Sau tắc ruột nên ăn gì? Cách phòng tránh để không tái phát

Sau tắc ruột nên ăn gì? Cách phòng tránh để không tái phát

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đơn nguyên Nội Tiêu hóa – Nội soi, Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Tắc ruột là một trong những cấp cứu nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Thậm chí tắc ruột rất dễ tái phát nếu người bệnh không chú ý phòng bệnh. Vì vậy, sau điều trị tắc ruột, người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý, kiêng khem đầy đủ.

1. Sau tắc ruột nên ăn gì?

Sau tắc ruột, hệ tiêu hóa của người bệnh còn rất nhạy cảm và yếu ớt, người bệnh chỉ nên ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa, đồ ăn lỏng như: cháo loãng, súp, phở, mì…

  • Nên ăn thức ăn đã được hầm nhừ và phải nhai thật kỹ
  • Uống nhiều nước lọc và nước trái cây bỏ bã
  • Ăn nhiều sữa chua sẽ giúp ích cho quá trình tiêu hóa thức ăn
  • Nên ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, không nên ăn quá no
  • Ăn nhiều rau củ quả có lợi cho đường ruột như: khoai lang, bí đao, khoai tây, cà rốt, củ cải, cải bó xôi, nấm…
  • Ăn nhiều các loại hoa quả có lợi cho đường ruột như: đu đủ chín, chuối chín, dưa hấu…
  • Ăn các loại thịt động vật không chứa chất xơ như: thịt cừu, thịt lợn, thịt bò, cá…
  • Uống các loại sữa không chứa lactose…

rau xanh
Sau tắc ruột, người bệnh nên được ăn nhiều rau củ quả có lợi cho đường ruột

2. Sau tắc ruột cần kiêng ăn gì?

  • Khối bã thức ăn thường hình thành khi chúng ta ăn nhiều thực phẩm có chứa chất tanin như: Xoài xanh, ổi, hồng ngâm, các thức ăn có chứa nhiều bã xơ như măng… Do đó, để phòng tránh tắc ruột cần hạn chế ăn các loại thực phẩm này.
  • Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất xơ như: Các loại rau củ quả già, ngũ cốc, các loại đậu đỗ, các loại hạt.
  • Hạn chế thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên rán, đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn… có thể gây khó tiêu, khiến hệ tiêu hóa phải làm việc với cường độ cao để tiêu hóa hết thức ăn
  • Hạn chế các loại thức ăn quá dai và cứng như: lòng, gân, sụn… sẽ tạo thành nhân cho các thực phẩm khác vón cục, kết dinh
  • Không nên ăn trái cây, thực phẩm có nhiều nhựa, có chất chát, nhất là lúc đói hay ăn chung với đồ ăn chứa nhiều đạm
  • Hạn chế các loại rau củ, hoa quả sấy khô
  • Hạn chế các loại thịt đỏ
  • Không uống rượu bia, nước có ga, hay sử dụng các chất kích thích khác.

rượu bia
Không uống rượu bia, nước có ga, hay sử dụng các chất kích thích khác

3. Cách phòng tránh tắc ruột do bã thức ăn

  • Hoa quả có nhiều chất xơ, có nhựa, tránh ăn hoa quả có nhiều pectin lúc bụng đói lúc này dạ dày rỗng, nồng độ HCl cao, các chất có trong các loại thực phẩm này dễ kết tủa, vô tình tạo thành chất kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã thức ăn.
  • Nhai kỹ, ăn chậm để dễ dàng tiêu hóa thức ăn
  • Ăn thức ăn nấu chín kỹ
  • Uống nhiều nước, tối thiểu 2 lít nước/ngày
  • Tập thể dục đều đặn, vận động thường xuyên để kích thích ruột co bóp và lưu thông
  • Nếu ăn rau thì nên ăn các loại rau có độ nhớt dễ hòa tan với nước, chống táo bón như: đậu bắp, mồng tơi, rau đay…

Đối với trẻ em khi bị đau bụng,phụ huynh cần phải theo dõi sát các dấu hiệu của trẻ như: đau bụng kèm theo nôn, bí trung đại tiện. Khi đó, phụ huynh không nên tự ý mua thuốc uống mà phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để làm các xét nghiệm giúp xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, tránh những hậu quả đáng tiếc do tự ý điều trị hoặc chậm trễ đến bệnh viện.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/tieu-hoa-gan-mat/thong-tin-suc-khoe/sau-tac-ruot-nen-gi-cach-phong-tranh-de-khong-tai-phat/