Thuốc Boruza: Công dụng và liều dùng

Thuốc Boruza: Công dụng và liều dùng

Thuốc Boruza là loại thuốc điều trị ký sinh trùng, kháng virus, kháng nấm, chống nhiễm khuẩn. Hiện, thuốc đang được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh lý như HIV, viêm gan B,…

1. Boruza là thuốc gì?

Thuốc Boruza là loại thuốc có thành phần Tenofovir disoproxil fumarate 300mg (thuốc Boruza 300mg) và các hoạt chất, tác dược khác. Loại thuốc này thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống lại tình trạng nhiễm khuẩn, kháng nấm và kháng virus.

2. Chỉ định và chống chỉ định

2.1 Chỉ định

Thuốc Boruza được chỉ định sử dụng trong các trường hợp:

  • Bệnh nhân HIV tuýp 1 ở người lớn, kết hợp với các loại thuốc kháng retrovirus khác (không dùng Boruza riêng lẻ);
  • Phòng ngừa nhiễm HIV sau khi tiếp xúc với bệnh nhân HIV có nguy cơ lây nhiễm virus, kết hợp với các loại thuốc kháng retrovirus khác;
  • Điều trị viêm gan siêu vi B mãn tính ở người lớn đã đề kháng với lamivudin.

2.2 Chống chỉ định

Thuốc Boruza không dùng cho:

  • Bệnh nhân mẫn cảm với Tenofovir disoproxil fumarate hoặc các thành phần khác có trong thuốc;
  • Người bị suy thận nặng;
  • Bệnh nhân có bạch cầu đa nhân trung tính bất thường (dưới 0,75 x 109/lít) hoặc nồng độ hemoglobin bất thường (dưới 75g/lít).

Phát ban HIV là gì ? Triệu chứng phát ban HIV
Thuốc Boruza được chỉ định cho bện nhân HIV tuýp 1

3. Liều dùng thuốc Boruza

Thuốc Boruza chỉ được dùng theo đơn của bác sĩ. Liều dùng như sau:

  • Điều trị nhiễm HIV: 1 viên/lần/ngày và kết hợp với các loại thuốc kháng retrovirus khác;
  • Dự phòng nhiễm HIV (do nguyên nhân nghề nghiệp): 1 viên/lần/ngày và kết hợp với thuốc kháng retrovirus khác và tiếp tục dùng trong 4 tuần tiếp theo nếu bệnh nhân dung nạp tốt. Dự phòng HIV nên bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi tiếp xúc với bệnh nhân HIV có nguy cơ cao lây bệnh (tốt nhất là dùng trong vòng vài giờ);
  • Dự phòng nhiễm HIV (không do nguyên nhân nghề nghiệp): 1 viên/lần/ngày và kết hợp với tối thiểu 2 loại thuốc kháng retrovirus khác. Việc dùng thuốc nên bắt đầu càng sớm càng tốt (tốt nhất là trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc với bệnh nhân HIV);
  • Điều trị viêm gan B mãn tính: 1 viên/lần/ngày trong trên 48 tuần;
  • Bệnh nhân suy gan: Không cần điều chỉnh liều;
  • Bệnh nhân thẩm phân máu: Dùng mỗi liều cách nhau 7 ngày hoặc sau 12 giờ sau khi thẩm phân máu. Bác sĩ cần theo dõi chặt chẽ tình hình của bệnh nhân;
  • Bệnh nhân suy thận: Giảm liều dùng thuốc Boruza bằng cách điều chỉnh khoảng cách thời gian dùng thuốc dựa trên độ thanh thải creatinin (CC) của người bệnh. Cụ thể:
    • CC ≥ 50ml/phút: Liều thông thường 1 lần/ngày;
    • 30 ≤ CC ≤ 49ml/phút: Dùng thuốc cách nhau mỗi 48 giờ;
    • 10 ≤ CC ≤ 29ml/phút: Dùng thuốc cách nhau mỗi 72 – 96 giờ.

Trường hợp dùng thuốc quá liều: Bệnh nhân cần được theo dõi dấu hiệu ngộ độc và có thể sử dụng các biện pháp điều trị cơ bản nếu cần thiết. Có thể thải trừ hoạt chất Tenofovir trong thuốc Boruza bằng phương pháp thẩm phân máu.

Trường hợp quên một liều thuốc khi đang dùng thuốc, bệnh nhân nên dùng càng sớm càng tốt (có thể uống thuốc cách 1 – 2 giờ so với thời điểm được bác sĩ yêu cầu). Tuy nhiên, nếu thời gian đã gần với liều kế tiếp thì người bệnh nên bỏ qua liều đã quên, dùng liều kế tiếp đúng thời gian quy định.


Uống thuốc chống trầm cảm sau sinh
Bệnh nhân nên sử dụng thuốc theo sự tư vấn của bác sĩ điều trị

4. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Boruza

  • Trên đường tiêu hóa: Tiêu chảy, buồn nôn và nôn ói, đau bụng, khó tiêu, đầy hơi, chán ăn,…;
  • Phát ban da;
  • Nồng độ amylase huyết thanh có thể bị tăng cao, viêm tụy;
  • Giảm phosphat máu;
  • Tăng men gan, tăng đường huyết, tăng nồng độ triglyceride máu và thiếu bạch cầu trung tính;
  • Suy thận, hội chứng Fanconi;
  • Nhiễm acid lactic, kết hợp với chứng gan to, gan nhiễm mỡ,…;
  • Tác dụng phụ khác: Bệnh thần kinh ngoại vi, mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, trầm cảm, suy nhược, đau cơ, ra mồ hôi,…

Khi gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn do sử dụng thuốc Boruza, bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ.

5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Boruza

  • Tăng sinh mô mỡ: Sau khi dùng thuốc có thể gây béo phì, phì đại mặt trước – sau cổ, phì đại tuyến vú, mắc hội chứng Cushing,…;
  • Tác dụng phụ trên xương: Sử dụng đồng thời thuốc Boruza với lamivudin và efavirenz trên bệnh nhân nhiễm HIV có thể dẫn tới suy giảm mật độ khoáng của xương sống thắt lưng, tăng nồng độ hormone tuyến cận giáp trong huyết thanh, tăng nồng độ các yếu tố sinh hóa trong chuyển hóa xương,…;
  • Bùng phát nhiễm HBV (virus viêm gan B) ở bệnh nhân nhiễm HIV khi ngưng điều trị bằng thuốc Boruza. Vì vậy, cần theo dõi chức năng gan sau khi ngưng sử dụng thuốc Boruza ở bệnh nhân vừa nhiễm HIV vừa nhiễm HBV;
  • Bệnh nhân trước đó bị rối loạn chức năng gan có thể bị gia tăng các bất thường chức năng gan trong quá trình dùng thuốc. Vì vậy, cần theo dõi sát sao và nếu tình hình trở nên xấu hơn thì cần ngưng tạm thời hoặc ngưng hẳn việc dùng thuốc Boruza;
  • Ngưng dùng thuốc nếu nồng độ aminotransferase tăng nhanh, nhiễm acid lactic,…;
  • Bệnh nhân HIV bị suy giảm miễn dịch nặng ở thời điểm bắt đầu điều trị bằng thuốc Boruza kết hợp với các thuốc khác có thể phát sinh phản ứng viêm hoặc bệnh lý nhiễm trùng cơ hội, gây nhiều bệnh lý nghiêm trọng hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh;
  • Thuốc có thể gây chóng mặt nên cần thận trọng khi sử dụng cho người lái xe hoặc vận hành máy móc;
  • Sử dụng thuốc ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần đi kèm với các biện pháp tránh thai hiệu quả vì thuốc có thể gây tác dụng xấu cho phụ nữ mang thai như sảy thai, dị tật thai nhi,…;
  • Không dùng thuốc ở phụ nữ đang cho con bú.

chóng mặt
Sau khi sử dụng thuốc Boruza có thể xuất hiện tình trạng chóng mặt

Khi sử dụng thuốc Boruza, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất và giảm được nguy cơ xảy ra biến chứng không mong muốn.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.

Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân, sở hữu nhiều máy móc trên thế giới giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất. Không gian bệnh viện được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn, mang đến cho người bệnh sự thoải mái, thân thiện, yên tâm.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/thuoc-boruza-cong-dung-va-lieu-dung/