Công dụng thuốc Cefobamid

Công dụng thuốc Cefobamid

Thuốc Cefobamid được bào chế dưới dạng thuốc bột pha tiêm, có thành phần chính là Cefoperazon. Thuốc được sử dụng trong điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm với hoạt chất chính trong thuốc.

1. Thuốc Cefobamid có tác dụng gì?

1 lọ thuốc bột Cefobamid có chứa 1g Cefoperazon (dưới dạng Cefoperazon natri). Cefoperazon là 1 kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 3, có tác dụng diệt khuẩn nhờ khả năng gắn với màng thành tế bào vi khuẩn. Cefoperazon có thể gắn với 1 hoặc nhiều protein gắn penicillin, do đó ức chế sự tổng hợp thành tế bào của các tế bào vi khuẩn đang phát triển và phân chia. Từ đó, nó gây chết tế bào.

Cefoperazon có tác dụng đối với nhiều chủng vi khuẩn ưa khí gram âm, ưa khí gram dương, một số vi khuẩn kỵ khí,… Cefoperazon rất bền vững trước các beta – lactamase được tạo thành bởi hầu hết các chủng vi khuẩn gram âm nhưng lại dễ bị thủy phân bởi một số beta – lactamase.

Chỉ định sử dụng thuốc Cefobamid: Điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn nặng gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm và các vi khuẩn đã kháng với các thuốc kháng sinh beta – lactam khác như:

Chống chỉ định sử dụng thuốc Cefobamid:

  • Bệnh nhân dị ứng hoặc mẫn cảm với thành phần hoạt chất của thuốc;
  • Người bị dị ứng với bất kỳ cephalosporin nào;
  • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng nặng với bất kỳ thuốc beta lactam nào.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Cefobamid

2.1 Cách dùng

Thuốc Cefobamid được sử dụng để tiêm bắp sâu, tiêm truyền gián đoạn (khoảng 15 – 30 phút) hoặc tiêm truyền liên tục. Có thể thực hiện tiêm tĩnh mạch trực tiếp chậm trong 3 – 5 phút nhưng không nên tiêm tĩnh mạch trực tiếp nhanh.

Khi hòa tan Cefoperazon ở nồng độ vượt quá 333mg/ml thì cần lắc mạnh và lâu, độ tan tối đa xấp xỉ là 475mg/ml.

Cách pha thuốc:

  • Tiêm bắp sâu ở những khối cơ lớn như vùng đùi trước hoặc cơ mông to. Nên pha 1g thuốc với 3ml nước cất. Có thể thực hiện pha trước với 3ml nước cất, lắc đều cho bột tan hết rồi thêm 1ml dung dịch lidocain 2%, lắc đều là được;
  • Truyền tĩnh mạch gián đoạn: Pha 1g thuốc vào 5ml của một trong các loại dịch truyền sau: Dextrose 5% hoặc 10%, Natri clorid 0,9%, Normosol R, Dextrose 5% và Natri clorid 0,9%, nước cất, Dextrose 5% và Natri clorid 0,2%. Sau đó, pha loãng vào 20 – 100ml của một trong các loại dịch truyền sau: Dextrose 5%, Dextrose 5% và Ringer lactat, Dextrose 10%, Ringer lactat, Natri clorid 0,9%, Dextrose 5% và Natri clorid 0,2%, Dextrose 5% và Natri clorid 0,9%, Normosol R 5%. Nếu sử dụng nước cất thì không dùng quá 20ml. Khi truyền liên tục, nên pha loãng 1g thuốc trong 5ml nước cất rồi thêm vào dịch truyền phù hợp.

*Lưu ý: Sau khi pha thành dung dịch, thuốc Cefobamid không cần phải tránh ánh sáng. Các dung dịch đã pha vẫn sẽ giữ được tác dụng sau 24 giờ ở điều kiện nhiệt độ dưới 25°C; được 5 ngày nếu bảo quản ở tủ lạnh với nhiệt độ dưới 5°C; trong 3 tuần nếu để đóng băng. Sau khi để đóng băng, dung dịch thuốc tan băng có thể ổn định trong 48 giờ ở điều kiện nhiệt độ phòng hoặc 10 ngày nếu để trong tủ lạnh.

2.2 Liều dùng thuốc Cefobamid

Liều dùng thuốc Cefobamid tham khảo như sau:

  • Người trưởng thành: Đối với các nhiễm khuẩn nhẹ và trung bình, liều thường dùng là 1 – 2g, mỗi 12 giờ/lần. Trong trường hợp bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng, có thể tăng liều tới 12g/ngày, chia làm 2 – 4 lần dùng thuốc;
  • Bệnh nhân suy thận: Có thể sử dụng thuốc Cefobamid với liều thường dùng mà không cần phải điều chỉnh liều lượng. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu tích lũy thuốc thì nên giảm liều cho phù hợp;
  • Người bệnh suy gan: Liều dùng cho bệnh nhân suy gan hoặc tắc mật là không quá 4g/24 giờ hoặc liều dùng cho người bệnh suy gan kết hợp suy thận là 1 – 2g/24 giờ. Nếu dùng liều cao hơn thì cần theo dõi nồng độ của Cefoperazon trong huyết tương;
  • Liệu trình sử dụng Cefoperazon trong điều trị các nhiễm khuẩn do Streptococcus tan huyết beta nhóm A cần tiếp tục ít nhất 10 ngày nhằm ngăn chặn nguy cơ thấp khớp hoặc viêm cầu thận;
  • Bệnh nhân thẩm phân máu: Cần có phác đồ sử dụng thuốc Cefobamid phù hợp sau thẩm phân;
  • Trẻ em: Dù độ an toàn của Cefoperazon ở trẻ em chưa được xác định nhưng thuốc này đã được sử dụng để tiêm tĩnh mạch cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với liều 25 – 100mg/kg thể trọng, cứ 12 giờ/lần. Do tính chất độc của benzyl alcol đối với trẻ sơ sinh, không được tiêm bắp cho trẻ sơ sinh bằng thuốc pha với dung dịch chứa benzyl alcol (chất kìm khuẩn).

Quá liều: Khi sử dụng thuốc Cefobamid quá liều, người bệnh có thể có các biểu hiện như tăng kích thích thần kinh cơ, co giật (đặc biệt ở bệnh nhân suy thận). Việc xử lý quá liều cần cân nhắc tới khả năng quá liều của nhiều loại thuốc, tương tác thuốc và dược động học bất thường ở bệnh nhân.

Xử trí quá liều thường gồm bảo vệ đường hô hấp của người bệnh, hỗ trợ thông khí và truyền dịch. Nếu bệnh nhân bị co giật, nên ngưng sử dụng thuốc, có thể dùng các biện pháp chống co giật nếu có chỉ định lâm sàng. Việc thẩm phân máu có thể giúp loại bỏ thuốc ra khỏi máu. Ngoài ra, phần lớn các biện pháp xử trí quá liều là điều trị hỗ trợ hoặc điều trị triệu chứng.

3. Tác dụng phụ của thuốc Cefobamid

Khi sử dụng thuốc Cefobamid, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Tiêu chảy, ban da dạng sần, thử nghiệm Coombs dương tính, tăng bạch cầu ưa eosin tạm thời;
  • Ít gặp: Giảm bạch cầu trung tính có hồi phục, giảm tiểu cầu, thiếu máu tan huyết, sốt, ngứa da, mày đay, đau tạm thời tại vị trí tiêm bắp, viêm tĩnh mạch tại vị trí tiêm truyền;
  • Hiếm gặp: Co giật (nếu dùng thuốc với liều cao và bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận), tình trạng bồn chồn, đau đầu, buồn nôn, ói mửa, giảm prothrombin huyết, ban đỏ đa dạng, viêm đại tràng màng giả, vàng da ứ mật, hội chứng Steven – Johnson, tăng nhẹ ALT và AST, nhiễm độc thận có tăng tạm thời creatinin/ure huyết, đau khớp, viêm thận kẽ, bệnh huyết thanh, nấm Candida, sốc phản vệ, các phản ứng quá mẫn,…

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Cefobamid, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ. Trong trường hợp dị ứng hoặc có phản ứng quá mẫn nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được điều trị hỗ trợ (duy trì thông khí, sử dụng oxygen, epinephrine, tiêm tĩnh mạch corticosteroid).

Với trường hợp bị viêm đại tràng màng giả thể nhẹ, thông thường chỉ cần ngừng dùng thuốc là được. Với trường hợp bị viêm đại tràng màng giả thể trung bình và nặng, nên xem xét cho người bệnh sử dụng các dịch và chất điện giải, bổ sung protein, điều trị với thuốc uống metronidazol. Nếu bệnh nhân bị co giật, nên ngừng dùng thuốc Cefobamid, có thể sử dụng thuốc chống co giật (nếu có chỉ định lâm sàng).

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Cefobamid:

  • Trước khi bắt đầu điều trị bằng Cefoperazon, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về tiền sử dị ứng với cephalosporin, penicillin hoặc các loại thuốc khác;
  • Đã có trường hợp xảy ra phản ứng chéo quá mẫn (gồm sốc phản vệ) xảy ra ở những bệnh nhân bị dị ứng với các kháng sinh nhóm beta – lactam. Do vậy, nên sử dụng Cefoperazon thận trọng, theo dõi triệu chứng sốc phản vệ trong lần dùng thuốc đầu tiên và sẵn sàng mọi phương tiện để điều trị sốc phản vệ nếu trước đây người bệnh đã từng bị dị ứng với penicillin. Tuy nhiên, với Cefoperazon thì phản ứng quá mẫn chéo với penicillin có tỷ lệ khá thấp;
  • Sử dụng thuốc Cefoperazon dài ngày có thể làm phát triển quá mức các chủng vi khuẩn không nhạy cảm. Do đó, cần theo dõi sức khỏe bệnh nhân cẩn thận. Nếu người bệnh bị bội nhiễm thì nên ngừng dùng thuốc Cefobamid;
  • Đã có trường hợp bị viêm đại tràng màng giả khi sử dụng các loại kháng sinh phổ rộng. Vì vậy, người bệnh đang dùng thuốc Cefobamid cần chú ý tới nguy cơ mắc bệnh này và nên điều trị với metronidazol cho bệnh nhân bị tiêu chảy nặng liên quan tới sử dụng kháng sinh. Cần thận trọng khi kê đơn kháng sinh phổ rộng cho bệnh nhân có bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm đại tràng;
  • Thuốc Cefoperazon có chứa chuỗi N-methylthio tetrazol – cấu trúc liên quan tới giảm prothrombin huyết. Tình trạng giảm prothrombin huyết đã xuất hiện ở người bệnh sử dụng Cefoperazon nhưng hiếm khi gây chảy máu. Nên theo dõi thời gian prothrombin ở bệnh nhân có nguy cơ giảm prothrombin huyết, sử dụng vitamin K nếu cần thiết. Đặc biệt cần sát sao theo dõi hàm lượng prothrombin ở bệnh nhân bị rối loạn hấp thu hoặc được nuôi ăn qua đường tĩnh mạch, nếu cần thì dùng thêm vitamin K;
  • Hiện chưa có đầy đủ các thông tin nghiên cứu về việc sử dụng Cefoperazon ở phụ nữ mang thai nên chỉ dùng thuốc cho đối tượng này khi thực sự cần thiết;
  • Cefoperazon bài tiết vào sữa mẹ ở nồng độ thấp, gần như không có tác động đối với trẻ đang bú mẹ. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu trẻ bị tiêu chảy, tưa và nổi ban. Tốt nhất bà mẹ đang cho con bú nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc Cefoperazon;
  • thuốc Cefobamid có thể gây co giật, đau đầu nên cần thận trọng nếu dùng thuốc cho người lái xe, vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Cefobamid

Một số tương tác thuốc của Cefobamid gồm:

  • Nếu uống rượu trong vòng 72 giờ sau khi sử dụng Cefoperazon thì người bệnh có thể xảy ra các phản ứng giống disulfiram với những biểu hiện như da đỏ bừng, đau đầu, toát mồ hôi, buồn nôn, ói mửa và nhịp tim nhanh;
  • Sử dụng đồng thời thuốc aminoglycosid và một số loại cephalosporin có thể làm tăng nguy cơ gây độc với thận. Mặc dù tới nay vẫn chưa thấy có tương tác với Cefoperazon nhưng vẫn cần theo dõi chức năng thận của bệnh nhân, đặc biệt là ở người bị suy thận đang dùng đồng thời Cefoperazon và aminoglycosid;
  • Hoạt tính kháng khuẩn của aminoglycosid và Cefoperazon có thể hiệp đồng chống một vài vi khuẩn gram âm. Khi phối hợp các thuốc này, cần xác định tính nhạy cảm của vi khuẩn đối với hoạt tính kết hợp của thuốc;
  • Sử dụng đồng thời Cefoperazon với heparin và warfarin có thể làm tăng tác dụng giảm prothrombin huyết của Cefoperazon;
  • Có sự tương kỵ vật lý giữa Cefoperazon và aminoglycosid. Nếu sử dụng 2 thuốc thì nên dùng riêng rẽ.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Cefobamid, bệnh nhân nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả trị bệnh tốt nhất và giảm đáng kể những sự cố khó lường có thể xảy ra.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-cefobamid/