Đại tiện phân hôi, có mùi tanh, có nên đi khám?

Đại tiện phân hôi, có mùi tanh, có nên đi khám?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Huy Bình – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Đại tiện là nhu cầu rất thường xuyên của con người nhưng nó cũng là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý trong cơ thể, đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa. Nếu bạn đi ngoài phân hôi, có mùi tanh nhiều lần trong ngày kèm theo các biểu hiện như đi ngoài ra nước, có màu đen… thì chớ chủ quan mà cần điều trị càng sớm càng tốt.

1. Nguyên nhân của hiện tượng đi ngoài có mùi tanh là gì?

Đi ngoài có mùi tanh thường liên quan nhiều đến tình trạng nhiễm khuẩn hoặc rối loạn hấp thu của đường tiêu hóa hoặc là dấu hiệu của tình trạng ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do chế độ ăn uống không hợp lý khiến hệ tiêu hóa phải hoạt động bất thường. Trong đường ruột sẽ luôn tồn tại nhiều loại vi khuẩn bao gồm các vi khuẩn có lợi và các vi khuẩn có hại, nhưng khi ăn các đồ ăn không hợp vệ sinh thì các vi khuẩn có hại sẽ phát triển gây tổn thương niêm mạc ruột, dẫn đến rối loạn hấp thu. Người bệnh sẽ có các biểu hiện như: Đi đại tiện nặng mùi, phân nát không thành khuôn, đôi khi còn lẫn cả máu hoặc đi ngoài vẫn còn rau chưa được tiêu hóa hết.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc kháng sinh không đúng chỉ định cũng làm mất cân bằng hệ vi sinh vật ở đường ruột, dẫn đến đi đại tiện phân lúc lỏng, lúc táo, đi ngoài có mùi tanh hôi; kèm theo phân bị thay đổi cả về số lượng lẫn mùi, màu sắc và tính chất.

Kém hấp thu cũng là nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng phân có mùi tanh và xì hơi nặng mùi. Điều này thường xảy ra khi xuất hiện sự nhiễm trùng hay bệnh lý ngăn cản ruột hấp thụ dinh dưỡng.

Các hiện tượng ăn không tiêu, buồn nôn, đi ngoài ra nước liên tục, đau bụng âm ỉ hoặc đau từng cơn… còn là những biểu hiện cơ bản của một số bệnh lý như hội chứng ruột kích thích (đại tràng co thắt), viêm đại tràng, nhiễm trùng đường ruột. Những bệnh lý này có thể xảy ra sau khi ăn thức ăn có chứa vi khuẩn (E.coli, Salmonella), virus, ký sinh trùng. Lúc này, người có thể bị đau quặn bụng, đi phân lỏng và rất hôi. Riêng trong trường hợp đại tràng co thắt sẽ không gây tổn thương thực thể tại ruột.


Đau bụng
Đi ngoài có mùi tanh thường liên quan nhiều đến tình trạng nhiễm khuẩn hoặc rối loạn hấp thu của đường tiêu hóa

2. Cách điều trị đi ngoài có mùi tanh như thế nào?

Những trường hợp bị nhiễm khuẩn nhẹ, sau khi đi ngoài một vài lần là có thể tự cầm được và khỏi. Đi ngoài là phản ứng của cơ thể nhằm tống các vi khuẩn ra khỏi lòng ruột, giúp làm giảm nhẹ bệnh vì vậy không được dùng các thuốc cầm đại tiện trong những trường hợp này mà cần phải uống các thuốc kháng sinh đường ruột (Ciprofloxacin 500mg là lựa chọn ưu tiên, ngày uống 2 viên chia 2 lần sau ăn) và uống nước Oresol để bù nước và điện giải. Người bệnh cần uống đến khi hết khát và uống sau mỗi lần đi ngoài (cốc 200 ml /lần).

Khi bị ngộ độc thực phẩm hoặc các chất độc khác qua đường tiêu hóa, cơ thể cũng có phản ứng để tống các chất độc ra khỏi cơ thể như: Đi ngoài nhiều lần, buồn nôn, nôn. Những trường hợp ngộ độc nhẹ, sau khi nôn và đi ngoài, bệnh nhân sẽ cảm thấy đỡ hơn nhiều. Còn những trường hợp ngộ độc nặng thì bệnh nhân thường phải nhập viện cấp cứu để điều trị mà không thể tự điều trị tại nhà được.

Thạc sĩ. Bác sĩ Vũ Huy Bình đã có 09 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội soi tiêu hóa. Hiện đang là Bác sĩ Nội soi tiêu hóa Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.


Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/tieu-hoa-gan-mat/thong-tin-suc-khoe/dai-tien-phan-hoi-co-mui-tanh-co-nen-di-kham/