Thuốc Pruzena uống trước hay sau ăn?

Thuốc Pruzena uống trước hay sau ăn?

Pruzena là thuốc kết hợp giữa Doxylamine và Pyridoxine, được sử dụng nhằm chống nôn ói hoặc chống ốm nghén khi mang thai. Vậy Pruzena cần sử dụng như thế nào và thuốc Pruzena uống trước hay sau ăn?

1. Pruzena là thuốc gì?

Trước khi tìm hiểu về vấn đề thuốc Pruzena uống trước hay sau ăn, chúng ta cần có những thông tin cơ bản về sản phẩm này. Pruzena là sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Đạt Vi phú, được bào chế dạng viên nén bao phim dùng đường uống với thành phần như sau:

  • Hoạt chất bao gồm Doxylamine hàm lượng 10mg và Pyridoxine Hydrochloride hàm lượng 10mg;
  • Tá dược vừa đủ 1 viên.

Hoạt chất Doxylamine trong Pruzena thuộc nhóm kháng histamin và thường được sử dụng như một liệu pháp điều trị mất ngủ, bên cạnh những công dụng khác như giảm triệu chứng của bệnh sốt cỏ khô, chứng mày đay và các tình trạng phản ứng dị ứng khác. Doxylamine bản chất là một dẫn xuất của Ethanolamine và được đánh giá có công dụng chống dị ứng vượt trội so với hầu hết các thuốc kháng histamin hiện có trên thị trường. Trong một nghiên cứu, Doxylamine còn cho thấy khả năng an thần vượt trội so ngay với các thuốc an thần mạnh khác như Barbiturate hay Phenobarbital. Ngoài ra, Doxylamine còn là một thuốc kháng cholinergic mạnh.

Hoạt chất còn lại trong Pruzena là Pyridoxine, được sử dụng chủ yếu trong điều trị tình trạng thiếu hụt vitamin B6 và dự phòng bệnh thần kinh ngoại biên do Isoniazid gây ra.

2. Tác dụng của thuốc Pruzena là gì?

Pruzena được bác sĩ chỉ định sử dụng trong những trường hợp sau:

  • Điều trị buồn nôn, nôn ói và chứng ốm nghén ở phụ nữ mang thai;
  • Sử dụng tạm thời để điều trị tình trạng mất ngủ.

Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý là thuốc Pruzena chống chỉ định trong các trường hợp mẫn cảm với Doxylamine, Pyridoxine hay bất kỳ thành phần nào có trong thuốc hoặc dị ứng với các thuốc kháng Histamin dẫn xuất từ Ethanolamine khác.

Pruzena được sử dụng chống nôn ói và ốm nghén do thai kỳ, vậy câu hỏi đặt ra là uống thuốc Pruzena có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?

3. Thuốc Pruzena uống trước hay sau ăn?

Thông thường, thuốc chống nghén Pruzena được sử dụng 1 lần mỗi ngày ở thời điểm trước khi đi ngủ và sau bữa ăn nhằm kiểm soát các triệu chứng nôn ói vào ngày hôm sau. Bệnh nhân nên dùng thuốc bằng cách nuốt toàn bộ viên nén Pruzena cùng với một ít nước và cần tránh nhai, nghiền nát hoặc bẻ nhỏ thuốc.

Bà bầu cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc Pruzena trước khi sử dụng, nếu còn thắc mắc chưa rõ nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để được giải đáp.

Liều khuyến cáo thông thường của Pruzena ở người lớn: 2 viên/lần/ngày, có thể tăng liều thêm 1 viên vào buổi sáng hoặc buổi chiều (uống sau bữa ăn) đối với các trường hợp nặng khi tình trạng buồn nôn, nôn ói diễn ra suốt ngày.

Lưu ý: Thuốc Pruzena không được sử dụng cho trẻ em.

4. Uống thuốc Pruzena có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Theo phân loại, Pruzena nằm trong nhóm thuốc được phân loại A, đồng nghĩa Pruzena đã được chứng minh sử dụng an toàn ở phụ nữ có thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, không làm tăng tỷ lệ dị dạng và đồng thời không có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp lên bào thai. Bên cạnh đó, hoạt chất Doxylamine trong thuốc Pruzena đã được chấp thuận sử dụng điều trị cho các trường hợp bà bầu buồn nôn và nôn ói do nghén. Vì vậy, bà bầu có thể yên tâm sử dụng thuốc Pruzena và không cần lo sợ ảnh hưởng đến thai nhi.

Mặc dù không ảnh hưởng đến thai nhi nhưng thuốc chống nghén Pruzena vẫn có nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như sau:

  • Hồi hộp, tăng nhịp tim;
  • Lo lắng;
  • Suy nhược;
  • Chóng mặt, đau đầu;
  • Buồn ngủ quá mức;
  • Mất khả năng định hướng, kích thích thần kinh trung ương;
  • Tiểu khó hoặc bí tiểu;
  • Chán ăn, ăn khó tiêu;
  • Tiêu chảy hoặc táo bón;
  • Khô niêm mạc, khô miệng;
  • Đau thượng vị;
  • Ù tai;
  • Nhìn mờ hoặc nhìn đôi;
  • Run, vặn cơ và co giật

Liều cao Pruzena có thể dẫn đến động kinh. Một số phản ứng dị ứng, sốc phản vệ hoặc rối loạn hệ tạo máu (gồm có mất bạch cầu hạt và thiếu máu huyết tán cũng có thể xảy ra).

5. Một số thận trọng khi sử dụng thuốc Pruzena

Bởi vì thuốc Pruzena có khả năng gây buồn ngủ, do đó người sử dụng để đảm bảo an toàn nên tránh thực hiện những công việc đòi hỏi sự tỉnh táo cho đến khi người dùng thuốc đã biết rõ tác dụng của thuốc đối với cơ thể. Bệnh nhân đang bị chóng mặt, mắc phải các rối loạn thần kinh trung ương khác, kể cả rối loạn thị giác, buồn ngủ quá mức không nên lái xe hoặc vận hành máy móc cần sự tỉnh táo cao để đảm bảo an toàn.

Thận trọng khi dùng thuốc Pruzena ở bệnh nhân có những tình trạng sau:

  • Glaucoma góc khép;
  • Tắc nghẽn môn vị tá tràng;
  • Tắc nghẽn đường tiểu: nghẽn cổ bàng quang, tăng sản tuyến tiền liệt có kèm theo triệu chứng;
  • Cường giáp;
  • Tăng áp lực nội nhãn;
  • Bệnh lý tim mạch, gồm cả tăng huyết áp và nhịp tim nhanh.

6. Tương tác của thuốc Pruzena

  • Doxylamine có tính chất đối kháng cholinergic, do đó nên sử dụng thận trọng Pruzena khi phối hợp với các thuốc tâm thần, thuốc chống trầm cảm ba vòng, Quinidin, các thuốc kháng histamin và thuốc chống loạn nhịp tim.
  • Doxylamine làm tăng tác dụng an thần của các chất ức chế thần kinh trung ương như rượu bia, đồ uống có cồn, thuốc giảm đau Narcotic và các thuốc an thần… Vì vậy, bệnh nhân đang dùng đồng thời Pruzena với các thuốc nêu trên cần được theo dõi cẩn thận.
  • Những trường hợp đang sử dụng Isoniazid sẽ gây ức chế quá trình hình thành pyridoxal phosphat do phản ứng tạo hydrazon và dẫn đến tình trạng thiếu hụt Pyridoxin.
  • Phối hợp Pyridoxin với Hydralazin, Cycloserin hoặc Penicillamin sẽ làm ảnh hưởng đến tác dụng của Pyridoxin.
  • Ở một số phụ nữ, nồng độ Pyridoxal phosphat giảm khi dùng cùng thuốc tránh thai đường uống, do đó nên thận trọng khi phối hợp với Pruzena.
  • Pyridoxin làm giảm nồng độ Dopamin trong não, vì vậy Pruzena có thể làm gây mất tác dụng các thuốc điều trị bệnh Parkinson.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/thuoc-pruzena-uong-truoc-hay-sau/