Dùng kháng sinh kéo dài hại đường ruột thế nào?

Dùng kháng sinh kéo dài hại đường ruột thế nào?

Thuốc kháng sinh thường được chỉ định để điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn. Tuy nhiên cũng như các loại thuốc khác, dùng kháng sinh kéo dài có thể tiềm ẩn nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ có hại. Trong đó dùng kháng sinh kéo dài hại đường ruột là một trong những tác dụng phụ thường gặp.

1. Dùng kháng sinh kéo dài hại đường ruột như thế nào?

Bình thường tỷ lệ vi khuẩn có lợi – vi khuẩn có hại ở ruột luôn duy trì ở mức độ cân bằng theo tỷ lệ 85% : 15%, đảm bảo quá trình tiêu hóa, vận chuyển các chất dinh dưỡng trong hệ tiêu hóa diễn ra trơn tru, hạn chế phát triển quá mức của các loại vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên khi đưa kháng sinh vào cơ thể, các loại kháng sinh này có thể ức chế luôn cả các vi khuẩn có lợi, làm phá vỡ thế cân bằng trong đường ruột khiến bệnh nhân dễ mắc phải tình trạng loạn khuẩn đường ruột.

Trên thực tế việc dùng kháng sinh kéo dài nhiều khả năng sẽ gây hại đường ruột, ngay cả khi ở nồng độ thấp nhất kháng sinh cũng có khả năng tiêu diệt và ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng rất nhiều bệnh nhân đã gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa sau khi uống kháng sinh như: ampicillin, clindamycin, cephalosporin erythromycin… điều này được giải thích là do nồng độ kháng sinh sau khi sử dụng sẽ tồn tại trong ruột khá lâu vô tình tiêu diệt vi khuẩn có lợi, đẩy mạnh sự phát triển của các chủng vi khuẩn gây bệnh hoặc tăng khả năng xâm nhập các loại vi khuẩn mới, khiến người bệnh đi ngoài liên tục hoặc viêm ruột do kháng sinh. Nếu dùng không đúng hướng, việc lạm dụng kháng sinh sẽ tiêu diệt tất cả khuẩn có lợi có trong đường ruột làm cho sức đề kháng của cơ thể bị yếu đi.

2. Triệu chứng rối loạn tiêu hóa do dùng kháng sinh kéo dài

Phần lớn trường hợp dùng kháng sinh kéo dài hại đường ruột đều có triệu chứng khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh đường tiêu hóa khác. Bệnh nhân thường đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng hoặc đổi màu. Hiếm ca bệnh nhân nào phát sốt hay ớn lạnh. Các biểu hiện bệnh có thể sẽ biến mất ngay khi người bệnh ngừng sử dụng thuốc hoặc sau đó khoảng 2 ngày. Phân biệt triệu chứng rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn với rối loạn tiêu hóa do kháng sinh dựa trên đặc điểm sau:

  • Rối loạn tiêu hóa bởi kháng sinh chỉ gặp ở người đang trong quá trình điều trị với phác đồ dùng kháng sinh kéo dài, bệnh nhân thường đi ngoài, không sốt, dấu hiệu sẽ kết thuốc nhanh nếu dừng uống thuốc;
  • Rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn, sốt cao, đau bụng, tiêu chảy sẽ nghiêm trọng hơn mỗi ngày.

Một số trẻ nhỏ sau khi trẻ dùng kháng sinh dài còn có thể biểu hiện như phân có máu, đau quặn bụng, nôn ói… Đặc biệt trẻ suy dinh dưỡng, trẻ có hệ miễn dịch yếu càng dễ gặp phải tình trạng tác dụng phụ của kháng sinh ở hệ tiêu hóa.

3. Xử trí rối loạn tiêu hóa sau khi dùng kháng sinh

  • Khi có các triệu chứng kể trên xuất hiện, tốt nhất bệnh nhân cần đến thăm khám tại các địa chỉ uy tín để được chẩn đoán tình trạng bệnh chuẩn nhất.
  • Nếu được xác định nguyên nhân là do dùng kháng sinh kéo dài, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân ngưng dùng loại kháng sinh dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Trường hợp bệnh nhẹ, các triệu chứng bất thường sẽ tự khỏi sau khi ngưng dùng thuốc kháng sinh.
  • Bác sĩ có thể tư vấn bệnh nhân đổi loại kháng sinh thích hợp, lựa chọn hoạt chất không gây rối loạn tiêu hóa mà vẫn đảm bảo hiệu quả chữa bệnh.
  • Đối với trường hợp uống kháng sinh hại dạ dày và đường ruột mức độ nặng, bác sĩ sẽ kê thêm cho bệnh nhân những chế phẩm vi sinh có lợi nhằm cân bằng đường ruột.

Trong quá trình điều trị, người bệnh cần xây dựng cho mình 1 chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường ăn uống các loại hoa quả tươi, nước ép, rau củ…, hạn chế ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ, cay chua, tránh kích thích đường ruột. Nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa. Uống nhiều nước cũng là 1 khuyến cáo quan trọng: người lớn có thể bù nước với dung dịch Oresol, trẻ nhỏ có thể tăng cường uống sữa, bú sữa mẹ. Xây dựng chế độ nghỉ ngơi hợp lý kết hợp rèn luyện thể dục thể thao vừa sức.

4. Phòng tránh tác hại trên đường ruột khi dùng kháng sinh kéo dài

Để hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hóa khi uống kháng sinh, một số lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế được tác dụng không mong muốn này:

  • Tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý tăng giảm liều lượng thuốc, không tự ý kết hợp với các loại thuốc khác, không bỏ dở phác đồ giữa chừng hoặc tự ý kéo dài thêm thời gian sử dụng thuốc kháng sinh;
  • Sử dụng thêm các loại men vi sinh hoặc các chế phẩm men vi sinh khác để giữ cho đường ruột luôn cân bằng;
  • Duy trì chế độ ăn lành mạnh với nhiều loại thực phẩm bổ sung lợi khuẩn như: sữa chua, ngũ cốc nguyên cám, rau chân vịt, súp lơ…;
  • Tham vấn ý kiến của thầy thuốc ngay khi uống kháng sinh lại xuất hiện những triệu chứng như: đau bụng, mệt mỏi, buồn nôn, đi ngoài…;

5. Cần tránh khi sử dụng kháng sinh kéo dài

  • Không tự ý dùng kháng sinh: Ở nhiều nước trên thế giới, bệnh nhân chỉ có thể mua kháng sinh ở nhà thuốc theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên ở Việt Nam tình trạng tự ý mua và sử dụng kháng sinh vẫn còn phổ biến. Nhiều kháng sinh rất mới, chỉ được dùng hạn chế trong bệnh viện nhưng lại bị dùng bừa bãi bên ngoài cộng đồng dẫn đến dùng không đúng cách, nguy cơ gặp tác dụng phụ và hình thành vi khuẩn kháng thuốc;
  • Ngưng dùng kháng sinh nửa chừng hoặc dùng kéo dài: một số kháng sinh dùng đủ liều phải mất 7-10 ngày, thậm chí kéo dài hơn tùy theo bệnh và tiến triển bệnh. Bệnh nhân cần phải dùng đúng liều, đủ thời gian, không tự ý ngưng thuốc khi thấy bệnh thuyên giảm, khiến bệnh dễ tái phát dẫn đến người bệnh đáp ứng với điều trị kém hơn, bệnh nặng hơn và gây ra nhiều biến chứng hơn.
  • Không dùng kháng sinh đã hết hạn sử dụng: Rất nhiều loại kháng sinh có độc tính rất cao khi quá hạn dùng (ví dụ Tetracyclin gây độc cho thận).
  • Tự kê đơn hoặc uống thuốc theo đơn của người khác: Hiện nay nhiều người vẫn có thói quen uống thuốc theo kinh nghiệm của người khác khi thấy bệnh tương tự nhau, tuy nhiên cần lưu ý tình trạng uống kháng sinh không đúng có thể gây biến chứng, làm nặng thêm bệnh và làm vi khuẩn gây bệnh sinh sôi nảy nở;
  • Kháng sinh có khả năng chống lại các nhiễm trùng do vi khuẩn và không điều trị các bệnh do virus hoặc nấm.
  • Thông thường thuốc kháng sinh uống sau bữa ăn, nhưng trong một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định uống trước hoặc trong bữa ăn. Nên tránh các loại thực phẩm cay và rượu khi đang sử dụng kháng sinh.

Nhin chung, với sự đa dạng của kháng sinh hiện nay, việc sử dụng phải hết sức thận trọng, không tự ý sử dụng kháng sinh, phải thăm khám lâm sàng và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/tieu-hoa-gan-mat/thong-tin-suc-khoe/dung-khang-sinh-keo-dai-hai-duong-ruot-nao/