Công dụng thuốc Pabemin 325

Công dụng thuốc Pabemin 325

Thuốc Pabemin 325 được bào chế dưới dạng cốm pha uống, với thành phần chính là Paracetamol và Clorpheniramin maleat. Pabemin 325 là thuốc giảm đau (không opiod) chuyên được dùng để điều trị cảm lạnh, hạ sốt, ho và sổ mũi.

1. Thuốc Pabemin 325 là thuốc gì?

Trong 1 viên thuốc Pabemin 325 có chứa 10mg Thiamine, 325mg Acetaminophen, 2mg Chlorpheniramine. Đặc điểm của từng thành phần thuốc như sau:

  • Công dụng của Paracetamol: Giảm các loại đau nhẹ và vừa: đau bụng, đau đầu, đau răng…, hạ sốt;
  • Công dụng của Thiamin nitrat: Điều hòa sự trao đổi chất trong cơ thể, tạo năng lượng cho mô và cơ quan nhờ phân giải cacbonhydrat, hỗ trợ tổng hợp ATP và GTP;
  • Công dụng của Clorpheniramin maleat: Điều trị viêm mũi, nghẹt mũi, sổ mũi, dị ứng, nổi mày đay.

Nhờ những thành phần trên, thuốc Pabemin 325 thường được chỉ định để:

  • Giảm thiểu dị ứng đường hô hấp trên: Viêm mũi dị ứng,…
  • Cải thiện các triệu chứng sổ mũi, nhức đầu, ban nóng, cảm mạo, đau răng;
  • Giảm đau, hạ sốt.

Chống chỉ định dùng thuốc Pabemin 325 cho các đối tượng sau:

  • Bệnh nhân bị glocom góc hẹp;
  • Bệnh nhân viêm tuyến tiền liệt, phì đại tiền liệt tuyến;
  • Bệnh nhân bị tắc môn vị tá tràng, tắc cổ bàng quang;
  • Người đang bị thiếu máu;
  • Người quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc;
  • Phụ nữ có thai và cho con bú;
  • Trẻ sơ sinh và trẻ sinh non;
  • Người đang điều trị bằng thuốc ức chế MAO trong vòng 14 ngày tính đến thời điểm điều trị bằng thuốc Pabemin 325.
  • Người bệnh thiếu men G6PD (glucose-6-phosphat dehydrogenase)

2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Pabemin 325

Cách dùng: Người bệnh nên hòa tan thuốc Pabemin 325 vào nước đun sôi để nguội, khuấy đều trước khi uống. Cách mỗi 4-6 giờ uống một lần, không dùng thuốc quá 5 lần/ngày.

Liều dùng: Liều dùng được cân nhắc dựa trên thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp nên dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Gợi ý liều dùng tham khảo:

  • Người lớn và trẻ em >12 tuổi: Pha 1-2 gói/ lần.
  • Trẻ em từ 6 – 12 tuổi: Pha 1 gói/ lần.
  • Trẻ em Tham khảo ý kiến bác sĩ.

Lưu ý: Nếu cơn đau kéo dài quá 5 ngày, sốt kéo dài quá 3 ngày, sốt cao trên 39,5°C hoặc sốt tái phát, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiếp tục điều trị.

3. Tác dụng phụ của thuốc Pabemin 325

Khi sử dụng thuốc Pabemin 325, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ trên hệ thần kinh như:

Thường gặp:

  • Hệ thần kinh: Tác dụng an thần, ngủ gà, hoa mắt chóng mặt, suy giảm tâm thần vận động,
  • Tiêu hóa: Khô miệng.

Ít gặp:

  • Da: Phát ban trên da; các tình trạng nghiêm trọng hơn (hội chứng Steven-Jonhson, hoại tử da nhiễm độc, hội chứng Lyell, ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP));
  • Dạ dày-ruột: Buồn nôn, nôn.
  • Huyết học: Thiếu máu, rối loạn tạo máu (giảm toàn thể huyết cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm bạch câu), thiếu máu;
  • Thận: Bệnh thận, nguy cơ độc tính ở thận khi lạm dụng thuốc kéo dài.

Trong quá trình điều trị bằng Pabemin 325, néu thấy xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và đến gặp bác sĩ để có hướng xử lý phù hợp.

4. Lưu ý khi dùng thuốc Pabemin 325

Các lưu ý cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Pabemin 325:

  • Thận trọng với bệnh nhân suy giảm chức năng gan, thận nặng.
  • Với người lái xe và vận hành máy móc, người lao động nặng: thuốc Pabemin 325 có thể gây hoa mắt chóng mặt, buồn ngủ, ảnh hưởng đến khả năng tập trung của những người cần sự tập trung cao độ;
  • Cần dùng đúng liều thuốc được hướng dẫn trên nhãn thuốc, tuyệt đối không dùng thuốc quá liều vì có thể dẫn đến hiện tượng tích lũy thuốc trong cơ thể;
  • Không dùng thuốc Pabemin 325 cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.

5. Tương tác của thuốc Pabemin 325

Một số tương tác thuốc của Pabemin 325 bao gồm:

  • Các thuốc ức chế dẫn truyền thần kinh như thuốc gây mê Thiopental, Ketamin…;
  • Đồ uống chứa cồn như rượu, bia,… có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của thuốc;

Để tránh các tương tác thuốc ngoài ý muốn người bệnh nên chủ động liệt kê cho bác sĩ tất cả các loại thuốc/ sản phẩm chăm sóc sức khỏe mình đang sử dụng để có lời khuyên tốt nhất trong việc dùng thuốc.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Pabemin 325, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Pabemin 325 điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-pabemin-325/