Các cách trị đầy bụng khó tiêu tại nhà

Các cách trị đầy bụng khó tiêu tại nhà

Đầy bụng, khó tiêu không phải tình trạng nguy hiểm nhưng nó khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu. Phương pháp trị triệu chứng đầy bụng khó tiêu hiệu quả nhất là thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là chế độ ăn uống. Ngoài ra, trong bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số cách trị đầy bụng khó tiêu tại nhà cho mọi người khi cần thiết.

1. Đầy bụng khó tiêu là gì?

Triệu chứng đầy bụng, khó tiêu thường do thói quen ăn uống không điều độ hoặc là hệ quả của một số bệnh lý như hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, sỏi mật, sỏi thận,…

Một số triệu chứng khác thường đi kèm như đau bụng âm ỉ, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn ói, cảm giác ậm ạch, khó chịu trong bụng.

Khi người bệnh gặp phải triệu chứng đầy hơi, khó tiêu cần xác định được nguyên nhân gây ra là gì để từ đó có biện pháp điều trị thích hợp.

2. Nguyên nhân gây đầy bụng khó tiêu

  • Do cơ thể nạp quá nhiều chất đạm, bột, đường, dầu mỡ khiến dạ dày không thể tiêu hóa hết được, dẫn đến tồn đọng trong ống tiêu hóa. Ăn nhiều đồ cay nóng, uống nhiều rượu bia, cà phê, chất kích thích, ăn nhai không kỹ, ăn xong đi nằm ngay… khiến đường ruột không thể tiêu hóa hết thức ăn và gây ra tình trạng đầy hơi chứng bụng.
  • Có thể do đường tiêu hóa gặp rối loạn, chướng bụng, phù hoặc cổ trướng ở một số người bệnh mắc bệnh gan, mất nước, táo bón, dị ứng thực phẩm.
  • Một số chủng vi khuẩn ở ruột non phát triển quá mức.
  • Bệnh đường tiêu hóa như viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày, nhiễm trùng, tắc ruột, ung thư đại tràng
  • Dùng thuốc kháng sinh, giảm đau khiến lợi khuẩn giảm mạnh trong khi các hại khuẩn phát triển gây đầy hơi chứng bụng.

3. Biểu hiện của triệu chứng đầy bụng, khó tiêu

Thời gian xuất hiện triệu chứng đầy bụng khó tiêu tùy từng người bệnh, có thể xuất hiện thường xuyên hoặc từng đợt một vài ngày do giảm khả năng co bóp đưa thức ăn từ dạ dày xuống ruột ở cả hai giai đoạn tiêu hóa lỏng và đặc.

Sau khi ăn hoặc trong khi ăn người bệnh cảm thấy nóng bỏng vùng thượng vị, đặc biệt là sau khi uống rượu, ăn các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn ngọt hay sữa, các thức ăn nóng chứa các gia vị kích thích như ớt, hạt tiêu.

Một số trường hợp người bệnh thấy bụng đau quặn thành cơn. Người bệnh thường có cảm giác khó chịu, đầy bụng vùng thượng vị sau khi ăn. Có cảm giác tức bụng ở phía trên, cảm giác như chứa đầy nước, đầy hơi.

4. Mẹo chữa trị đầy bụng, khó tiêu tại nhà

  • Chườm ấm

Khi ăn nhiều thức ăn dầu mỡ, hay do bệnh viêm dạ dày, bạn có thể dùng một cái khăn ấm đặt ở vùng bụng xung quanh rốn, xoa nhẹ quanh bụng có thể xoa dịu hiệu quả tình trạng này. Ngoài ra có thể dùng túi chườm nhiệt cũng có công dụng tương tự. Tuy nhiên, khi dùng túi chườm nhiệt cần lưu ý không để nước nóng tiếp xúc trực tiếp với da để tránh bỏng.

Khi bị táo bón, người bệnh thường sẽ có cảm giác thỉnh thoảng đau bụng, đầy bụng, chướng hơi. Bạn có thể dùng cách chườm ấm tương tự như trên: chườm khăn ấm hoặc túi chườm nhiệt xoa quanh vùng bụng, giúp mát xa điều hòa nhu động ruột. Ngoài ra, trong trường hợp không có túi chườm nhiệt, người bệnh có thể tắm nước ấm pha muối cũng là một cách giúp hết đau bụng rất hiệu quả.

  • Uống baking soda

Baking soda có khả năng chữa đầy bụng khó tiêu nhờ thành phần chính là natri hidrocacbonat. Loại hoạt chất này có chức năng trung hòa acid dạ dày và làm giảm các triệu chứng ợ nóng trong một khoảng thời gian.

Cách dùng: Hòa tan 1⁄4 muỗng canh baking soda trong một cốc nước ấm và uống.

Sau 2 tiếng đồng hồ kể từ lúc uống soda thì không nên uống bất kỳ loại thuốc nào khác.

  • Kê cao gối khi nằm

Một số trường hợp, nằm đầu cao hay kê gối cao khi nằm sẽ mang lại lợi ích tốt, đặc biệt là nếu bị đầy bụng, khó tiêu, trào ngược dạ dày thực quản. Một số người có thói quen không dùng gối khi nằm. Nếu không dùng gối khi nằm, cổ họng và dạ dày sẽ cùng nằm trên một đường thẳng và do đó acid từ dạ dày có thể dễ dàng trào ngược lên, dẫn đến ợ nóng. Vì vậy, người bệnh nên kê cao gối khi nằm ngủ trong trường hợp này.

  • Thay đổi thói quen ăn uống theo chế độ BRAT

Nguyên tắc của chế độ ăn uống này là ăn những thực phẩm thanh đạm và dễ tiêu hóa như chuối, cơm, sốt táo và bánh mì nướng.

Người bệnh có thể bắt đầu với một lượng nhỏ nếu không quen và uống nhiều nước. Sau đó hãy bắt đầu thay đổi khẩu bị bằng cách uống nước hầm gà hoặc ép táo để bổ sung dinh dưỡng. Một số loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa mà bạn có thể thêm vào thực đơn hàng ngày như khoai tây luộc, bột yến mạch, trà thảo dược…

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ

Chế độ ăn nhiều chất xơ giúp đường ruột tiêu hóa thức ăn tốt hơn, tránh tình trạng táo bón. Ngoài ra, chất xơ giúp đường ruột hấp thu nước nhiều hơn, giúp phân mềm và thành khuôn. Ngoài ra chất xơ hòa tan như vỏ trái cây hay củ quả: táo, yến mạch, đậu,… giúp hỗ trợ tăng lợi khuẩn đường ruột. Nguồn thực phẩm cung cấp chất xơ tuyệt vời nhất là trái cây, rau củ, bánh mì ngũ cốc và ngũ cốc nguyên hạt.

  • Bổ sung men vi sinh (lợi khuẩn)

Trong đường ruột của mỗi người có hàng tỷ lợi khuẩn giúp hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Vì lý do nào đó như ngộ độc thực phẩm, hay bị bệnh dài ngày mà lợi khuẩn bị giảm đi nhiều, khiến việc tiêu hóa trở nên khó khăn.Việc bổ sung các men vi sinh giúp quá trình tiêu hóa thức ăn xảy ra dễ dàng hơn. Một số thực phẩm chứa các men vi sinh có lợi cho đường tiêu hóa do quá trình lên men của nó như sữa chua, thức ăn lên men như kim chi. Chế độ ăn chứa các men vi sinh sẽ hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời thuyên giảm các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi khó tiêu và tiêu chảy, táo bón.

  • Dùng các sản phẩm trà thảo mộc từ tiểu hồi hương (thì là) bạc hà, gừng và hoa cúc

Bạc hà có tác dụng giảm chứng buồn nôn vì tinh dầu của nó trong lá giúp giảm đau thuần túy. Tiểu hồi hương có tác dụng kích thích tuyến mật. Mặt khác, gừng thúc đầy quá trình sản sinh của tuyến nước bọt và hoa cúc có chức năng làm thư giãn cơ bắp bị căng cứng. Vì vậy, để cải thiện triệu chứng đầy bụng khó tiêu người bệnh có thể dùng kết hợp cả bốn loại thảo dược trên để tăng hiệu quả.

  • Massage bụng

Thực hiện phương pháp này một cách nhẹ nhàng, rộng ra hai bên và theo chiều kim đồng hồ từ sườn bên phải sang trái, xuống dưới, sang phải rồi trở về điểm xuất phát cho tới khi ợ hơi. Để tăng hiệu quả của phương pháp này, người bệnh có thể dùng thêm một ít dầu nóng khi xoa lên bụng.

  • Tập yoga

Các bài tập yoga giúp tác động trực tiếp lên vùng bụng có thể giúp người bệnh cải thiện triệu chứng đầy bụng khó tiêu như sau:

  • Bài tập 1: Tư thế cánh cung: Nằm sấp người trên tấm thảm, tay và chân duỗi thẳng. Dùng hai đầu gối ở tư thế gập lại và từ từ đưa phần thân lên trên, 2 tay giữ chặt lấy mắt cá chân tạo thành tư thế hình cánh cung. Thực hiện hít vào thở sâu khoảng 5 lần rồi thả lỏng cơ thể nhẹ nhàng. Lặp lại động tác 10 lần.
  • Bài tập 2: Tư thế thả khí: Nằm ngửa trên sàn tập, co hai đầu gối qua trái rồi qua phải nhịp nhàng. Trở về tư thế ban đầu, nghỉ ngơi vài giây rồi lặp lại động tác trên thêm một vài lần nữa.

5. Lưu ý khi chữa đầy bụng khó tiêu

  • Có chế độ rèn luyện thể dục thể thao hàng ngày sẽ giúp kích thích nhu động ruột, giải phóng khi dư thừa ra ngoài và ngăn ngừa tình trạng táo bón.
  • Dùng nước ấm ngâm mình khoảng 30 phút mỗi ngày sẽ giúp người bệnh giảm đau và căng thẳng ở đường ruột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.
  • Không nên uống nước ngọt, đồ uống có gam soda, vì chúng gây tích tụ nhiều khí trong dạ dày.
  • Hạn chế việc nhai cao su, vì việc này có thể làm cho một lượng khí đưa vào dạ dày dễ dàng hơn.
  • Ăn chậm nhai kỹ, tránh ăn quá no, không nên vừa ăn vừa nói chuyện, xem tivi hay điện thoại khi ăn.
  • Hạn chế lượng muối trong khẩu phần ăn hằng ngày sẽ giúp giảm tình trạng tích trữ nước trong người, từ đó cải thiện chướng bụng đầy hơi.
  • Không nên ăn nhiều thực phẩm ngọt như bánh kẹo, hoa quả chín nẫu, các loại sữa hay các sản phẩm được chế biến từ sữa.

Giữ tinh thần thoải mái, đồng thời làm việc điều độ, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi đúng lúc, không thức khuya.

6. Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Trong một số trường hợp đầy hơi khó tiêu có thể là triệu chứng cảnh báo bệnh lý nào đó. Vì vậy, người bệnh khi gặp tình trạng đầy hơi khó tiêu kèm theo một số triệu chứng sau cần đi khám ngay như:

  • Chán ăn, thay đổi khẩu vị
  • Đi ngoài nhiều lần trong ngày
  • Phân có máu hoặc chất nhầy
  • Táo bón kéo dài
  • Nôn ói thường xuyên
  • Sụt cân đột ngột
  • Sốt cao
  • Đau bụng dữ dội
  • Phân có màu đen, không thành khuôn hoặc dễ nát…

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp một số thông tin cần thiết về cách trị đầy bụng khó tiêu. Người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý, khoa học nhằm hạn chế tình trạng đầy bụng khó tiêu. Bên cạnh đó, khi xảy ra tình trạng trên trong thời gian dài kèm theo những triệu chứng khác, cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và phát hiện kịp thời những bệnh lý đường tiêu hóa khác.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/tieu-hoa-gan-mat/thong-tin-suc-khoe/cac-cach-tri-day-bung-kho-tieu-tai-nha/