Công dụng thuốc Oxacilin 250mg

Công dụng thuốc Oxacilin 250mg

Thuốc Oxacilin 250mg thuộc nhóm thuốc kháng sinh penicillin có thành phần chính oxacilin. Thuốc thường được dùng để điều trị nhiễm khuẩn hô hấp, tai mũi họng, niệu dục, viêm nội tâm mạc hoặc nhiễm khuẩn da, mô mềm, xương,… Vậy thuốc Oxacilin 250mg công dụng như thế nào?

1. Thuốc Oxacilin 250mg là thuốc gì?

Thuốc Oxacilin 250mg có thành phần chính Oxacilin là kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm penicillin không bị mất hoạt tính bởi penicillinase. Cơ chế tác động của Oxacilin là ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn bằng cách liên kết với một hoặc nhiều protein liên kết penicillin do đó ức chế bước trans peptid hoá cuối cùng của quá trình tổng hợp peptidoglycan trong thành tế bào vi khuẩn, dẫn tới ức chế sinh tổng hợp thành tế bào. Cuối cùng vi khuẩn bị ly giải bởi các enzyme phân giải thành tế bào (autolysin và murein hydrolase)

Oxacilin có tác dụng với vi khuẩn ưa gram âm và gram dương, đặc biệt là tụ cầu, không bị ảnh hưởng bởi enzym beta- lactamase của vi khuẩn do đó thuốc có hiệu lực điều trị tốt. Tuy nhiên hiện nay đã xuất hiện nhiều chủng Staphylococcus aureus đề kháng Oxacilin do đó khi bắt đầu điều trị các nhiễm khuẩn do tụ cầu còn nhạy cảm, nên phối hợp với vancomycin để phòng ngừa chủng kháng Oxacilin mắc phải ở cộng đồng hoặc bệnh viện.

Về dược động học, Oxacilin được hấp thu nhanh không hoàn toàn qua đường tiêu hoá, thức ăn có thể làm giảm tốc độ và mức độ hấp thu của thuốc. Với liều 500 mg, nồng độ tối đa trong huyết tương đạt khoảng 3-4 mcg/ml trong 0,5-2 giờ sau khi uống và khoảng 7-10 mcg/ml trong 30 phút sau khi tiêm bắp. Thuốc liên kết cao với protein huyết tương, phân bố rộng rãi trong cơ thể, chuyển hoá một phần và thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng không đổi.

Thuốc Oxacilin 250mg thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

Thuốc Oxacilin 250mg chống chỉ định với bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với bất cứ kháng sinh nhóm penicillin hoặc cephalosporin nào.

2. Liều sử dụng của thuốc Oxacilin 250mg

Tuỳ thuộc vào đối tượng và mục tiêu điều trị mà liều dùng của Oxacilin sẽ có sự khác biệt, cụ thể như sau:

Đối với người lớn:

  • Nhiễm trùng từ nhẹ- trung bình: uống 500- 1000 mg/ lần mỗi 4-6 giờ tối đa 6 g/ngày. Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch chậm hoặc tiêm truyền: 250-500 mg/lần mỗi 4-6 giờ
  • Nhiễm trùng mức độ nặng: tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp: 1 g/lần mỗi 4-6 giờ
  • Viêm nội tâm mạc: tiêm tĩnh mạch 2 g/lần mỗi 4 giờ trong 4-6 tuần. Có thể phối hợp với gentamicin tiêm bắp hoặc tĩnh mạch trong 3-5 ngày đầu điều trị bằng Oxacilin
  • Trường hợp bệnh nhân có van tim giả, cần dùng liều tiêm Oxacilin như trên trong hơn 6 tuần và phối hợp với rifampicin (uống 300 mg/lần mỗi 8 giờ, dùng trong 6 tuần), gentamicin tiêm bắp hoặc tĩnh mạch trong 2 tuần đầu điều trị với Oxacilin
  • Nhiễm trùng khớp, viêm tủy xương: 1,5-2 g tiêm tĩnh mạch mỗi 4-6 giờ
  • Viêm màng não: 1,5- 2 g tiêm tĩnh mạch mỗi 4 giờ
  • Nhiễm trùng da hoặc mô mềm: tiêm tĩnh mạch 1-2 g mỗi 4 giờ

Đối với trẻ em:

  • Trẻ sinh non và sơ sinh: tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 6,25 mg/kg thể trọng/ lần mỗi 6 giờ
  • Trẻ cân nặng dưới 40 kg: uống 12,5- 25 mg/kg thể trọng/ lần mỗi 6 giờ
  • Trẻ em cân nặng trên 40 kg: dùng liều như người lớn

Khi dùng quá liều Oxacilin 250mg, người bệnh có thể gặp phải triệu chứng lú lẫn, ảo giác, dễ bị kích động, co giật, loạn vận động, mất cần bằng nước và điện giải. Các xử trí chủ yếu là điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

3. Tác dụng phụ của thuốc Oxacilin 250mg

Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Oxacilin có thể gặp các tác dụng phụ như:

  • Phản ứng dị ứng, phát ban
  • Buồn nôn, tiêu chảy
  • Viêm tĩnh mạch huyết khối sau khi tiêm tĩnh mạch
  • Tăng bạch cầu ái toan, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu
  • Hiếm gặp: phản ứng phản vệ, viêm đại tràng giả mạc, vàng da ứ mật, viêm thận mô kẽ và tổn thương kẽ thận

Ngoài ra còn có thể gặp: viêm miệng, suy tuỷ xương, nhiễm độc gan, phản ứng ngộ độc thần kinh, co giật

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Oxacilin 250mg:

Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc Oxacilin gồm có:

  • Oxacilin có thể gây dị ứng như các thuốc nhóm beta- lactam khác do đó trước khi bắt đầu điều trị cần kiểm tra về tiền sử quá mẫn với penicillin, cephalosporin hoặc thuốc khác của người bệnh
  • Thuốc Oxacilin có thể ảnh hưởng đến gan, thận và máu nên cần kiểm tra chức năng gan, thận, công thức máu và định kỳ trong quá trình điều trị
  • Điều trị bằng Oxacilin kéo dài có thể gây bội nhiễm vi khuẩn hoặc nấm
  • Bệnh nhân có thể bị tiêu chảy do clostridium difficile khi điều trị với Oxacilin đường uống, nhất là với người có tiền sử nhiễm vi khuẩn này
  • Oxacilin có khả năng đi qua nhau thai và chưa có nghiên cứu khẳng định sự an toàn khi dùng Oxacilin với phụ nữ mang thai do đó chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết và theo chỉ định của bác sĩ
  • Oxacilin được đào thải vào sữa mẹ và chưa rõ về tác hại đối với trẻ nên cần cân nhắc khi dùng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú, tốt nhất là không nên cho con bú khi đang điều trị bằng Oxacilin
  • Bệnh nhân cao tuổi thường bị suy giảm chức năng các cơ quan và mắc đồng thời nhiều bệnh, khi kê đơn cho đối tượng này cần bắt đầu ở liều thấp hơn bình thường và theo dõi chức năng thận trong suốt quá trình điều trị
  • Do chức năng thận của trẻ em chưa hoàn thiện, do đó Oxacilin có thể không được đào thải hoàn toàn, dẫn đến nồng độ thuốc trong máu cao bất thường vì vậy cần theo dõi nồng độ thuốc trong máu thường xuyên để điều chỉnh phù hợp

5. Các tương tác thuốc Oxacilin 250mg

  • Dùng đồng thời Oxacilin với các kháng sinh kìm khuẩn (tetracycline) làm giảm tác dụng của Oxacilin
  • Probenecid làm tăng nồng độ Oxacilin trong huyết thanh, có thể do probenecid làm giảm bài tiết thuốc qua lọc ở ống thận
  • Oxacilin có thể làm chậm thải trừ methotrexat ra khỏi cơ thể
  • Khi sử dụng cả Oxacilin và các vaccin sống giảm độc lực (như vaccine tả, lao, thương hàn) và các men vi sinh như lactobacillus sẽ làm giảm tác dụng các chất này do đối kháng dược lực học
  • Acemetacin có thể làm tăng nồng độ Oxacilin trong huyết thanh
  • Oxacilin có thể làm tăng cường tác dụng chống đông máu của thuốc kháng vitamin K, tăng cường tác dụng hạ kali máu của dichlorphenamide
  • Oxacilin làm giảm tác dụng điều trị của natri picosulfate
  • Tránh phối hợp Oxacilin với kháng sinh nhóm aminoglycoside vì làm mất cả tác dụng của Oxacilin và giảm nồng độ aminoglycoside trong huyết thanh

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-oxacilin-250mg/