Uống thuốc nhuận tràng bao lâu thì dừng?

Uống thuốc nhuận tràng bao lâu thì dừng?

Thuốc nhuận tràng được sử dụng để điều trị táo bón bằng nhiều cơ chế khác nhau. Một số bệnh nhân lạm dụng thuốc nhuận tràng vì nhiều mục đích khác nhau, điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Vậy uống thuốc nhuận tràng bao lâu thì dừng.

1. Các loại thuốc nhuận tràng

Thuốc nhuận tràng có thể chia làm 5 nhóm chính bao gồm:

1.1 Thuốc nhuận tràng tạo khối:

Đây là loại thuốc nhuận tràng do làm tăng khối lượng phân, gồm các thuốc làm tăng chất nhầy trong phân như normacol, transilane…, các loại chất xơ thực vật như celluson,…

Loại thuốc này ít độc, ít gây kích thích và có thể dùng được nhiều ngày hơn các loại thuốc nhuận tràng khác. Khi hút nước, các chất này sẽ tạo thành 1 khối gel giúp làm mềm phân và kích thích nhu động ruột. Thuốc khởi phát tác dụng chậm (sau khoảng 1 – 3 ngày) nên chủ yếu dùng để phòng ngừa. Nhóm thuốc này sử dụng hiệu quả trong trường hợp phân cứng và nhỏ. Thuốc cũng được sử dụng trên cả bệnh nhân viêm ruột, hội chứng ruột kích thích và ở trẻ sơ sinh.

Một số tác dụng phụ của nhóm thuốc này bao gồm đầy hơi, khó tiêu, co thắt dạ dày và tiêu chảy. Lưu ý bệnh nhân phải uống thuốc với nhiều nước để tránh bị táo bón ngược và tắc nghẽn ruột, không nên uống trước khi đi ngủ.

1.2 Thuốc nhuận tràng làm mềm phân:

Loại thuốc này là muối của docusat Docusat là chất diện hoạt loại anion, có khả năng làm giảm sức căng bề mặt của khối phân nên nước dễ thấm vào khối phân. Thuốc có tác dụng làm tăng bài tiết dịch, chất điện giải vào ruột non và ruột già. Thuốc ít hiệu quả hơn các nhóm thuốc khác nên ngày nay ít sử dụng hơn.

1.3 Nhuận tràng làm trơn:

Gồm các loại dầu khoáng như dầu paraffine, vaseline,…Chúng không hấp thu tại ruột, gây nhuận tràng cơ học sau 8-72 giờ do bôi trơn khối phân đại tràng và làm mềm phân. Thuốc chủ yếu tác dụng tại ruột già và giúp cho khối phân dễ di chuyển. Thuốc không bị chuyển hóa và rất hiệu quả ở bệnh nhân bị nứt hậu môn.

Ngoài ra, thuốc cũng làm giảm hấp thu các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K… Lưu ý: không uống thuốc lúc đi ngủ hoặc ở tư thế nằm do thuốc có thể bị hít vào phổi và gây viêm phổi. Bệnh nhân cũng không nên uống thuốc vào lúc đói.

1.4 Thuốc nhuận tràng kích thích:

Nhóm thuốc này có tác dụng nhuận tràng do làm tăng kích thích nhu động ruột và tăng bài xuất dịch tại đại tràng, bao gồm bisacodyl, anthraquinon… Nhóm thuốc này chỉ nên dùng ngắn ngày và không dùng cho người táo bón lâu ngày, trẻ em.

Các loại thuốc này có tác dụng kích thích đầu mút thần kinh của niêm mạc kết tràng và làm tăng nhu động ruột. Thuốc được sử dụng để điều trị táo bón và làm sạch ruột chuẩn bị cho quá trình phẫu thuật. Nhóm thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau bụng, rối loạn nước và điện giải hoặc mất trương lực ruột nếu sử dụng lâu dài.

1.5 Thuốc nhuận tràng thẩm thấu:

Đây là nhóm thuốc nhuận tràng được sử dụng phổ biến nhất. Có thể chia thành 3 nhóm nhỏ gồm muối nhuận tràng (muối Mg2+, Na+,..), các polyalcohol không hấp thu (lactulose, sorbitol, glycerin) và polyethylen glycol (PEG 3350).

Thuốc là các dung dịch ưu trương nên có tác dụng kéo nước vào lòng ruột nhờ tác dụng thẩm thấu dẫn, từ đó làm tăng nhu động ruột. Thuốc có 2 dạng bào chế, gồm bơm trực tràng/hậu môn khởi phát tác dụng nhanh sau khoảng 15 – 30 phút và đường uống tác dụng chậm hơn (1 – 4 giờ). Hai loại thuốc thường được dùng là lactoluse và macrogol.

2. Uống thuốc nhuận tràng bao lâu thì dừng?

Uống thuốc nhuận tràng bao lâu thì có tác dụng và bao lâu thì nên dừng là câu hỏi được nhiều bệnh nhân quan tâm. Một số người, nhất là phụ nữ thường lạm dụng thuốc nhuận tràng để thải nước, giúp giảm cân. Đây là một quan niệm sai lầm và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.

Uống thuốc nhuận tràng lâu ngày có thể khiến ruột trở nên “lười biếng”, nhu động ruột kém dần và dẫn đến táo bón nặng hơn. Bệnh táo bón sẽ trở thành mạn tính và trầm trọng thêm khi tuổi càng cao. Hơn nữa, người bệnh cũng sẽ bị lệ thuộc thuốc.

Nếu táo bón chỉ xảy ra ở phần thấp do khối phân đóng cứng ở hậu môn, gây trở ngại việc đi ngoài thì chỉ cần bơm glycerine để làm trơn hậu môn, bệnh nhân có thể dễ dàng đi tiêu sau khoảng 10 – 15 phút. Còn nếu bệnh nhân lạm dụng thuốc nhuận tràng thì có thể làm ruột viêm nặng và dẫn đến nhiều rối loạn đường tiêu hóa khác.

Thuốc nhuận tràng chỉ có tác dụng tạm thời lên tình trạng vận chuyển phân trong ruột. Nếu bệnh nhân táo bón do một bệnh lý ở đường tiêu hóa thì nên đến bệnh viện thăm khám để điều trị dứt điểm nguyên nhân. Hiện có khá nhiều nhóm thuốc nhuận tràng với chỉ định, cách dùng, liều lượng và thời gian dùng khác nhau, cần có hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.

Để hạn chế tình trạng táo bón, bệnh nhân nên tích cực thay đổi chế độ sinh hoạt, tăng cường luyện tập thể dục và nên tập đi vệ sinh đúng giờ. Bên cạnh đó cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ và đặc biệt là uống nhiều nước.

Tóm lại, thuốc nhuận tràng chỉ có tác dụng ngắn hạn và chỉ nên dùng trong vài ngày. Nếu bệnh nhân dùng quá lâu, chúng có thể gây ảnh hưởng không tốt lên chức năng ruột và làm tình trạng táo bón trở nên tồi tệ hơn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/tieu-hoa-gan-mat/thong-tin-suc-khoe/uong-thuoc-nhuan-trang-bao-lau-thi-dung/