm tím bất thường;
  • Có máu trong nước tiểu hoặc phân;
  • Đau đầu;
  • Tâm lý hoang mang;
  • Nói lắp, nói khó;
  • Thay đổi thị lực;
  • Sốt, ho hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng khác.

Trên đây là các thông tin về tác dụng của thuốc Defibrotide, hy vọng đã đem lại hữu ích cho độc giả.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/tac-dung-cua-thuoc-defibrotide/