Công dụng thuốc Mebamrol

Công dụng thuốc Mebamrol

Thuốc Mebamrol được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Clozapin. Thuốc được sử dụng trong điều trị điều trị tâm thần phân liệt mãn tính nặng, các rối loạn tâm thần xảy ra ở bệnh Parkinson khi các phương án điều trị thông thường không có tác dụng.

1. Thuốc Mebamrol có tác dụng gì?

Trong 1 viên thuốc Mebamrol có chứa hoạt chất Clozapin (hàm lượng 100mg) và các tá dược khác. Chỉ định sử dụng thuốc Mebamrol:

  • Tâm thần phân liệt mãn tính nặng (đã có thời gian tiến triển tối thiểu là 2 năm) trong trường hợp không thuyên giảm dù đã kê ít nhất 2 loại thuốc an thần kinh liều cao trong ít nhất 6 tuần, hoặc không dung nạp với các thuốc an thần kinh cổ điển;
  • Các trường hợp rối loạn tâm thần xảy ra trong quá trình điều trị Parkinson khi các cách điều trị thông thường không có tác dụng.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Mebamrol cho các đối tượng sau:

  • Người mẫn cảm với thành phần của thuốc, đặc biệt là Clozapin;
  • Người có tiền sử giảm bạch cầu hạt hay mất bạch cầu hạt do thuốc hoặc bệnh lý máu đặc trưng;
  • Bệnh nhân rối loạn tâm thần do rượu và nhiễm độc, ngộ độc thuốc, hôn mê;
  • Người mắc bệnh gan, thận hoặc có bệnh lý tim mạch trầm trọng;
  • Người mắc glocom góc đóng;
  • Bệnh nhân động kinh mất kiểm soát;
  • Người bị rối loạn đường tiểu do tuyến tiền liệt phì đại;
  • Người đang sử dụng các thuốc có nguy cơ làm giảm bạch cầu hạt;

2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Mebamrol

Cách dùng: Người bệnh nên uống thuốc Mebamrol với nước đun sôi để nguội.

Liều dùng: Tùy từng trường hợp cụ thể cần dùng thuốc Mebamrol theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tham khảo liều dùng cho từng đối tượng như sau:

Bệnh nhân tâm thần phân liệt:

  • Liều khởi đầu: Dùng 12,5mg trong ngày đầu tiên. Sau đó tăng dần từ 25-50mg/ ngày cho đến khi đạt đến liều 300mg/ ngày ở ngày thứ 14 đến ngày 21;
  • Liều trung bình: Dùng 300 – 450mg/ ngày, chia làm nhiều lần;
  • Liều tối đa: Dùng 600 – 900mg/ ngày;
  • Liều duy trì: Dùng 150 – 300mg/ ngày;
  • Để ngưng điều trị: Giảm liều từ từ trong 1 – 2 tuần.
  • Dùng thuốc trở lại: Tham khảo liều dùng khởi đầu. Đối với bệnh nhân đã ngưng thuốc trên 2 ngày, dùng 12,5mg/ 1-2 lần trong ngày đầu tiên. Sau đó tăng liều có thể nhanh hơn so với lúc mới điều trị bằng Mebamrol;
  • Chuyển từ thuốc an thần kinh cổ điển sang dùng Clozapin: Ngưng từ từ thuốc đang dùng trong vòng 1 tuần, sau khi ngưng được 24 giờ, bắt đầu dùng thuốc Clozapin theo cách thức ở trên;

Chứng rối loạn tâm thần trong khi điều trị bệnh Parkinson:

  • Liều khởi đầu: Liều bắt đầu không được vượt quá 12,5mg/ ngày, liều tiếp theo tăng 12,5mg (tối đa 2 lần tăng trong 7 ngày, tối đa 50mg và chỉ được phép đạt đến vào cuối tuần điều trị thứ 2). Để đạt hiệu quả, tốt nhất nên uống Mebamrol vào buổi tối;
  • Liều trung bình: Dùng liều 25 – 37,5mg/ ngày. Trong trường hợp bệnh nhân đã điều trị tối thiểu 1 tuần với liều 50mg nhưng không hiệu quả, có thể cân nhắc tăng liều 12,5mg/ tuần nhưng phải hết sức thận trọng
  • Liều tối đa: Việc dùng quá 50mg/ ngày chỉ được áp dụng trong trường hợp đặc biệt. Không được dùng thuốc Mebamrol quá 100mg/ ngày. Việc tăng liều cần được giới hạn hoặc ngừng lại nếu người bệnh bị hạ huyết áp hay có dấu hiệu rối loạn khó kiểm soát. Nên chú ý theo dõi huyết áp của bệnh nhân trong những tuần điều trị;
  • Liều duy trì: Nếu các triệu chứng loạn thần thuyên giảm hoàn toàn trong 2 tuần điều trị, việc tăng liều điều trị Parkinson có thể dựa trên việc theo dõi tình trạng vận động của người bệnh. Nếu phác đồ điều trị này gây tái diễn các biểu hiện rối loạn tâm thần, có thể tăng liều Clozapin với lượng 12,5mg/tuần lên liều tối đa là 100mg/ngày, chia 1-2 lần uống;
  • Để ngưng điều trị: Liều giảm dần được gợi ý là 12,5mg trong thời gian tối thiểu 1 tuần (tốt nhất là 2 tuần). Việc điều trị bằng thuốc Mebamrol phải được ngừng ngay nếu có tình trạng giảm bạch cầu hoặc mất bạch cầu hạt.

Các đối tượng khác:

  • Bệnh nhân suy gan: Nếu điều trị với Clozapin cần kết hợp theo dõi chức năng gan thường xuyên;
  • Người cao tuổi: Nên dùng liều khởi đầu 12,5mg, uống 1 lần duy nhất vào ngày đầu tiên điều trị. Việc tăng liều về sau cũng được giới hạn 25mg/ ngày;
  • Trẻ em: Hiện chưa có dữ liệu cụ thể về việc dùng thuốc Mebamrol cho trẻ em, do vậy không nên dùng thuốc cho đối tượng này.

3. Tác dụng phụ của thuốc Mebamrol

Khi sử dụng thuốc Mebamrol, người dùng có thể gặp phải một số tác dụng ngoài ý muốn tác động lên các cơ quan như:

  • Thần kinh trung ương: Buồn ngủ, hoa mắt chóng mặt, rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, ác mông), run rẩy, bồn chồn, lo lắng, động kinh, mệt mỏi, hôn mê, nói lắp và mất kiểm soát;
  • Thần kinh tự trị: Đổ mồ hôi, khô miệng, chảy nước miếng và rối loạn thị giác;
  • Tim mạch: Đau ngực, nhịp tim nhanh, tăng hoặc giảm huyết áp, thay đổi chỉ số điện tâm đồ (ECG), có các dấu hiệu bất thường ở tim;
  • Tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa, táo bón, buồn nôn, nôn, ợ nóng, tiêu chảy, chán ăn, kiểm tra chức năng gan bất thường;
  • Tiết niệu: Có các bất thường trong nước tiểu, viêm tiết niệu cấp, rối loạn tiểu tiện, rối loạn xuất tinh;
  • Hô hấp: Khó thở, thở gấp, khó chịu ở cổ họng và nghẹt mũi;
  • Da: Mẩn ngứa và xuất hiện nốt đỏ;
  • Máu, bạch huyết: Giảm bạch cầu trung tính, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt, bạch cầu ưa eosin;
  • Khác: Giảm cân, sốt, đau lưỡi.

Người dùng nên chủ động thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ mình gặp phải trong quá trình sử dụng thuốc Mebamrol để được tư vấn cách xử lý phù hợp.

4. Lưu ý khi dùng thuốc Mebamrol

Một số lưu ý cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Mebamrol:

  • Với bệnh nhân có tiền sử động kinh hoặc rối loạn tim mạch, bệnh thận hay gan, liều khởi đầu nên thấp và tăng liều chậm hơn;
  • Trong mắc bệnh gan nhưng không nặng, vẫn có thể điều trị bằng Clozapin nhưng cần kết hợp theo dõi chức năng gan đều đặn;
  • Người dùng có thể bị sốt tạm thời trong 3 tuần đầu dùng thuốc (thường là lành tính), có thể kèm theo tình trạng tăng hoặc giảm bạch cầu. Sốt có thể là dấu hiệu báo hiệu nhiễm trùng tiềm ẩn hoặc tăng bạch cầu đa nhân trung tính.

5. Tương tác của thuốc Mebamrol

  • Không dùng Mebamrol với các thuốc có khả năng làm suy giảm chức năng tủy xương.
  • Thuốc Mebamrol có thể làm tăng tác dụng thuốc chống trầm cảm IMAO, thuốc ức chế thần kinh trung ương.
  • Thận trọng khi dùng Mebamrol cho các bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc hướng tâm thần, thuốc kháng Cholinergic, thuốc hạ huyết áp hay ức chế hô hấp, các thuốc gắn kết với protein, Fluoxetine, Cimetidine, Fluvoxamine, Lithium, Phenytoin và A-adrenergic.

Khi điều trị bằng thuốc Mebamrol, bệnh nhân nên tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất, giảm thiểu những nguy cơ không mong muốn. Lưu ý, Mebamrol là thuốc kê đơn, bạn tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-mebamrol/