Hội chứng kém hấp thu dinh dưỡng ở người lớn

Hội chứng kém hấp thu dinh dưỡng ở người lớn

Hội chứng xảy ra khiến cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm, gây thiếu cân, suy dinh dưỡng… Vậy khi tình trạng này xảy ra, bệnh nhân cần làm gì để cải thiện?

1. Hội chứng kém hấp thu ở người lớn là gì?

Hội chứng kém hấp thu ở người lớn là tình trạng hệ tiêu hóa của người trưởng thành không hấp thu được các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất dù chế độ ăn vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất. Hội chứng kém hấp thu chất dinh dưỡng có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, trong đó phổ biến ở người trưởng thành đồng mắc các bệnh về đường tiêu hóa, người cao tuổi, người đang mắc các bệnh mạn tính

Tình trạng kém hấp thu kéo dài sẽ khiến cơ thể thiếu hụt nghiêm trọng các chất dinh dưỡng sinh năng lượng (carbohydrate, protein, lipid), các loại vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển và điều hòa hoạt động sống trong cơ thể. Nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời, chứng kém hấp thu chất dinh dưỡng ở người lớn sẽ dẫn đến suy nhược cơ thể, suy giảm miễn dịch và các bệnh lý khác.

Hấp thu là giai đoạn trung gian giữa quá trình tiêu hóa với chuyển hóa. Các thực phẩm sau khi ăn vào sẽ được tiêu hóa bởi các men (enzym) ngoại tiết của dạ dày và ống tiêu hóa, sau đó hình thành chất dinh dưỡng ở dạng có thể hấp thu được qua thành ruột để vào máu, hệ bạch mạch và chuyển hóa thành sản phẩm cần thiết cho sự sống. Quá trình hấp thu thức ăn cần sự tham gia của nhiều bộ phận trong ống tiêu hóa (dạ dày, ruột non, ruột già…) và ngoài ống tiêu hóa (gan, mật, tụy…). Khi hội chứng kém hấp thu xảy ra, các chất dinh dưỡng không được hấp thu thật sự và tối đa trong suốt quá trình tiêu hóa, về lâu dài sẽ khiến chất lượng cuộc sống bị suy mòn, bệnh tật có dịp khởi phát như: tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, thậm chí là ung thư…

2. Nguyên nhân gây hội chứng kém hấp thu

Hội chứng kém hấp thu là tình trạng cơ thể gặp thất bại trong quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất từ thực phẩm. Các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này gồm:

2.1. Hội chứng kém hấp thu ở người lớn có nguyên nhân từ niêm mạc

  • Chế độ ăn hàng ngày không cân bằng, ăn quá nhiều thực phẩm chứa các chất bột đường, đạm, béo, ăn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất hoặc ngược lại. Những người thực hiện chế độ ăn uống kiêng khem quá mức cũng dễ mắc phải hội chứng kém hấp thu.
  • Bệnh Celiac: xảy ra do cơ thể dị ứng với chất gluten trong chế độ ăn uống dẫn đến teo các vi nhung mao, làm giảm đáng kể diện tích bề mặt cho việc hấp thu. Thực hiện chế độ ăn uống nghiêm ngặt, hoàn toàn không có gluten sẽ làm thay đổi hoàn toàn quá trình này. Hiện nay có 25% trường hợp bệnh Celiac được chẩn đoán sớm trước khi xuất hiện triệu chứng kém hấp thu.
  • Kém hấp thu và không dung nạp đường Fructose.

2.2. Tình trạng nhiễm trùng dẫn đến hội chứng kém hấp thu

  • Bệnh nhiễm khuẩn Giardia;
  • Bệnh Whipple;
  • Lao ruột;
  • Bệnh Sprue nhiệt đới;
  • Tiêu chảy du lịch;
  • Nhiễm ký sinh trùng Diphyllobothriasis (sán dây) gây kém hấp thu vitamin B12;
  • Nhiễm ký sinh trùng Ancylostomiasis (giun móc);
  • Nhiễm ký sinh trùng Strongyloidiasis (giun lươn);
  • Với các bệnh nhân mắc bệnh viêm ruột và chứng kém hấp thu, cần xem xét đến khả năng bệnh nhân bị suy giảm hệ thống miễn dịch, kể cả bệnh lý về ruột do nhiễm HIV;
  • Giãn mạch bạch huyết đường ruột, ung thư hạch bạch huyết, lao và bệnh tim.

2.3. Hội chứng kém hấp thu do nguyên nhân từ lòng ống tiêu hóa

  • Bệnh thiểu năng tuyến tụy;
  • Bệnh xơ nang;
  • Viêm tụy mãn tính;
  • Ung thư tụy;
  • Hội chứng Zollinger-Ellison;
  • Giảm bài tiết dịch mật, vàng da tắc mật, bệnh của hồi tràng cuối.
  • Nguyên nhân kém hấp thu do sử dụng thuốc;
  • Do bất thường trong cấu trúc ống tiêu hóa;
  • Phẫu thuật cắt dạ dày;
  • Phẫu thuật cắt dây thần kinh phế vị;
  • Phẫu thuật nối vị tràng;
  • Răng sinh vi khuẩn ruột non thường kèm theo hội chứng kém hấp thu.
  • Rò ruột;
  • Bệnh lý ở túi thừa và tắc nghẽn túi thừa;
  • Bệnh Crohn’s;
  • Hội chứng ruột ngắn;
  • Viêm thực quản tăng eosin;
  • Thiếu máu mạc treo ruột;
  • Viêm ruột do tia xạ.

2.4. Nguyên nhân gây hội chứng kích thích ngoài đường tiêu hóa

  • Cường giáp;
  • Nhược giáp (suy giáp);
  • Addison;
  • Tiểu đường;
  • Cường cận giáp;
  • Suy cận giáp;
  • Hội chứng Carcinoid;
  • Suy dinh dưỡng;
  • Bệnh collagen;
  • Rối loạn ăn uống;
  • Tiêu chảy do lạm dụng các loại thuốc xổ.

3. Đặc điểm lâm sàng của hội chứng kém hấp thu ở người lớn

Khi mắc hội chứng kém hấp thu dù do bất cứ nguyên nhân nào đều có thể đi kèm với các vấn đề sau đây:

  • Thay đổi cân nặng: hấp thu năng lượng không đầy đủ dẫn đến giảm cân ở người lớn, giảm cân dù không có chủ ý gây mệt mỏi, bơ phờ và chán chường;
  • Tiêu chảy kéo dài: Tiêu chảy kéo dài là ít nhất 3 lần mỗi ngày, kéo dài trong hơn 4 tuần, phân lỏng và/hoặc lượng phân nhiều hơn 200g/ngày;
  • Chứng tiêu phân mỡ: dư mỡ trong phân khiến phân có màu nhợt, lợn cợn và mùi tanh, nổi lềnh bềnh trên mặt nước, rất khó xả sạch, sau khi xả vẫn còn lại một đường váng mỡ quanh bồn cầu.
  • Thiếu sắt không thiếu máu;
  • Thiếu máu do thiếu sắt;
  • Thiếu Folate hoặc thiếu vitamin B12.;
  • Chảy máu do thiếu vitamin K;
  • Phù do suy dinh dưỡng;
  • Suy giảm trạng thái tâm thần gây trầm cảm, giảm tập trung;
  • Yếu cơ, tình trạng chuột rút;
  • Da khô, dễ xuất hiện vết bầm tím do xuất huyết, tóc khô dễ gãy rụng;
  • Suy giảm thị lực, đặc biệt là vào ban đêm.

4. Cách khắc phục hội chứng kém hấp thu ở người lớn

  • Để khắc phục tình trạng kém hấp thu chất dinh dưỡng, bệnh nhân nên xây dựng cho bản thân mình chế độ ăn theo nguyên tắc đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất; ăn nhiều carbohydrate phức như gạo, bột yến mạch, bột, mì ống; ăn nhiều trái cây, đặc biệt là đu đủ tươi và dứa; uống 1,5 – 2 lít nước/ngày với nước lọc hoặc nước trái cây mỗi ngày;
  • Bổ sung thêm nhiều chất lỏng ở giữa các bữa ăn sẽ giúp bệnh nhân hạn chế được lượng thức ăn tồn đọng lại bên trong dạ dày;
  • Hạn chế tối đa thực phẩm chứa nhiều chất béo như bơ, bơ thực vật, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ…;
  • Không sử dụng caffein, thức ăn nhanh;
  • Chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa ăn trong ngày;
  • Có thể thấy, để phòng ngừa và khắc phục hội chứng kém hấp thu, người bệnh nên tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý.
  • Điều trị dứt điểm các bệnh lý về đường tiêu hóa, bệnh lý tuyến giáp…;
  • Vận động và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên giúp hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng;

Để cải thiện hiệu quả tình trạng kém hấp thu, các chuyên gia cần xác định chính xác nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng này là gì thông qua việc thăm khám trực tiếp, kết hợp với các kiểm tra cận lâm sàng để đưa ra phác đồ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với các thuốc hoặc thực phẩm bổ sung.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/tieu-hoa-gan-mat/thong-tin-suc-khoe/hoi-chung-kem-hap-thu-dinh-duong-o-nguoi-lon/